Huế là nơi may mắn lưu giữ nhiều cổ vật vô giá của quá khứ vàng son một thuở. Tài sản đặc biệt này được xem là quốc bảo, liên quan mật thiết với văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu
Những bảo vật quốc gia
Được công nhận bảo vật quốc gia đầu năm nay, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” đặt tại chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715 trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ là một trong những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn với những giá trị độc đáo còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Trên bia khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán, kiểu chữ chân phương. Nội dung văn bia thể hiện rõ tầm quan trọng của Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu, cũng như việc trùng kiến chùa Thiên Mụ vào thời điểm này.
Theo đánh giá của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê - Trịnh, đồng thời có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn với những đặc điểm mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, bia vẫn tồn tại như một minh chứng sống động của mạch nguồn tư tưởng, triết lý nhân văn thời chúa Nguyễn.
Bệ thờ Vân Trạch Hòa phát hiện tại phế tích Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, hiện trưng bày ở Di Luân đường được xem là kiệt tác nghệ thuật của người Chămpa bởi kỹ thuật tinh xảo, giá trị thẩm mỹ cao. Bệ thờ được chế tác từ chất liệu đá sa thạch, loại đá cứng sử dụng phổ biến trong các công trình điêu khắc Chăm. Bệ có hai tầng hình trụ vuông chồng khớp lên nhau. Cả bốn mặt được trang trí họa tiết liên quan đến đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Với những giá trị độc đáo, bệ thờ Vân Trạch Hòa được công nhận bảo vật quốc gia năm 2015. Trước đó, năm 2009, bệ thờ từng được đưa sang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật châu Á, Hoa Kỳ.
Trong công trình nghiên cứu về Chămpa ở Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng đánh giá: “Nhìn tổng thể, bệ thờ Vân Trạch Hòa được khắc tạc hoàn chỉnh, đề tài nội dung phong phú, kỹ thuật điêu khắc thể hiện trình độ mỹ thuật cao, tinh tế. Có thể nói, đây là bệ thờ đẹp nhất được phát hiện trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa ở nước ta”.
Tô "Thuận Hóa vãng thị" hiện chỉ còn một chiếc duy nhất thuộc sưu tập của anh Nguyễn Hữu Hoàng
Đồ sứ ký kiểu: Hồn dân tộc Việt
Đây là những cổ vật dòng đồ sứ danh tiếng, chỉ những món đồ sứ do người Việt Nam (hoàng đế, quan lại, thường dân) đặt làm tại các lò gốm Trung Hoa từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.
Đồ sứ ký kiểu phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đa dạng về đề tài và hoa văn trang trí. Ngoài những đề tài dựa theo yêu cầu đặt hàng, như danh lam thắng cảnh ở Huế và vùng phụ cận cùng với thơ văn minh họa bằng chữ Hán và chữ Nôm, còn có các đề tài kinh điển khác, như: tứ linh, phong cảnh, điển tích, tứ quý, bát tiên... Đồ sứ ký kiểu của mỗi hoàng đế triều Nguyễn đều có hiệu đề riêng.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đồ sứ ký kiểu đã trở thành dòng cổ vật quý, có giá trị văn hóa, mỹ thuật và giá trị kinh tế cao, được giới sưu tập cổ vật trong và ngoài nước ưa chuộng. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang sở hữu hơn 2.000 hiện vật thuộc dòng đồ sứ ký kiểu.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu
