ClockThứ Hai, 12/12/2016 06:16

Người kể chuyện dân gian hiện đại

TTH - Truyện “Nhện chúa…” đã dẫn, tác giả còn đưa bạn đọc đến những cảnh kỳ ảo hơn và cũng gợi nghĩ đến những điều sâu xa hơn. Khi đàn nhện bị Vua bò cạp tấn công, nhện chúa ẩn mình vào Chùa Nổi.

Nhà văn Bích Ngân, Tổng biên tập NXB Văn hoá - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh - một nhà văn Nam bộ “thứ thiệt” nhận xét: “… Ở mỗi truyện, khi kể về loài vật hay con người với giọng văn hóm hỉnh nhưng có chiều sâu triết lý, Trần Bảo Định ít nhiều đã gửi tâm tình vào đó, khẽ khàng thôi, cũng đủ làm người đọc xúc động và ray rứt về tình đất, tình người, tình muôn loài vật đang sống quanh quẩn cùng ta trong cõi nhân gian này”.

Hai tập truyện “Kiếp ba khía” & “Đời bọ hung” của Trần Bảo Định 

Truyện “Kiếp ba khía” của Trần Bảo Định xuất bản năm 2014 (NXB Văn hoá - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh). Tác giả lấy làm tên cho cả tập sách, có lẽ vì ông thương cho kiếp con ba khía bao đời sống quần tụ trong rừng mắm, đước - nó cũng có “những ngày hội, những đêm sáng trăng rủ bạn tình bám chang đước nhỏ to, chăn gối…” - hết bị B.52 rải thảm đến thuốc khai quang, nay hòa bình lại bị con người phá rừng, phải sống cầm tù trong các trại nuôi nhân tạo chỉ để làm mồi cho các bợm nhậu, nên ông đã “mượn” con ba khía làm “biểu tượng” cho bao phận người đã bị quăng quật trên vùng đất mở phía Nam của Tổ quốc.

Nhiều truyện khác trong “Kiếp ba khía”, thông qua đời sống một số con vật, tác giả gửi gắm triết lý: “… Có con vật lấy dối trá, gian manh làm mục tiêu sống. Có con vật lấy yêu thương làm niềm vui. Có con vật chết để con mình được sống. Có con vật suốt đời khao khát tự do bay cao, bay xa… Thú vật tu nhiều kiếp thành người. Khi thành người, thì người quay lại ăn tươi nuốt sống đồng loại cũ của tiền kiếp xưa...”.

Trong “Kiếp ba khía”, dù không trực tiếp nhưng Trần Bảo Định đã dành nhiều trang miêu tả những số phận thăng trầm trải qua các bước ngoặt lớn của dân tộc… Chỉ một cuộc đời của vợ chồng thầy giáo Huy (truyện “Chuyện người”), đã khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ nhiều về bài học “đối nhân xử thế”. Từ 1976, vì lòng tự trọng, không chịu mang tiếng “lưu dung”, thầy đi vùng kinh tế mới, khi quân Polpot tràn qua Hà Tiên, vợ chồng thầy không bỏ về Sài Gòn cầu an mà gia nhập Đội dân công hỏa tuyến và đã hy sinh lúc cõng một thương binh ra khỏi vùng lửa đạn…  

Cái độc đáo của Trần Bảo Định là trong một truyện bi thương như thế, vẫn “gài” được chi tiết hài hước, như chuyện bác Sáu kể chị sui (thông gia) trong đêm ngoắt tay ba lần, tưởng chị rủ sang… ngủ chung, ai dè chị kêu lên: “Mèn đéc ơi, tui phát tay là để tắt cái đèn bóng… dầu dạo này khan hiếm lắm…” đến nỗi vợ chồng Huy nhiều bữa cơm phải “ăn thầm”! Một cái cười ra nước mắt trước hậu quả của cách quản lý sai lầm khiến cả một miền đất trù phú trở nên thiếu thốn.

Có lẽ “Kiếp ba khía” có sức cuốn hút không ít bạn đọc là nhờ song hành cả hai yếu tố - sự hài hước và nỗi đau đời - qua nhiều trang sách đậm chất dân gian, được thể hiện với giọng điệu hồn nhiên “zui zẻ”, thậm chí có cả “sex” nữa. Có lẽ nhờ thế mà “Kiếp ba khía” không thiếu bi kịch nhưng đồng thời lại toát lên sức sống bất diệt của một vùng đất giàu tiềm năng…

***

Nói theo ngôn ngữ quân sự, sau “trận đầu” dòn giã, Trần Bảo Định “thừa thắng xốc tới”, và đầu năm 2016, “Đời bọ hung” ra đời, cũng do NXB Văn hoá - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh làm “bà đỡ”. Trong cuốn sách, ngoài truyện “Đời bọ hung” in cuối tập, còn có truyện “Đời cá hô”, “Lia thia trống”, “Nhện chúa ở hậu liêu chùa nổi”, “Chuồn chuồn điểm nước”… mà những con vật ấy, tuy hầu hết bạn đọc đều biết, nhưng qua cách nhìn, cách nghĩ và cách viết của tác giả, chúng hiện ra rất lạ lùng, vừa thực, vừa hư - có thể nói là kỳ ảo nữa; nhiều khi chúng là “nhân vật” chính của truyện ôm chứa những triết lý sống rất đa dạng. Vì thế đọc loạt truyện về con vật của Trần Bảo Định, chúng ta nghĩ đến câu nói cửa miệng của dân Sài Gòn: “Nói dzậy mà không phải dzậy”.

Truyện “Nhện chúa…” đã dẫn, tác giả còn đưa bạn đọc đến những cảnh kỳ ảo hơn và cũng gợi nghĩ đến những điều sâu xa hơn. Khi đàn nhện bị Vua bò cạp tấn công, nhện chúa ẩn mình vào Chùa Nổi. Một hôm chú tiểu bắt gặp, giơ cây chổi định đập thì vị sư trụ trì cất tiếng: “Mô Phật! Sao con nhẫn tâm sát sinh?”; Nhện thoát chết đã đành, mà chi tiết đặc sắc hơn là khi nhện “giương kim định chích nọc độc chú tiểu” thì mới hay kim mềm nhũn, vì lâu ngày tĩnh tâm nghe tiếng chuông chùa thì: “Tâm bình thì thế giới bình”! Chưa hết, nhện chúa giác ngộ, đã “xin cúng dường sanh mạng này… từ tay áo sư, phóng thẳng sang ngọn bạch lạp… lấy thân mình làm thứ thần dược cho con người!”.

Với hai tập “Kiếp ba khía” và “Đời bọ hung”, từ cách chọn đề tài, giọng văn đến những suy ngẫm về triết lý nhân sinh, về con người với thiên nhiên, Trần Bảo Định, mặc dù nhập cuộc muộn, đã đặt được một cột mốc khá độc đáo trên văn đàn hôm nay, và, tôi muốn được gọi ông là “người kể chuyện dân gian hiện đại”.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc hội ngộ các dòng tranh dân gian

Những tác phẩm tranh dân gian cùng những bản in khắc gỗ với các họa tiết đẹp mắt, đến từ nhiều làng tranh nổi tiếng của Việt Nam đã cùng hội ngộ về bên dòng Hương. Những tác phẩm ấy như giúp người xem hiểu hơn những giá trị văn hóa độc đáo từ ngàn xưa, được các nghệ nhân gìn giữ cho đến tận bây giờ.

Cuộc hội ngộ các dòng tranh dân gian

TIN MỚI

Return to top