ClockThứ Tư, 13/12/2023 07:52

Cho sự sống nối dài

TTH - Mỗi năm, tối đa cả nước có 1.000 ca ghép tạng, song 90% đều từ người cho sống. Hiến mô, tạng không chỉ để trường hợp không may mắn được “sống” thêm một cuộc đời thứ 2 mà còn cho nhiều bệnh nhân khác cơ hội “hồi sinh”.

Đào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô, tạng ​Nối nhịp đập cho ca ghép tim xuyên Việt lần thứ 9Hàng chục người tham gia đăng ký hiến tạng

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bệnh nhân T.V.G. được ghép tim tại BV Trung ương Huế

Tìm lại ánh sáng, sống yêu đời hơn

Ông N.T.D. (SN 1952) ở TP. Huế được ghép giác mạc từ sự hiến tặng của một phụ nữ ở tại Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ông D. bị viêm màng bồ đào, glôcôm tăng nhãn áp, đã hư một mắt, một mắt còn lại nguy cơ mù lòa cao. Qua nhiều lần điều trị, tốn nhiều kinh phí, ông hạn chế đi lại, tiếp xúc với mọi người. Hai vợ chồng là hưu trí, việc điều trị kéo dài vừa tốn kém vừa khiến cuộc sống gia đình ông xáo trộn.

May mắn khi ông cùng một người cùng cảnh mù lòa hơn 10 năm được ghép giác mạc tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bà N.T.G., vợ ông D. kể: “Nghe bệnh viện gọi ghép giác mạc, vợ chồng tui rất mừng. Mong cho ông ấy được nhìn lại, giảm bớt mặc cảm tâm lý”. Hiện, hàng tháng, ông N.T.D. vẫn theo dõi, điều trị sau ghép.

Tương tự chị B.T.D. (SN 1982) tại TP. Huế cũng được ghép giác mạc đầu tháng 8/2023, từ nguồn hiến của một thanh niên chết não. Đến nay, thị lực chị D. dần phục hồi, trở lại với công việc kinh doanh như trước đây. Chị D. nhớ lại: “Sau phẫu thuật một ngày, tôi có thể nhìn thấy sợi tóc, lông mày bác sĩ. Điều chưa từng có từ trước đến nay”. Còn ông L.H.C. (SN 1970) ở Phú Lộc, cùng nhận giác mạc chung với chị D. bảo rằng, mắt rõ ràng hẳn lên, như người bình thường. 20 năm sống trong mù lòa, nay cuộc đời mỉm cười với ông, ông lại nhìn thấy mọi người. 

Chàng trai trẻ N.Đ.Q. (SN 1996) trú tại Phù Cát, Bình Định từng là dân công nghệ thông tin. Q. bị suy thận cách đây hai năm, thường xuyên chạy thận ở BV Trung ương Huế. Q. được ê kíp ghép đưa ra Nghệ An cùng bệnh nhân L.T.T. ghép thận từ người cho chết não. Sức khỏe em nay tốt hơn nhiều, em tập thể thao đều đặn, tăng được 5kg, ăn ngon, ngủ ngon và có thể nhận làm các công việc qua mạng kiếm thu nhập. “Lúc mới nghe được hiến, em rất bất ngờ. Ghép xong em cảm thấy cuộc sống thú vị, yêu đời hơn. Gia đình em được giải tỏa tâm lý vì nỗi lo bệnh tật. Mong cho nhiều người suy thận có thêm cơ hội sống như em”, Q. nói.

Trong số các ca ghép tạng, ghép tim tại BV Trung ương Huế đối mặt với nhiều áp lực, phần vì số ca hiến tim khu vực miền Trung rất hiếm hoi, phần phải khắc phục khó khăn trong khoảng cách địa lý… 9 ca ghép tim xuyên Việt là một nỗ lực của tập thể y, bác sĩ để mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhân. Để lại nhiều ấn tượng cho ê kíp ghép là bệnh nhân trẻ tuổi nhất - Phạm V.C. (SN 2003). C. là con út trong một gia đình lao động nghèo ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, trái tim C. to gấp ba lần người bình thường, cậu từng trải qua ba lần ngưng tim… Sau ghép tim, giờ đây cậu bé ốm yếu ngày nào đã trở thành một thợ cắt tóc mạnh khỏe, sống vui vẻ, yêu đời.

