ClockThứ Hai, 28/06/2010 16:43

Một giọng văn riêng trong bút ký

TTH - (Đọc tập “Chuyện Huế” của Hồ Đăng Thanh Ngọc - NXB Thuận Hóa 2008)Tôi thường có thói quen - do thì giờ có hạn là chủ yếu - năm sau đọc sách của bạn bè xuất bản năm trước. Gần đây, tôi mới có dịp đọc lại Chuyện Huế - xuất bản năm 2008, tập bút ký của Hồ Đăng Thanh Ngọc - một nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, hiện là Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương, nơi tôi đã từng ngồi đó khá nhiều năm, gần ba nhiệm kỳ.

Phải nói ngay rằng, với Chuyện Huế, Hồ Đăng Thanh Ngọc đã chọn lựa khá chặt chẽ: mười bảy bài, một trăm bảy mươi trang trong hàng trăm bài anh đã viết hơn mười năm qua. Tôi đọc từ đầu đến cuối mặc dù có bài tôi đã đọc trước đó trên các báo hàng ngày hàng tuần. Thấy rằng tác giả đã không nề vất vả, công phu sửa chữa, nâng lên khá kỹ, khá tâm huyết. Vì vậy mà chất lượng tác phẩm đã được cải thiện rõ rệt, không như những gì tôi đọc anh lần đầu. “Những ngọn nến” là một ví dụ.

Thể loại ký trong văn học không thể nào thiếu sự việc, sự kiện. Đã đành là như vậy nhưng nếu sự việc cứ chồng lên sự việc mà không có hoặc không thấy bóng dáng con người cùng những nghĩ suy, cảm xúc, nỗi niềm… của họ thì chẳng khác gì thực vật, mọi chuyện sẽ trơ khấc ra, chẳng đem lại cho ai điều gì cả! “Bào Đột hương trang” chứng minh thêm cho ta điểm này. Những sự kiện dập dồn, lớp lớp, trùng điệp… gần như suốt cả nghìn năm văn hiến xảy ra ở nơi thánh địa của dòng họ Hồ, từ ông nguyên tổ là Hồ Hưng Dật cho đến Hồ Quý Ly… và sau này nữa là Hồ Phi Phúc (tức Nguyễn Phi Phúc thân phụ Nguyễn Huệ), Hồ Tông Thốc, Hồ Xuân Hương v.v… kéo mãi đến thời hiện đại giờ đây là Hồ Tùng Mậu cùng con cháu của ông. Tất cả dồn nén trong bài ký, ngập đầy cảm xúc từ đầu cho đến đoạn cuối: “Sách xưa nói rằng cứ 300 năm bình địa trả qua một lần dâu bể… Bào Đột cũng không thoát khỏi quy luật ấy, diễn biến can qua của những cuộc bể dâu đã xóa tan bao cung điện, đền đài… Có chăng còn lại bây giờ là hương trang vẫn một màu xanh bình yên thăm thẳm cho con cháu tìm về. Có những người chí cao ngút trời song không bao giờ về được lại hương trang Bào Đột. Một trong số đó là “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” Hồ Quý Ly. Chỉ còn tiếng thơ của ông cảm hoài nơi xa vắng: “Quê hương dễ thấy đầu dần bạc / Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh…
 
Những đoạn như vậy trong bài bút ký dài gần 5 ngàn từ này làm xốn xang bao nỗi lòng của người đọc, níu giữ chúng ta và làm cho chúng ta không sao yên ổn được, nếu như chúng ta không phải là người vô cảm, vô tâm.
 
Hồ Đăng Thanh Ngọc viết Chuyện Huế, dĩ nhiên là nhiều chuyện xảy ra ở Huế, Thừa Thiên. “Nghe thơ trong đêm hoàng cung”, “Chiều chiều xách giỏ đi câu”, “Sắp lát thịt heo lên mâm cơm Huế”, “Quán rắn góc trời”. Chất giọng thủ thỉ trong những bút ký này tôi nghĩ là rất hợp với người Huế - nói cách khác là có bản sắc riêng. Thủ thỉ thôi, kiệm lời, nhưng đọc thấy sự tâm đắc của tác giả. Anh muốn truyền đạt sự tâm đắc đó đến những ai quan tâm vì lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người qua tấm lòng với những tình cảm cao đẹp của họ - điều mà các tác phẩm văn chương nghệ thuật hướng tới.
 
