ClockThứ Bảy, 18/10/2014 15:19

Tôn vinh nữ văn nghệ sĩ

TTH.VN - Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, một đêm tôn vinh trang trọng và thắm tình đã được Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức tối 17/10 tại Bảo tàng Văn hoá Huế để vinh danh các nữ văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm, công trình đóng góp cho phong trào văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Bằng những sáng tác của mình, các chị đã góp phần tô đậm thêm trang sử của văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đã xuất hiện nhiều tên tuổi được đồng nghiệp đánh giá cao và công chúng, độc giả ngưỡng mộ. Văn học có Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh, Trần Thuỳ Mai… Âm nhạc có Dương Bích Hà, Đoàn Lan Hương. Sân chơi nhiếp ảnh có Tôn Nữ Thị Hà, Nguyễn Phúc Xuân Lê, Thái Thị Hoa Nghiêm. Ghi dấu trên lĩnh vực mỹ thuật có Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Tô Trần Bích Thuý, Phạm Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hải Hoà… Hay sân khấu là Bạch Hạc, Kiều Oanh, Thu Hằng… Họ xứng đáng được vinh danh trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.


Các nữ văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật của tỉnh nhà xứng đáng được vinh danh

Chương trình thơ nhạc và ca kịch tôn vinh tác giả nữ giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của nữ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sáng tác trong thời gian qua, như: ca khúc Mẹ, Hồn nhiên áo trắng của nhạc sĩ Dương Bích Hà; Tâm sự người về, Dốc nghiêng của nhạc sĩ Đoàn Lan Hương; Lời ru từ cánh đồng chiều của nhà thơ Từ Nguyễn; trích đoạn Khói bạch hạc trong bài thơ Thơ cho mùa tháng 9 của nhà thơ Đông Hà; trích đoạn của vở diễn Điều không thể mất của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ do Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình làm đạo diễn và được các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế thể hiện.

Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT nhận xét: “Mỗi người phụ nữ vốn là một bông hoa của vườn hoa cuộc đời. Càng quý hơn khi họ lại không ngừng nỗ lực sáng tạo để góp thêm những bông hoa tâm hồn cho nền nghệ thuật tỉnh nhà. Tuy chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số hội viên của các hội chuyên ngành của Liên hiệp Hội (132 trong tổng số 585 hội viên) nhưng đóng góp, cống hiến của chị em trên lĩnh vực văn học nghệ thuật lại không hề nhỏ. Nhiều tác phẩm, vai diễn và công trình đã tạo nên một dấu ấn mới của thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển, ghi dấu sâu đậm trong lòng công chúng, có giá trị đích thực trên diễn đàn văn học quốc gia, trong đó có nhiều tác phẩm còn vang xa khỏi vùng biên của Tổ quốc”.

Trong buổi gặp gỡ, khán giả còn được nghe các chị chia sẻ về nỗi niềm, những khó khăn vất vả khi dấn thân vào con đường nghệ thuật để hiểu thêm những góc khuất tâm hồn đằng sau thành công của họ. Bên cạnh thơ nhạc, một mảng nghệ thuật được các nữ nghệ sĩ say mê sáng tác là nhiếp ảnh. Tiêu biểu là nghệ sĩ Nguyễn Phúc Xuân Lê với nhiều tác phẩm có mặt trong các cuộc triển lãm ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2011, chị được trao bằng danh dự FIAP của Bacsedoni với tác phẩm Chơm cá ở thể loại đen trắng.

Chia sẻ cảm xúc khi được tôn vinh trong đêm hội của nữ nghệ sĩ, chị Xuân Lê xúc động: “Tôi vui, hạnh phúc và tự hào khi được tham dự chương trình này. Điều đó chứng tỏ là những nỗ lực của mình đã được ghi nhận và cũng là động lực để tôi tiếp tục rong ruổi ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top