ClockThứ Ba, 13/07/2010 16:02

Từ “nạn nhân” đến “tội nhân”

TTH - (Đọc “Cuộc sống vợ chồng” của Sergio Pitol, Lê Xuân Quỳnh dịch. NXB Phụ nữ và Công ty sách Bách Việt – 2008)

Nhìn tên sách tưởng là sách bàn chuyện “phong the”, nhưng té ra là tiểu thuyết của nhà văn Sergio Pitol (sinh năm 1933 tại Mexico) nổi tiếng. Năm 2005, ông đoạt giải thưởng “Cervantes” - giải thưởng văn học có uy tín nhất của các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Ở Việt Nam, văn học Mexico còn ít được giới thiệu nên đọc “Cuộc sống vợ chồng”, độc giả có thể bị “sốc” trước lối sống “phóng túng” của người dân Mexico, nhất là trước những hành vi có thể gọi là quái đản của bà vợ Jacqueline 3 lần âm mưu cùng tình nhân sát hại chồng, lại được thể hiện với một giọng văn vừa giễu nhại vừa vô cảm của nhà văn.
 
Tuy vậy, cho dù phong tục và quan niệm sống của người “Mễ” khác biệt với người phương Đông thì “cuộc sống vợ chồng” Jacqueline và Lobato đổ vỡ cũng bắt đầu từ sự “đồng sàng dị mộng”: trong khi ông chồng không bận tâm gì đến chữ nghĩa, chỉ lo làm giàu bằng mọi thủ đoạn, rồi ngoại tình, thì bà vợ từ chỗ xuất thân nghèo hèn, vớ được anh chồng đang phất, “nhàn cư vi bất thiện”, lại đua đòi “lãng mạn” mê sách vở, tranh ảnh, âm nhạc, học viết văn, ưa săm soi tóc tai, áo quần. “Một buổi sáng, bà đứng trước gương, và bắt đầu chọn quần áo, khởi đầu từ những bộ sang trọng nhất... Ở giữa hai bầu vú, phía ngoài áo len, gắn một nhánh mấy hoa cúc giả...” Đó là lần bà đi gặp tình nhân đầu tiên - một ông anh họ thất nghiệp mà bà vừa xin chồng bố trí công việc...
 
Hẳn là để làm sáng tỏ con đường từ “nạn nhân” đến “tội nhân”, tác giả đã dành hầu hết 180 trang tiểu thuyết miêu tả những diễn biến tâm trạng và cuộc sống người vợ qua 3 vụ mưu sát chồng cho đến lúc “thân tàn ma dại”, phải ngồi xe lăn, họ lại ở bên nhau!
 
Trước hết, Jacqueline là nạn nhân của sự lừa dối. Cô “vốn giữ được trinh tiết đến tận lúc kết hôn, mới biết rằng mình không phải là người phụ nữ duy nhất nằm cùng giường với chồng”, và liền sau đó liên tiếp bị chồng phản bội, nhưng xem ra Sergio Pitol không coi trọng chuyện đó. Ngòi bút của ông cho chúng ta thấy không chỉ Jacqueline mà cả Lobato đều là nạn nhân của lối sống thực dụng, háo danh, hưởng lạc đang như một cơn bão uy hiếp nhân tính của cả loài người.
 
Lobato chạy đua mua bán đất đai, xây khách sạn, đã giàu càng muốn giàu hơn, nổi tiếng hơn để rồi bị tịch thu hết tài sản, phải chạy trốn ra nước ngoài. Jacqueline thì hy vọng sau khi giết được chồng, sẽ cùng tình nhân được sở hữu khối tài sản lớn, tha hồ phè phỡn.
 
Trớ trêu và cũng buồn cười là cả 3 vụ mưu sát không thành - lần đầu thì ngay trước lúc hành sự, Jacqueline phát hiện thấy tình nhân té ra cũng loại “mẻo mả gà đồng” và suýt nữa đã bắn chết y với chính khẩu súng dự tính đưa cho y giết chồng; lần thứ hai thì sau khi bỏ thuốc mê rồi mở cửa cho tình nhân vào sát hại chồng, nhưng ả đã... ngủ quên, lúc tỉnh dậy đã thấy chồng lục tìm súng bắn kẻ đột nhập; lần chót dự tính làm giả vụ tai nạn cho xe của chồng đâm xuống vực sâu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cảnh sát ập tới, không phải vì âm mưu bại lộ mà vì Lobato thua lỗ đã chạy trốn! Quái gở và thật là bệnh hoạn, khi “kế hoạch giết hại chồng càng tiến triển thì niềm khát khao làm tình (với chồng) càng cháy bỏng trong bà... Trong Jacqueline hai người đàn ông đã bổ sung cho nhau để tạo nên một hình ảnh tình ái mới...”.
 
Tác giả miêu tả 3 vụ mưu sát hụt một cách đơn giản cũng như việc mụ dâm phụ với 3 người tình khác nhau bàn chuyện giết một con người mà không một chút áy náy, “nhất trí” dễ dàng như ta vứt bỏ một cái rác! Rõ là một kiểu chế giễu “trò cười” của các tội nhân, đồng thời cảnh tỉnh hiểm họa con người sẽ mất hết nhân tính khi chạy theo tiền bạc và dục vọng.
 
Chương kết tiểu thuyết chỉ có một trang - Lobato được trở về nước -  “Người đàn ông đẩy chiếc xe lăn trên đó có người phụ nữ đang ngồi... Bà chỉ có thể mở được một mắt... Đôi môi sưng phồng một cách ghê sợ... Một lần nữa họ lại tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành hôn của mình”.
 
Tiểu thuyết đã kết thúc như thế - sau vô kể lần phản bội nhau, sau bao nhiêu là năm tháng ra sức chiếm đoạt, hưởng lạc đủ mùi vị của giới thượng lưu mà họ tưởng thế là “đổi đời”, được sống sung sướng hơn, rút cục vợ chồng lại tay trắng về với nhau - một kết thúc “có hậu” cay đắng và đầy sự mỉa mai!
 
Nguyễn Khắc Phê


 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top