Khi chết đi vẫn phụng sự cộng đồng

Đến thời điểm này, gần 70 bệnh nhân được BV Trung ương Huế ghép giác mạc từ mô hiến tặng khắp cả nước. Cả nước có khoảng 3.000 người được ghép giác mạc, người hiến nhỏ nhất: 4 tuổi; người hiến lớn tuổi nhất: 107 tuổi. Ước tính hàng trăm nghìn người mù trong cả nước mắc bệnh lý giác mạc cần được cấy ghép. Theo các chuyên gia nhãn khoa, ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, thậm chí người có thị lực kém, ung thư… vẫn hiến tặng được giác mạc. Mỗi người chết não hiến mô tạng sẽ cứu sống tối đa 8 người, giúp cho khoảng 100 người khác.

Chị L.T.N., người thân L.V.H. (Nghệ An) vận động gia đình đồng ý hiến tạng anh trai chết não vì tai nạn giao thông. Đây là trường hợp thứ hai hiến mô, tạng tại BV Trung ương Huế. Giác mạc anh H. mang lại ánh sáng cho hai bệnh nhân, thận được ghép cho hai bệnh nhân khác, gan cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Chị N. chia sẻ: “Sự sống của anh vẫn tiếp diễn, đó cũng là cách anh gửi yêu thương cho mọi người. Gia đình tôi rất tự hào về anh. Mong những người được ghép mô, tạng sống khỏe để bố mẹ tôi nguôi ngoai phần nào”.

Thống kê từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, số lượng ca ghép tạng từ người cho sống chiếm hơn 90%. Đến hết tháng 10/2023, có hơn 78 nghìn trường hợp người đăng ký hiến sau chết, chết não chiếm khoảng 0,07% dân số trên cả nước. Số người đăng ký hiến mô, tạng ở Việt Nam rất ít so với các nước tương đồng văn hóa trong khu vực. PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng lẫn chuyên môn, do đó, bác sĩ và điều dưỡng là người “tiên phong” tiếp cận, thuyết phục gia đình bệnh nhân chết não để họ nhận rõ ý nghĩa nhân văn của hiến mô, tạng cứu những người khác. 

Tại Đại hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ 2023 - 2028, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, việc vận động hiến tặng mô, tạng đối mặt nhiều thách thức. Các ngành, hội, tổ chức tôn giáo cần chung tay với ngành y tìm cách truyền thông, thay đổi quan niệm mới tạo ra bước chuyển nhận thức trong xã hội.

BV Trung ương Huế đã thực hiện hơn 1.500 ca ghép tạng bộ ba tim - gan - thận và triển khai thường quy. Nếu nguồn tạng hiến dồi dào, số người có cơ hội sống sẽ nhiều hơn. BS. Trần Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BV Trung ương Huế cho hay: “Chúng tôi chuẩn bị ra mắt Chi hội vận động hiến tạng với sự tham gia của nhiều thành phần, được đào tạo bài bản… hy vọng sẽ dần “phá băng” quan niệm chết toàn thây bấy lâu nay”.

Nhằm thu hút sự quan tâm và mở rộng đối tượng tiếp cận, BV Trung ương Huế phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lồng ghép kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng cùng với hiến máu nhân đạo và hiến tóc cho cán bộ, tình nguyện viên và người dân. Kết quả mang lại rất khả quan. Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông tin: “Hiến tặng mô, tạng là hành động cao đẹp, nhân văn. Hội sẽ cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác chung tay đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết não. Khi tất cả cùng đồng lòng kiên trì, chia sẻ sâu sắc với hoạt động nhân văn này, chúng tôi tin sự sống luôn được nối dài”…

Một chuyên gia ghép tim mạch chia sẻ câu chuyện giáo sư nước ngoài - người thầy đáng kính của ông kể rằng, khi chết đi vẫn làm được việc ý nghĩa, phụng sự cho cộng đồng chính là hiến mô, tạng. Thay vì phải chôn vùi, thiêu đốt thân xác thì bộ phận cơ thể họ được sống tiếp lần 2 ở một cuộc đời mới. Các thế hệ sau này thay đổi suy nghĩ, quan niệm thì người hiến tạng sẽ nhiều hơn.

Hàng chục ngàn người suy đa tạng đang mỏi mòn chờ đợi một cơ hội sống. “Cho đi là còn mãi”, hiến mô, tạng cần sự vào cuộc của cả cộng đồng chứ không chỉ cần vai trò của của ngành y tế.

Bài, ảnh: T.NINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
“Cánh tay” nối dài vững chắc

Là lực lượng nòng cốt, tiên phong, thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả trong vận động, kết nối hỗ trợ an sinh xã hội, xây dựng công trình công cộng, giúp xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng niềm tin mến của người dân, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xã đoàn Phú Hải (Phú Vang) là cánh tay nối dài vững chắc của Đảng, chính quyền địa phương.

“Cánh tay” nối dài vững chắc
Return to top