ClockThứ Ba, 11/04/2017 13:41

VAC đô thị: Sản phẩm hữu ích cho các hộ gia đình

TTH - Cấu tạo gọn nhẹ và giá thành thấp, hệ thống VAC (vườn - ao - chuồng) đô thị là một lựa chọn lý tưởng cho các hộ gia đình có nhu cầu trồng rau, nuôi cá và gia cầm sạch tại nhà.

Giảng viên Nguyễn Văn Quy, khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế với hệ thống VAC đô thị

VAC đô thị là một sản phẩm nghiên cứu “mới ra lò” của nhóm sinh viên Tô Thất Anh Thi, Hứa Thị Lài, Hoàng Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Mỹ Lộc xuất phát từ ý tưởng và hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Văn Quy (Khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm Huế).

Tô Thất Anh Thi, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Thực phẩm bẩn (rau, cá, gia cầm...) đang là mối quan ngại của xã hội. Trước thực tế đó, nhiều hộ gia đình đã tìm tới các hình thức trồng rau, nuôi cá hay gia cầm sạch tại nhà. Trên thị trường, một số công ty đã cung cấp mô hình Aquaponic (mô hình kết hợp trồng rau và nuôi cá) phục vụ cho nhu cầu của người dân. Tuy nhiên mô hình, dịch vụ và giá cả chưa phù hợp. Vì thế, chúng em đã nghiên cứu và thiết kế ra hệ thống VAC đô thị. Hệ thống này có thể vừa trồng rau sạch, vừa kết hợp nuôi cá và nuôi các loại gia cầm trên một diện tích nhỏ như sân trước nhà, ban công, sân thượng...”.

Nhiều ưu điểm

Theo giảng viên Nguyễn Văn Quy, đa phần các hệ thống trồng rau sạch và nuôi cá (Aquaponic) trên thị trường cung cấp hệ thống thủy canh hồi lưu để trồng rau, phía dưới đặt thùng nhựa lớn để nuôi cá. Nước và phân cá sẽ được bơm lên vườn rau. Các hệ thống này nhược điểm là giá thành cao (25-30 triệu đồng/bộ), sản lượng rau và cá đạt được tương đối thấp, hệ thống cồng kềnh khó vận chuyển hay lắp đặt…

Còn hệ thống VAC đô thị có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn, bởi đây là hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động nên không tốn công chăm sóc. Theo quy trình, phân gia cầm sẽ là thức ăn cho cá, phân cá được vi sinh vật phân hủy thành dinh dưỡng dễ tiêu và được bơm lên để cung cấp cho cây rau, lượng rau thừa sẽ dùng làm thức ăn cho gia cầm và cho cá. Hệ thống là một vòng tuần hoàn sinh thái nên tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá, gia cầm và phân bón cho cây. Mọi sản phẩm dư thừa đều được tận dụng, không gây ra tình trạng mất vệ sinh cho môi trường”, giảng viên Nguyễn Văn Quy chia sẻ.

Mỗi hệ thống VAC đô thị chiếm diện tích sàn là 1,4 m2 nhưng có thể trồng được 6m2 rau trên cả hai mặt với tổng số 800 cây. Thời gian từ trồng đến khi thu hoạch là 20-30 ngày. Thời gian sử dụng hệ thống là từ 4 năm trở lên. Với giá thành là 2,9 triệu đồng/bộ, cộng thêm chi phí khấu hao hệ thống trồng, tiền phân bón, hạt giống và điện nước, tổng chi phí bỏ ra 1 ngày là gần 6 nghìn đồng. Lồng nuôi chim bồ câu có thể nuôi được ít nhất là 2 cặp. Việc nuôi chim bồ câu ngoài mục đích lấy phân làm dinh dưỡng cho cây còn có thể lấy thịt hoặc lấy trứng. Bể nuôi cá có khả năng nuôi được từ 3-4 ký cá thương phẩm các loại.

“Theo thống kê, hiện mỗi hộ gia đình ở thành phố thường bỏ ra số tiền là 12-15 nghìn đồng/ngày cho việc mua rau ăn. Như vậy khi sử dụng hệ thống VAC đô thị, mỗi ngày mỗi hộ lợi được từ 6-9 nghìn đồng và quan trọng là có được nguồn rau thực sự sạch cung cấp cho bữa ăn hàng ngày”, Hứa Thị Lài tính toán.

Tham vọng

Hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi trên hệ thống VAC đô thị, có sản phẩm mẫu hoàn thiện và đã xây dựng mô hình trình diễn. Nhiều người đã tới tham quan, gửi email, điện thoại hỏi mua sản phẩm hoặc đặt vấn đề làm đại lý. Kế hoạch sắp tới của nhóm là giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng, các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng trong thành phố; xây dựng hệ thống đại lý trên cả nước và thành lập website bán hàng.

“Việt Nam có hơn 20 nghìn khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng. Đây là những đối tượng tiềm năng cho việc tiêu thụ sản phẩm của hệ thống VAC đô thị. Một đối tượng tiềm năng nữa là các trang trại. Hiện, các trang trại ở Việt Nam vẫn trồng theo hướng truyền thống nên tốn công lao động, chất lượng và độ an toàn của rau không cao. Việc tiếp cận và cung cấp các hệ thống này cho các trang trại nói trên sẽ mở ra hướng lớn cho việc tiêu thụ hệ thống VAC đô thị. Đồng thời, giúp các trang trại này công nghiệp hóa được việc trồng rau, nuôi cá và gia cầm”, Tuấn Kiệt hào hứng.

Với hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang có nhu cầu về rau, cá và gia cầm sạch để ăn hàng ngày; nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn nhà hàng đang cần tăng mảng xanh; hàng nghìn trang trại đang cần các thiết bị để trồng rau sạch, hệ thống VAC đô thị nhóm bạn trẻ Trường đại học Nông Lâm Huế sẽ là một lựa chọn lý tưởng. Nhóm sinh viên này cũng đang kỳ vọng, việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đạt mức tăng trưởng 40 - 50% mỗi năm, từ đó tạo được nhiều việc làm, hướng tới xây dựng một công ty hàng đầu của Việt Nam về các trang thiết bị, dịch vụ trồng rau sạch.                                          

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

TIN MỚI

Return to top