ClockThứ Năm, 11/03/2021 05:15
THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT:

Từ thói quen đến hành động - bài 1: Thay đổi tâm lý “tiền trao - cháo múc”

TTH - Thay vì sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán, người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan Nhà nước đang dần chuyển biến mạnh trong sử dụng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Đưa thanh toán không tiền mặt đến người dânĐẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặtPhấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S

Người dân sử dụng ATM không chỉ để rút tiền

Trăm hay không bằng tay quen

Nếu như ngày trước, các khoản tiền thanh toán tiền nước, điện, điện thoại… chị Lành (TP. Huế) phải mất thời gian đi đến cơ sở cung cấp dịch vụ thanh toán thì thời gian gần đây, chị không bận tâm nhiều khi đăng ký dịch vụ thanh toán qua tài khoản thẻ. Cứ đến ngày có thông báo tiền cần thanh toán, ngân hàng đều thực hiện trừ vào tài khoản.

“Tôi còn sử dụng tài khoản mobile banking thực hiện các giao dịch chuyển khoản, thanh toán mã QR CODE… khi mua hàng. Đôi khi dù trong túi không có tiền mặt nhưng việc mua, bán hay làm gì cũng không cảm thấy bất tiện như trước đó. Việc thanh toán qua thẻ cũng khá tiện dụng, nhất là sử dụng các loại thẻ tín dụng với nhiều tính năng giúp tôi thấy tự tin hơn rất nhiều khi ra ngoài”, chị Lành chia sẻ.

Một điều rất dễ nhận ra, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi. Nếu trước đây, ngày chiếc thẻ ATM chủ yếu chỉ để dùng để rút tiền mặt tại cây ATM rồi mang tiền vào cửa hàng thanh toán các hóa đơn thì nay với tấm thẻ ngân hàng ấy có thể sử dụng thanh toán ở hầu hết cửa hàng bỏ qua giai đoạn rút tiền tại cây ATM. Ngoài ra, với số tiền hiện hữu ở tài khoản ngân hàng, các giao dịch trực tiếp như chuyển khoản, thanh toán, gửi tiết kiệm… từ vài chục ngàn đến cả vài trăm triệu đồng đều được sử dụng ngay trên phần mềm của điện thoại.

Những con số ấn tượng

Việc thực hiện các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) và có nguồn gốc NSNN bằng phương pháp không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa dịch vụ cũng có bước đột phá. Khi hiện nay, 100% cơ quan ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đều chi lương cho cán bộ công chức viên chức qua tài khoản ngân hàng; 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử tại TP. Huế giao dịch nộp thuế qua ngân hàng.

Giao dịch không dùng tiền mặt tại Trung tâm hành chính công tỉnh

Không chỉ dừng lại ở các giao dịch mua bán thông thường, nhiều lĩnh vực mới cũng bắt đầu được đẩy mạnh thanh toán qua kênh TTKDTM như: y tế, an sinh, giáo dục.

Từ tháng 5/2019, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện chuyển tiền chi trả chế độ ốm đau, thai sản… vào tài khoản người lao động; đồng thời BHXH tỉnh có văn bản gửi đơn vị sử dụng lao động hướng dẫn đốc thúc nhằm tăng tỷ lệ người hưởng nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân. BHXH cũng giao chỉ tiêu cho từng BHXH huyện, thị xã, thành phố để BHXH cấp huyện có phương án triển khai cụ thể đến từng xã phường, thị trấn nhằm đạt chỉ tiêu được giao. BHXH thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình chi trả, quản lý đối tượng hưởng. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ chi trả an sinh xã hội thực hiện qua ngân hàng tại TP. Huế đạt gần 49%; các TX. Hương Trà 32,5%, Hương Thủy 26,5%, vượt so với kế hoạch đề ra.

Các dịch vụ thanh toán ngoài khu vực Nhà nước cũng có chuyển biến khi tỷ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng trên địa bàn TP. Huế đạt gần 100%, TX. Hương Trà 84,7%, Hương Thủy là 94,2% giá trị tiền điện được thanh toán. Dịch vụ thanh toán tiền nước qua ngân hàng ở khu vực thành phố chiếm 46,6%. Các trường đại học, cao đẳng đều chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng, tỷ lệ sinh viên nộp học phí qua ngân hàng là 47,2%; 100% các bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Huế đã chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Đa dạng hình thức thanh toán

Theo ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, hoạt động TTKDTM được xem là xu hướng hiện nay. Nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn, nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. TTKDTM đối với các dịch vụ công tiếp tục được mở rộng, triển khai rộng rãi. Phương thức này đang tiếp tục thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách hợp tác với các ngân hàng và tạo ra nhiều điểm thanh toán cũng như các dịch vụ ngoại tuyến và trực tuyến.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, viễn thông và sự phổ biến của các thiết bị di động kết nối internet hiện nay, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới của ngành ngân hàng như chuyển tiền trực tuyến qua mobile banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng mobile banking/ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng/trên website bán hàng qua mã QR... đã liên tục xuất hiện, ngày càng phổ cập trong cuộc sống. Điều này tạo bước phát triển mới trong TTKDTM, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đem lại lợi ích thiết thân cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện trên địa bàn có gần 700 ngàn khách hàng cá nhân và 13.400 khách hàng doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Tổng số doanh nghiệp TTKDTM trên địa bàn chiếm 74,3% trong tổng số doanh nghiệp thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Các thiết bị chấp nhận thẻ POS, ứng dụng mã QR CODE được lắp đặt tại trung tâm hành chính công, 10 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 6 trường học trên địa bàn; 551 siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong toàn tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng.

Đến nay, toàn tỉnh có 235 máy ATM (trong đó tại các huyện, thị xã chiếm 23,9%); 1.376 số máy POS (trong đó tại các huyện, thị xã chiếm 11,3%) đang hoạt động. Các dịch vụ thanh toán qua internet banking, mobile banking, QR CODE ngày càng được sử dụng rộng rãi, số lượng giao dịch tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet năm 2020 ước đạt 17.862 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2018 (năm đầu triển khai) tổng giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động năm 2020 ước đạt 28.058 tỷ đồng tăng 153,7% so với năm 2018.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Bài 2: Hướng đến nền hành chính công trực tuyến

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác

Với Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Điền, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa vào công việc thường nhật, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác

TIN MỚI

Return to top