Đồ sứ ký kiểu cũng được giới sưu tầm cổ ngoạn ở Huế yêu thích. Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng sở hữu bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu giá trị, trong đó có những món rất quý thời chúa Nguyễn, với những kiệt tác mang hiệu đề Thanh ngoạn do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu. Đó là những chiếc tô vẽ các thắng cảnh nổi tiếng của đất Thuận Hóa, như núi Hải Vân, chùa Thiên Mụ, chợ Thuận Hóa, núi Tam Thai… cùng với những bài thơ: Ải lĩnh xuân vân, Thiên Mụ hiểu chung, Tam Thai thính triều… do chúa sáng tác, phẩm đề trên đồ sứ. Trong bộ sưu tập của anh Hoàng có chiếc tô “Thuận Hóa vãng thị” thời chúa Nguyễn vẽ cảnh chợ chiều ở Huế, đến nay chỉ mới phát hiện ra một chiếc duy nhất, hay chiếc dĩa mai hạc viết thơ chữ Nôm mà giới cổ ngoạn cho là thơ của cụ Nguyễn Du...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng sưu tập trên 200 món đồ sứ ký kiểu. Số lượng chưa phải là nhiều so với bộ sưu tập tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhưng lại có giá trị đặc biệt về mặt hệ thống. Bộ sưu tập của ông có đầy đủ đồ sứ ký kiểu các thời kỳ: Lê – Trịnh, Gia Long, Minh Mạng, giao thời Minh Mạng – Thiệu Trị, Thiệu Trị, Tự Đức, Nội phủ... với họa tiết trang trí, kiểu loại khác nhau. Không chỉ có đồ sứ được đặt làm tại Trung Hoa, bộ sưu tập của ông còn có đồ sứ được đặt làm tại Pháp dưới thời vua Duy Tân, Khải Định, đặc biệt nhất là chiếc dĩa của sứ Bồ Đào Nha tặng cho chúa Nguyễn.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng nhận định, đồ sứ ký kiểu chứa đựng cả hồn dân tộc Việt với những phong cảnh, địa danh của Việt Nam, những bài thơ của vua chúa, thi sĩ được viết lên rất gần gũi, khiến cho người chơi cổ ngoạn thấu hiểu được tâm tư tiền nhân gửi gắm.
Bệ thờ Vân Trạch Hòa
Kho tàng cổ vật
Huế vốn là vùng đất của sự giao thoa văn hóa. Từ năm 1636 - 1945, Huế trở thành thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam dưới các triều đại của chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Thế nên, đây cũng là nơi tập trung nhiều nguồn của cải, báu vật của quốc gia, nhiều loại hình cổ vật quý.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ rất nhiều loại cổ vật, trải dài thời tiền sử, sơ sử, quân chủ, với nhiều loại hình phong phú từ cổ vật mang tính dân gian, tôn giáo đến cung đình, thể hiện sự giao lưu mạnh mẽ của các nền văn minh khác nhau. Hiện có khoảng trên 50 ngàn hiện vật, cổ vật do các bảo tàng quản lý. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn hiện vật, cổ vật đang được lưu giữ ở các tổ chức tôn giáo, các gia đình, họ tộc, nhà sưu tập…
Bảo tàng Lịch sử đang lưu giữ gần 30.000 tài liệu, hiện vật; trong đó có 12 bộ sưu tập hiện vật quý theo các chủng loại và nội dung lịch sử, như: sưu tập hiện vật Chămpa, cờ cách mạng, tiền giấy và kim loại, mộ táng, hiện vật sắt Cồn Ràng, vũ khí, hũ gạo, bình vôi Mỹ Xuyên...
Với khoảng 11 ngàn hiện vật, những cổ vật Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang quản lý gồm nhiều chất liệu, từ những hiện vật kim loại quý: vàng, bạc đến đá, đồng, pháp lam, đồ dệt, giấy, thủy tinh… gắn bó với đời sống cung đình Huế, từ hoạt động triều chính, bang giao, giao thương đến văn hóa, lễ hội, tế tự, sinh hoạt đời thường. Với kỹ thuật chạm khắc, sơn thếp, khảm cẩn, thêu, các hiện vật phản ánh một giai đoạn của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, thể hiện bí kíp nghề nghiệp các nghề thủ công truyền thống. Thông qua cổ vật, người xem có thể cảm nhận những thông điệp về triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của người đương thời, phản ánh các mối quan hệ xã hội, tôn ti trật tự quy củ trong xã hội thời bấy giờ...
Đến nay, Thừa Thiên Huế có 10 nhóm hiện vật và bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài bệ thờ Vân Trạch Hòa và bộ Chóp tháp Chămpa núi Linh Thái do Bảo tàng Lịch sử quản lý, 8 nhóm hiện vật còn lại với 33 cổ vật thuộc về thời Nguyễn do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ. Với những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, các bảo vật quốc gia thời Nguyễn tại Huế trở thành những hình ảnh mang tính biểu tượng cho những giá trị văn hóa cung đình Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, kho tàng cổ vật ở Huế không dừng lại ở thú chơi cổ ngoạn, mà còn soi sáng những góc khuất của lịch sử, cung cấp thêm những khám phá mới về lịch sử của Việt Nam.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Bài 2: Bảo vật thất thoát, trưng bày khó khăn