ClockThứ Sáu, 15/03/2019 05:30

Vun đắp tình yêu với ca Huế cho thế hệ trẻ

TTH - Mong muốn vun đắp tình yêu với di sản ca Huế trong lòng thế hệ trẻ, các nghệ nhân và nghệ sĩ của CLB Ca Huế không quản ngại công sức, thời gian để đưa ca Huế vào học đường.

Nghệ sĩ ca Huế giao lưu cùng học sinh

Nhà thơ Võ Quê giới thiệu lịch sử hình thành, môi trường diễn xướng và các làn điệu ca Huế đặc trưng đến học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ

Lại gần với di sản ca Huế

Sáng tháng 3, không gian thơ mộng đậm hồn di sản của lăng Tự Đức vẳng xa tiếng đàn, tiếng hát. Dưới những tán thông già, đoàn học sinh của Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế) đang chăm chú lắng nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, hát ca Huế. Từng cung bậc réo rắt của tranh, tỳ, nhị, nguyệt, từng khúc ca tri âm ngọt ngào như rót vào tai các khán giả trẻ tuổi tiếng lòng của ca Huế.

Những điệu lý, những làn điệu ca Huế, chầu văn: Lý mười thương, Nhớ ơn thầy cô em hát khúc dân ca, Dạo thuyền gặp lúc trăng, Cảnh đẹp Huế đô… mang đậm âm hưởng Huế khiến nhiều du khách cũng ngạc nhiên, thích thú tìm đến nghe. Ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chương trình biểu diễn còn có sự góp mặt của các gương mặt nhí, như Ánh Tuyết, Ánh Hồng ca điệu Tương tư khúc, Tổ khúc dân ca. Đây là những mầm non của nghệ thuật ca Huế.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ của CLB Ca Huế còn giới thiệu đến các em học sinh lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật ca Huế, những đóng góp của các bậc tiền nhân đối với loại hình di sản này. Chương trình cũng giới thiệu không gian diễn xướng, xuất xứ các làn điệu, các loại nhạc cụ, sự khác nhau giữa ca Huế và dân ca Huế...

Không phải là lần đầu tiên nghe ca Huế nhưng đây là lần đầu Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 9, Trường THCS Đặng Văn Ngữ được tiếp cận ca Huế gần và sâu đến vậy. Em bộc bạch: “Chương trình thực sự rất thú vị. Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp nghe, thưởng thức các làn điệu từ các nghệ nhân, nghệ sĩ. Từ đây, em hiểu thêm lịch sử, giá trị của nghệ thuật ca Huế, một loại hình di sản cần được gìn giữ của quê hương”.

Chương trình được lồng ghép trong chương trình tham quan ngoại khóa “Huế quê hương em” của học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ. Cô giáo Nguyễn Thị Việt, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa– Giáo dục công dân, Trường THCS Đặng Văn Ngữ, chia sẻ: “Đây là chương trình ý nghĩa giúp học sinh hiểu biết về các loại hình nghệ thuật di sản của quê hương, để các em thêm yêu những câu hò, điệu lý, từ đó góp phần bồi đắp tình yêu với quê hương, xứ sở”.

Cần sự cộng hưởng

Chương trình giới thiệu ca Huế đến học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ là chương trình thứ 6 CLB Ca Huế tổ chức trong việc nỗ lực đưa ca Huế vào học đường. Năm 2018, những chương trình tương tự được tổ chức ở Trường Dân tộc nội trú Nam Đông, Trường THCS Phú Xuân, Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THCS Chu Văn An. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế chia sẻ: “Đưa ca Huế vào học đường là ý tưởng, mơ ước từ lâu của CLB, bởi tất cả đều bắt nguồn từ giới trẻ. Chương trình không chỉ đơn thuần là giới thiệu ca Huế mà còn giúp học sinh biết trân trọng, yêu quý di sản, đồng thời góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các em, đào tạo thế hệ kế cận, đào tạo khán giả cho ca Huế”.

Từ phong trào này, đã xuất hiện những gương mặt yêu thích nghệ thuật ca Huế, như Bảo Ngọc ở Trường THCS Chu Văn An, Phong ở Trường THCS Đặng Văn Ngữ tự học và có thể hát được ca Huế. Nhà thơ Võ Quê cho rằng, người ta bảo lớp trẻ không thích nhạc truyền thống nhưng tôi nghĩ lỗi là do chúng ta không cho các em cơ hội tiếp cận. Chỉ một chương trình, các em chưa thể yêu thích ngay nhưng khi được thuyết minh cặn kẽ, được trải nghiệm, các em sẽ hiểu được thế nào là ca Huế, từ đó có sự tiếp cận sâu hơn.

Với các nghệ nhân, nghệ sĩ của CLB Ca Huế, chỉ cần được giới thiệu ca Huế đến mọi người, họ không quản ngại công sức, thời gian, mặc dù không có thù lao. Nghệ sĩ Diệu Bình tâm sự: “Với ước mong ca Huế sẽ được lưu truyền mãi mãi, chúng tôi luôn muốn tham gia để mang ca Huế đến học đường, truyền niềm đam mê cho học sinh. Chúng tôi đến với ca Huế vì niềm đam mê nghệ thuật và muốn được cống hiến, chỉ mong ca Huế được quảng bá rộng rãi, nhất là với lớp trẻ, những người có thể tiếp tục kế thừa và bảo tồn di sản này, hoặc sau này có đi xa, các em cũng nhớ về quê hương qua những làn điệu ca Huế”.

Dẫu vậy, theo nhà thơ Võ Quê, nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế chỉ là một ngọn lửa nhỏ, khó có thể thổi bùng thành phong trào nếu không có sự vào cuộc, cộng hưởng từ ngành giáo dục, ngành văn hóa và của cả cộng đồng. Nhà thơ Võ Quê đề xuất: “Việc đưa ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho ca Huế. Để chương trình thực sự lan tỏa, cần có sự đầu tư lâu dài để các em thấm dần, từ độ tuổi mẫu giáo đến trung học đều được học chương trình dân ca và ca Huế. Như vậy, mỗi học sinh lớn lên đều có thể hát một làn điệu ca Huế - di sản của quê hương bắt đầu từ học đường. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản ca Huế”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Siết chặt quản lý ca Huế

Cùng với việc đảm bảo đủ số lượng diễn viên, nhạc công, thời gian biểu diễn, thuyền rồng phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương phải lắp đặt camera kết nối với cơ quan quản lý. Việc này không chỉ chấn chỉnh mà còn lấy lại giá trị cho ca Huế cũng như thương hiệu văn hóa, du lịch của vùng đất Cố đô.

Siết chặt quản lý ca Huế
Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

Bên cạnh phổ biến những quy chế mới liên quan hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

TIN MỚI

Return to top