ClockThứ Ba, 26/04/2016 09:49

30 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl: Ít nhất 3.000 năm mới phục hồi

Ngày 26/4 đánh dấu 30 năm thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine.

CSM dẫn báo cáo năm 2016 của Tổ chức Hòa bình Xanh nêu rõ: “Thảm họa hạt nhân Chernobyl gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường kéo dài đến hàng nghìn năm. Chưa bao giờ lịch sử nhân loại lại chứng kiến số lượng lớn đồng vị phóng xạ phát tán ra môi trường lâu dài như vậy chỉ trong một thảm họa duy nhất”.

Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi vụ nổ xảy ra. Ảnh AP

Hậu quả không thể tưởng tượng

Dù 3 thập kỷ đã trôi qua kể từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, thị trấn Pripyat giờ không có người sinh sống và cũng không thể có người sinh sống trở lại trong một thời gian dài.

Các nhà khoa học ước tính, thị trấn nằm ngay gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl này sẽ vẫn trong cảnh không người sinh sống trong ít nhất 3.000 năm bởi mức độ nhiễm xạ cực cao tại đây. Đây cũng là bằng chứng cho thấy nguy cơ lâu dài của năng lượng hạt nhân.

“Bất chấp việc nhiều người lên tiếng rằng, năng lượng hạt nhân là an toàn, lịch sử về năng lượng hạt nhân đã trải qua một số thảm họa và cận thảm họa nghiêm trọng”, Tổ chức Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội của Mỹ nhận định.

“Thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về hậu quả tàn khốc của một vụ tai nạn hạt nhân. Ít nhất 220.000 người đã bị mất nhà cửa và chất phóng xạ trong vụ nổ hạt nhân Chernobyl khiến 4.440km2 diện tích đất nông nghiệp và 6.820km2 rừng tại Belarus và Ukraine không thể sử dụng được nữa”, vẫn theo Tổ chức này.

Cảnh hoang phế ở trung tâm thành phố Pripyat bởi thảm họa Chernobyl ngày 30/9/2015. Ảnh Reuters

Ngày 26/4/1986, trong quá trình thử nghiệm, điện áp tại một lò phản ứng tăng đột ngột khiến tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ và gây ra đám cháy lớn lan khắp các nhà máy.

Khoảng 150.000km2 đất ở khu vực giữa Belarus, Ukraine và Nga (rộng hơn bang New York) đã bị nhiễm xạ rất nặng khiết ít nhất 8 triệu người không thể tiếp cận với những khu đất mà mình sở hữu. Ngoài ra, hơn 5 triệu người hiện vẫn sinh sống tại những khu vực được coi là có nguy cơ nhiễm phóng xạ trong năm 2016.

Bài học phải trả trong 3.000 hay 20.000 năm?

Ông Sergiy Parashyn một kỹ sư làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl từ năm 1977 cho đến khi xảy ra thảm họa kinh hoàng năm 1986 chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, mình biết chắc, thậm chí rất chắc về khả năng kiểm soát nguồn năng lượng hạt nhân tại nhà máy Chernobyl.

Chúng tôi tin rằng, mình có thể buộc thiên nhiên phải cúi mình trước ý chí của chúng tôi. Không có gì chúng tôi không thể làm được. Cho đến ngày hôm ấy (ngày 26/4/1986 thời điểm thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra) chúng tôi mới biết mình quá sai lầm”.

Một góc thành phố Pripyat. Ảnh Reuters

Theo các chuyên gia hạt nhân đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hiện trường ước tính, sớm nhất phải 3.000 năm nữa con người mới có thể quay lại đây sinh sống.

Hai nhà báo Eben Harrell và James Marson viết trên tạp chí Time rằng: “Do các đồng vị phóng xạ thoát ra trong một vụ nổ hạt nhân có thể phát xạ tới hàng chục nghìn năm nên việc dọn dẹp hiện trường không chỉ là việc của nhóm phản ứng đầu tiên mà còn là việc của các thế hệ sau hoặc sau sau nữa”.

Khi được hỏi bao giờ thì khu vực quanh lò phản ứng hạt nhân mới có thể có người sinh sống trở lại, Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Ihor Gramotkin trả lời: “Ít nhất phải 20.000 năm”.

Trở về để viết tiếp lịch sử Chernobyl

Bất chấp những cảnh báo với con số 3.000 năm hay 20.000 năm, một vài người dân địa phương đã quyết định quay trở lại sinh sống tại nơi vốn từng là quê nhà của họ.

“Cả đời mình, chồng tôi luôn khao khát trở về quê nhà. Ông ấy đã quay trở lại vào thời điểm toàn bộ khu vực này bị đóng cửa và không ai được phép tiếp cận. Thậm chí, ông ấy phải tìm cách lọt qua hàng rào dây thép gai”, bà Oleksandra Lozbin, một trong số khoảng 160 người đang sinh sống ở khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chia sẻ.

Bà Lobzin cho biết, mình và chồng đã quay trở lại đây từ năm 2010 và đang sống cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl khoảng 7km: “Chúng tôi quyết định phải bảo vệ lịch sử Chernobyl. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều người quay trở lại đây sinh sống và con cháu của họ sẽ nhận ra cuộc sống vẫn phải tiếp diễn như thế nào…”.

Một phụ nữ tới thăm một căn nhà bỏ hoang ở Pripyat.

Không chỉ có gia đình Lobzin và những người hàng xóm của bà đang sinh sống tại đây, rất nhiều động thực vật hoang dã cũng đang sinh trưởng mạnh mẽ trong khu vực đang bị cô lập này.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, khu vực 1.600km2 xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đang có rất nhiều loài động thực vật sinh sống bình thường bất chấp mức độ phóng xạ cao bất thường tại đây.

“Khi con người dời đi, các loại động thực vật lại sinh trưởng ngay cả ở nơi đã xảy thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất”, ông Jim Smith, một nhà nghiên cứu môi trường tại Đại học Portsmouth ở Anh chia sẻ: “Nhiều khả năng, số động thực vật sinh sống hiện nay tại Chernobyl nhiều hơn nhiều so với trước khi thảm hoạt hạt nhân xảy ra”./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Return to top