ClockThứ Ba, 09/08/2016 08:07

Blouse trắng thầm lặng

TTH - Đối mặt với môi trường dễ lây nhiễm và cả những định kiến sai lầm về bệnh lao, song những y, bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Lao phổi tỉnh mà tôi gặp vẫn lặng thầm chăm lo cho bệnh nhân bằng tấm lòng chân tình đáng trân quý.

Gần 30 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Y Huế, bác sĩ Phạm Hữu Hiền theo nghề phòng chống lao, một trong những bệnh xếp vào “tứ chứng nan y” trước đây. Hiện, bác sĩ Hiền là Trưởng khoa Khám bệnh và Cấp cứu hồi sức, BV Lao phổi tỉnh, được bạn bè, đồng nghiệp nhận định là người nhiệt tình vì bệnh nhân. Khi diện kiến, tôi tò mò, bác sĩ Hiền cười khiêm tốn: “Bình thường thôi. Nghề vốn luôn đi theo nghiệp. Nói đến lao phổi không ai không hiểu là căn bệnh truyền nhiễm dễ lây. Nếu nhắc đến không ít người quan ngại, né tránh. Quan trọng là mình biết bảo vệ cho bản thân và cộng đồng”.

Bác sĩ Lê Quang Thương khám theo dõi bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú

 

Như lời bác sĩ Hiền, ban đầu vào nghề cũng gặp định kiến từ người thân gia đình. Nhưng theo rồi quen. Hàng ngày luôn tiếp xúc những gương mặt hốc hác, thân da bọc lấy xương, thở hổn hển..., trách nhiệm của người khoác áo blouse trắng như anh và các đồng nghiệp càng phải nỗ lực hơn nữa để làm vơi đi nỗi đau cho người bệnh. Bất kể lúc nào, thời điểm nào ngoài thời gian thăm, khám và chỉ định điều trị, hễ bệnh nhân thắc mắc, cần đến tư vấn, hỏi han thêm về tình hình bệnh tật, thuốc men, ngay cả giờ ăn, giấc ngủ, từ trưởng khoa đến nhân viên, điều dưỡng của BV vẫn vui vẻ xem người bệnh như người thân của mình. “Bệnh nhân lao dễ mặc cảm kỳ thị, nếu người điều trị không tâm lý động viên, họ sẽ xa lánh thầy thuốc, xa BV ngay”, bác sĩ Hiền chia sẻ. 

Tại khoa khám bệnh, bình quân mỗi ngày đón từ 15- 20 bệnh nhân đến khám và điều trị. Hầu như các bệnh nhân đến đây đều được bác sĩ Hiền khám, chỉ định các phác đồ điều trị và đặc biệt là tư vấn cho bệnh nhân hiểu thế nào là bệnh lao và cách phòng ngừa. Đó là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân giải tỏa tâm lý lo sợ, mặc cảm khi mắc lao mà qua kinh nghiệm nghề nghiệp, bác sĩ Hiền đã đúc rút được. Bác sĩ Hiền nói, những người mắc bệnh lao, nếu được bác sĩ điều trị đúng liều, đủ thời gian là khỏi hẳn. Tiếc rằng, có nhiều trường hợp khi mắc bệnh lao lại hoang mang, mặc cảm, không điều trị theo các phác đồ của bác sĩ, hoặc về nhà tự mua thuốc điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ virut lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc. Khi lao đã kháng thuốc thì việc điều trị khó thành công.

Bác sĩ Lê Quang Thương, Trưởng khoa Lâm sàng BV Lao phổi tỉnh, người có gần 32 năm trong nghề phòng, chống lao đã tham gia chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân trên địa bàn. Bây giờ hễ về vùng biển hay lên miền núi, gặp những ai có thời “tuyên chiến” với bệnh lao đều biết đến bác sĩ Lê Quang Thương. Khi hỏi về thành tích trong đời làm nghề, bác sĩ Thương kiệm lời: “Với mình, chữa khỏi bệnh và được bệnh nhân tin quý là thành tích lớn nhất”. Bác sĩ Thương cho rằng, buồn và đáng lo hiện nay là nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều trường hợp khi để bệnh nặng mới đến BV, tỷ lệ tổn thương rộng, khó trả lại sức lao động cho bệnh nhân. Hơn nữa, đa số bệnh nhân hiện nay mắc bệnh lao có hoàn cảnh nghèo, không có điều kiện bồi bổ sức khỏe, lại mặc cảm không tuân thủ quy trình điều trị khiến bệnh kéo dài.