Vẻ đẹp sâu xa, cái vẻ đẹp chẳng dễ dàng gì nhìn thấy này, được Hồ Đăng Thanh Ngọc với giọng văn riêng của mình, chấm phá một cách thầm thì, hơi giấu đi, lẩn đi, chẳng một chút ồn ào rao giảng, nhưng không vì thế mà nhòa nhạt, cạn vơi hay hời hợt. “Gió quấn cả mái tóc dài của Êlisa (một nữ sinh viên Pháp) lên mắt mũi tôi như thể một loài mây lạ, không dễ gì quên được. Đang lâng lâng vì cảm giác kỳ lạ ấy, Êlisa bỗng kéo tay tôi đứng lại, chỉ vào trong lùm cây ven đường. Tôi nhìn theo hướng tay nàng chỉ, nhận ra dưới gốc lau có một tổ chim sơn ca đất có hai con chim nhỏ xíu đang run bắn vì lạnh. Tôi dốt đặc ngoại ngữ nhưng cũng đủ kinh nghiệm đôi tay để ra hiệu là nên dùng khăn để quấn cho chúng nó đỡ lạnh. Êlisa làm theo tôi, lấy chiếc khăn nàng đang dùng thoang thoảng mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng quấn cho đôi chim non. Bất giác tôi thấy Thế (nhân viên kiểm lâm cùng đi) mỉm cười…” Nhưng chiếc khăn đó không bị gió cuốn đi như tấm lòng trong lời nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người kiểm lâm tên Thế đó đã trở lại lấy chiếc khăn “trả đôi chim non lại cho thiên nhiên thật sự, bởi mẹ chúng cũng đã sắp về”. Thế về tìm chúng tôi để trao lại khăn cho Êlisa. Bấy giờ nàng không có mặt ở đó, đã ra suối tắm hoặc ngắm cảnh gì đó. Tôi tìm đến bên bờ suối. Êlisa rất ngạc nhiên khi biết được câu chuyện. Nàng hỏi: “Thế đâu rồi?” Thế đã đi rồi! “The cung la gio” - nghe như nàng nói sau một tiếng thở dài nhẹ và buồn… Tác giả kết thiên bút ký trong cơn lốc trên đỉnh Vọng Hải Đài: “Vâng, chính trong cơn lốc mịt mù ấy, núi Bạch Mã đã có một thứ gió khác, thứ gió ấy trong mỗi người chúng ta ai cũng có miễn là có cơ hội để thoát thai ra, ngọn gió của nồng ấm tình yêu thiên nhiên và cả con người” (Gió trên đỉnh Bạch Mã)
 
Trong “Chiều chiều xách giỏ đi câu” Hồ Đăng Thanh Ngọc không những miêu tả rất giỏi, rất sống động về các loại câu (câu cần, câu cặm, câu giăng, câu chùm, câu vợt…), về nghệ thuật câu từng loại cá như “câu cá trê phải biết cách giật cần vì cá trê ngậm mồi xong thì kéo mồi đi giật lùi nên phải giật cần cùng chiều với hướng phao chạy mới mong lưỡi câu móc vào mép cá”… mà còn bày ra bao nhiêu là tâm trạng cảm giác cùng những liên tưởng giàu ý nghĩa nhân văn và đậm chất folklo. Chúng ta gặp ở đó chuyện cổ tích chàng Lười, lười đến nỗi đi câu nằm ngửa mà câu. Hay ta bắt gặp câu hò ru em xứ Huế “Chiều chiều ông Lự ra câu / Cái ve cái chén cái bầu sau lưng”? Ông Lự chỉ vua Duy Tân trong câu hò mái nhì “Chiều chiều trước bến Văn Lâu ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…” hay là ông Lự ở xóm Cửa Trài (sát đồn Mang Cá hiện nay) nổi tiếng lúc bấy giờ là một “mệ” Huế câu tài tử; hay đích thực là ông Ngự - ông già Bến Ngự tức cụ Phan Bội Châu như có nhiều người đã giải thích đã hiểu trong đó có người viết bài này là tôi?
 
Đọc xong (không chỉ một lần) Chuyện Huế tôi bất chợt đặt ra một câu hỏi trong đầu óc, một câu hỏi vớ vẩn một chút nhưng rất thật lòng: Trong đại trà tứ xứ các nhà văn viết ký trong nước ta giờ đây, những ai là người có thể tiếp nối được dòng mạch văn hoá của các bậc cha anh đi trước như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường?
 
Tự đặt câu hỏi rồi phải tự trả lời, đó là lẽ dĩ nhiên và thường tình. Trả lời thì cũng thường tình có người tán thành có người phản đối. Tôi nghĩ rằng: có thể Hồ Đăng Thanh Ngọc là một trong những người đó.
 
Bằng vào tác phẩm văn xuôi là tập bút ký gần như là đầu tay của mình, thể hiện một nội lực khá dồi dào; bằng sự lao động nhà văn miệt mài cộng với lòng say mê nghề nghiệp lặng thầm và bền bĩ, tôi tin rằng Hồ Đăng Thanh Ngọc sẽ có những tác phẩm đáng lưu ý hơn, đáng trân trọng hơn trong thời gian sắp tới.
 
Nhà văn Hồng Nhu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top