ClockThứ Tư, 19/07/2017 14:31

Xuất khẩu không đơn giản chỉ là tăng trưởng bao nhiêu

Công tác xuất khẩu cần có định hướng mang tính chiến lược dài hạn và bền vững, không chỉ đơn giản là đạt yêu cầu theo mức tăng trưởng.

Năm 2017 đã đi qua hơn nửa chặng đường và xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch đạt 98 tỷ USD, tăng gần  19%, cao gấp 3 lần so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Công Thương được giao phải hoàn thành trong năm nay (tăng 6 - 7%).

Đây là những con số ấn tượng, tuy nhiên, muốn hướng tới bền vững thì không chỉ chú trọng vào con số tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, mà cần nhìn nhận thực tế và khắc phục được những điểm yếu tồn tại bấy lâu nay.

Đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 12 tỉ USD, tăng gần 17% so với năm ngoái. Mức tăng này không những đóng góp tích cực cho tổng kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp tăng giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, bởi nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp này.

xuat khau khong don gian chi la tang truong bao nhieu hinh 1
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 12 tỉ USD, tăng gần 17% so với năm ngoái. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Đức Lộc, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương chia sẻ, 6 tháng qua, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 1.500 tấn rau quả sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đạt khoảng 1 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu nông sản năm nay nhiều thuận lợi.

“Năm nay xuất khẩu của doanh nghiệp khá thuận lợi vì thị trường Nhật đang mở rộng. Đây là thị trường đang chiếm đến 85% kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp với yêu cầu cao, nên doanh nghiệp đòi hỏi phải giữ vững chất lượng. Năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 3.000 tấn rau quả thu về khoảng 2 triệu USD”, ông Đàm cho biết.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại và linh kiện đạt hơn 20 tỉ USD; dệt may đạt 11,6 tỉ USD; nhiên liệu, khoáng sản đạt 2,29 tỉ USD…Mặc dù vậy, những tồn tại trong xuất khẩu của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, khi vẫn chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 71 tỉ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt chỉ đạt 27 tỉ USD.

Kim ngạch xuất khẩu đều tăng hàng năm, nhưng chưa có nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao, nên không cải thiện được nhiều về thu nhập cho người sản xuất. Đáng chú ý là nhiều mặt hàng, nhất là nông sản, thực phẩm phụ thuộc vào 1 thị trường, khiến người sản xuất và doanh nghiệp nhiều phen điêu đứng vì thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Chưa tận dụng tốt cơ hội từ các FTA

Mặc dù tham gia 16 hiệp định thương mại, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực, nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để cơ hội về mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu. Ví dụ cụ thể từ từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc gần 16 tỉ USD, soán ngôi Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy, Hiệp định này chưa thúc đẩy được xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, LG… đã tận dụng tốt cơ hội được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu dạng linh kiện, nguyên liệu với mức 0% từ năm 2017.

Còn theo ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia nghiên cứu về thương mại, ngay như các thị trường trong khu vực ASEAN rất tiềm năng nhưng Việt Nam cũng chưa tận dụng hết cơ hội và nguy cơ hàng hóa từ các nước này chiếm lĩnh thị trường.

“Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) và gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong khi hàng tiêu dùng Thái Lan, ô tô giá rẻ từ các nước Thái Lan, Indonesia…tràn vào, Việt Nam lại chưa đưa được nhiều hàng hóa vào các thị trường này. Việt Nam cứ mải tìm kiếm các thị trường xa xôi trong khi thị trường gần đây thì lại bỏ ngỏ, đó là điều cần khắc phục”, ông Thắng nói.

Tăng trưởng phải bền vững

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên mục tiêu này đứng trước nhiều khó khăn, trong bối cảnh nhiều nước đưa ra hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thủ tục hành chính…để bảo hộ sản xuất trong nước. Đặc biệt là cần lưu ý sự thay đổi chính sách thương mại của thị trường Mỹ - một bạn hàng lớn nhất, có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thời gian tới các Hiệp định thương mại tự do đi vào thực hiện, trong đó có Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác và thực hiện các cam kết trong hiệp định để tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường.

Ngành Công Thương sẽ xây dựng các chính sách và đối sách phù hợp với các thị trường xuất khẩu quan trọng, cảnh báo kịp thời đối với sản xuất trong nước để tránh xảy ra những tình trạng giải cứu nông sản, thịt lợn… như thời gian qua.

Đặc biệt, trong hội nhập quốc tế cần khai thác tốt bối cảnh mới, ứng phó tốt và khai thác tốt FTA. Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới công tác điều hành thị trường theo hướng bám sát thực tiễn, có định hướng mang tính chiến lược dài hạn và phát triển bền vững giữa các ngành hàng, không chỉ đơn giản yêu cầu năm sau tăng trưởng bao nhiêu.

“Nhiều khi chúng ta cứ “đếm cua trong lỗ” và năm nay được bao nhiêu thì năm sau lại tính tăng cao hơn. Cần phải đổi mới bằng cách nắm bắt những yêu cầu thị trường trên cơ sở đánh giá kỹ năng lực, dung lượng thị trường, những cơ hội từ FTA để tận dụng lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Nếu đạt con số 200 tỉ USD thì đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2017.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là cần những giải pháp tổng thể từ quy hoạch của các ngành đến kết nối thị trường để người sản xuất và doanh nghiệp không phải lao đao tìm đầu ra tiêu thụ. Hàng hóa Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu riêng trên thị trường quốc tế, đó mới là đích đến của xuất khẩu bền vững và hiệu quả.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

TIN MỚI

Return to top