Hiện có nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú ở Khoa Lâm sàng, BV Lao phổi tỉnh bị người thân bỏ bê, ít được quân tâm về bữa ăn, giấc ngủ. Những trường hợp này, bác sĩ Thương đã cùng đồng nghiệp trong khoa bao bọc, quan tâm, động viên về mặt tinh thần để bệnh nhân vơi đi nỗi buồn tủi. “Làm nghề y phải lấy cái tâm làm thước đo. Bệnh nhân nghèo khó càng đáng thương. Niềm vui lớn nhất của tôi là bệnh nhân khỏi bệnh, nguy cơ bệnh lao được đẩy lùi; định kiến về bệnh lao không còn…”- bác sĩ Thương trải lòng.

Sinh ra ở vùng quê Quảng Phú, Quảng Điền, từ nhỏ Nguyễn Thị Mỹ Nga đã ước mơ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Những năm ngồi trên ghế giảng đường, Nga luôn nỗ lực học tập để tiếp nhận kiến thức sau này phục vụ bệnh nhân. Ra trường dù đã làm việc nhiều nơi, nhưng cuối cùng Nga quyết định xin vào làm điều dưỡng tại BV Lao phổi tỉnh. Nga chia sẻ: “Ban đầu, bản thân em có áp lực nhất định. Khi được các anh, chị đồng nghiệp, đặc biệt là bác sĩ Thương động viên, dạy bảo nên đã vượt qua tất cả. Giờ em thực lòng  yêu nghề, nghỉ một vài hôm là thấy nhớ bệnh nhân và đồng nghiệp”.

Bệnh nhân Huỳnh Văn H. ở Vĩ Dạ-T.P Huế, đang điều trị tại Khoa Lâm sàng, BV Lao phổi tỉnh nhận xét: “Lúc mới vào đây, mình bị sốc về mặt tinh thần, nhưng nhờ sự động viên, ân cần quan tâm tư vấn của cô Nga, qua hơn 1 tháng, đến nay bệnh tình thuyên giảm thấy rõ. Nghe lời cô Nga, mình thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị để chữa dứt điểm căn bệnh này”. 

Bác sĩ CK II Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc BV Lao phổi tỉnh cho biết, công tác phòng, chống lao ở địa phương gần đây đạt những thành tích đáng kể. Kết quả trên là nhờ sự đóng góp một phần không nhỏ của đội ngũ y, bác sĩ như bác sĩ Hiền, bác sĩ Thương và điều dưỡng Nga...  Năm 2015, ở Thừa Thiên Huế phát hiện 1.233 trường hợp mắc lao các thể; trong đó, có 650 trường hợp lao phổi AFB(+) mới, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 93%. Riêng ở BV Lao phổi tỉnh đã thu dung điều trị 393 lượt bệnh nhân nội trú, trong đó có 302 trường hợp mắc bệnh lao.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân những đóng góp to lớn của các y, bác sĩ

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024), tối 24/2, tại Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) phối hợp với Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên (TTXVN), Cơ quan thường trú khu vực miền Trung - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân các thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế.

Tri ân những đóng góp to lớn của các y, bác sĩ
Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1: Người anh, người đồng đội tình nghĩa

Khi làm phim “Huế - bản hùng ca Xuân 68”, tôi được các ông: Nguyễn Trung Chính và Phan Nam, lúc ấy đều là Thành ủy viên nằm trong Ban Chỉ huy cánh Bắc của Mặt trận Huế cho biết, tham gia “mở cửa Chánh Tây”, ngoài lực lượng tại chỗ, ta còn phái vào một cán bộ đặc công. Người đó tên là “Hiếu” nhưng họ là gì, quê quán ở đâu các ông không rõ. Mãi đến gần đây, trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến nhân vật này, nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang thốt lên: “Tôi vừa là đồng đội và là người em thân mến của anh Hiếu!”.

Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1 Người anh, người đồng đội tình nghĩa
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (10/5/1958 – 10/5/2023)
Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, các tên gọi khác nhau, lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (ANCTNB), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng; tận tụy với công việc, vì Nhân dân phục vụ, lập nên những chiến công thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt.

Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng
Ấm áp “blouse trắng”

Chiếc áo blouse trắng đã gắn liền với hình ảnh giản dị, ân cần, ấm áp của các y, bác sĩ khi thăm khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Lấy người bệnh làm trung tâm, cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày luôn nỗ lực để điều trị tận tâm, chăm sóc tận tụy mà hạnh phúc đơn giản chỉ là sức khỏe, nụ cười và sự an tâm của người bệnh.

Ấm áp “blouse trắng”
Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”

20 thành viên trong tổ nuôi quân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ đi sớm, về muộn cùng công việc “anh nuôi” của mình, phục vụ mỗi ngày hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đó là hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, những người lặng lẽ đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”
Return to top