ClockThứ Hai, 08/08/2016 14:08
TỔ TRƯỞNG TỔ VAY VỐN “BỖNG DƯNG MẤT VIỆC”:

Cần giải quyết thấu tình, đạt lý

TTH - Chị Phạm Thị Phương (trú tại tổ dân phố 3 thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) gửi đơn “khiếu nại và kêu cứu” đến Báo Thừa Thiên Huế nội dung: Chị được bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn (TVV) thuộc Chi hội Phụ nữ tổ dân phố (TDP) 3. Từ khi đảm nhiệm đến nay, chị luôn làm tốt công việc, được các thành viên vay vốn (TVVV) tín nhiệm. Vậy nhưng, bỗng dưng Ban chấp hành chi hội phụ nữ (BCHPN) tổ dân phố 3 tự ý bầu người khác làm tổ trưởng vay vốn, yêu cầu chị bàn giao công việc...

Khó hiểu

Theo chị Phương: Chị là phụ nữ đơn thân, không có công việc ổn định, một mình nuôi bốn đứa con, cuộc sống rất khó khăn, thuộc hộ nghèo tại địa phương; song, chị vẫn cố gắng lao động nuôi con ăn học. Chị được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tạo điều kiện hợp đồng làm tạp vụ, mức lương 1 triệu đồng/tháng; được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng TVV TDP 3 và NHCSXH huyện Phú Lộc ký hợp đồng ủy nhiệm với nội dung làm hồ sơ cho vay vốn, thu lãi, đôn đốc trả nợ gốc đến hạn cho ngân hàng (mỗi tháng được hưởng một khoản hoa hồng khoảng vài trăm nghìn đồng). 

Từ khi nhận công việc, chị luôn hoàn thành tốt sự ủy nhiệm của ngân hàng thu lãi, góp tiết kiệm hàng tháng đầy đủ, không xâm tiêu, không để nợ quá hạn, lãi tồn… Chị còn đảm nhiệm tổ phó phụ nữ tổ 2 (thuộc TDP 3); có việc gì chị đều tham gia, làm việc không nề hà, như: đi mời họp, thu hội phí, tổ chức cho các cháu trong các dịp lễ thiếu nhi 1/6, trung thu, mua quà phát thưởng cho các cháu… Thế nhưng vừa qua, tổ trưởng TVV, thuộc TDP 3 cho rằng chị Phương không nằm trong BCH PN TDP 3, do đó yêu cầu chị Phương bàn giao lại công việc cho người khác.

Ngày 4/7/2016, chị Phương được BCHPN TDP 3 mời họp và có văn bản nội dung: Không cho chị Phương làm tổ trưởng TVV, yêu cầu chị Phương bàn giao lại công việc. Tại cuộc họp, chị Nguyễn Thị Mơ (nằm trong BCHPN TDP 3) có ý kiến xin ra khỏi BCHPN, đồng thời đề nghị bầu chị Phương vào BCHPN để tiếp tục làm tổ trưởng TVV, tạo điều kiện cho chị Phương kiếm thu nhập nuôi con, nhưng không ai đồng ý. Tối ngày 27/7/2016, chị Đào Ngọc Thủy, Chủ tịch HLHPN thị trấn Phú Lộc và chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Phó Chủ tịch chủ trì cuộc họp; có sự tham dự của trong BCHPN TDP 3, Phó Bí thư chi bộ TDP 3 và bầu bà Trần Thị Vân làm tổ trưởng TVV.

Chị Phương cho rằng, điều BCHPN TDP 3 làm (tự ý bầu người khác) là không đúng, đồng thời thắc mắc, văn bản nào quy định phải nằm trong BCHPN TDP mới được làm tổ trưởng TVV? Thực tế chị Phương đã đảm nhiệm công việc này thời gian qua (được các TVVV (32 chị) tín nhiệm) và hiện nay có hai chị thuộc TDP 2, TDP 7 không nằm trong BCHPN cũng đang đảm nhiệm. Chị Phương làm tốt công việc. NHCSXH huyện không có ý kiến gì, tại sao BCHPN TDP 3 lại có quyền không cho chị Phương tiếp tục công việc?

Tiếp xúc với một số TVVV TDP 3, tất cả đều nhận xét, chị Phương là người có trách nhiệm, làm việc tốt, nhanh nhẹn, vui vẻ, hòa nhã. Họ mong muốn chị Phương tiếp tục làm tổ trưởng TVV. 

Phải do TVVV quyết định

Trao đổi với chị Cái Diệu Trang, Chủ tịch HLHPN huyện Phú Lộc và chị Đào Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Lộc về những phán ánh, thắc mắc mà chị Phương nêu ra và nội dung ý kiến, phản ánh của một số TVVV, hai chị không đề cập đến nguyên nhân “không phải thành viên BCHPN nên không được làm tổ trưởng tổ vay vốn”, mà cho rằng có một số phản ánh (từ thành viên BCHPN tổ dân phố 3) chị Phương nói năng không đúng mực, do đó đề nghị thay người khác. Nhưng vừa qua chỉ là cuộc họp của BCHPN TDP 3 chứ không phải cuộc họp bầu tổ trưởng TVV. Thay người khác hay không bắt buộc phải có cuộc họp TVVV (có đại diện Ban xóa đói giảm nghèo thị trấn, tổ trưởng dân phố, HLHPN cấp trên… chứng kiến), do các TVVV quyết định. Nếu trên 50% TVVV nhất trí đề nghị chị Phương làm tổ trưởng TVV, thì chị tiếp tục làm. Ngược lại, TVVV sẽ bầu người khác (cuộc họp này sắp tới sẽ tổ chức). Hiện, chị Phương vẫn “tại chức”.

Chị Phương thắc mắc: “Tôi vẫn là tổ trưởng TVV, tại sao sắp đến hạn thu tiền lãi, nhưng tại cuộc họp hôm đó, chị Thủy khẳng định từ nay tôi không còn liên quan nên không phát biên lai cho tôi để tôi thu tiền lãi”. Chị Thủy cho rằng, do giữa BCH và chị Phương đang có “lùm xùm” nên đề nghị phía ngân hàng tạm thời giữ lại biên lai, khi giao chị Phương phải có biên bản và chữ ký. Còn theo chị Trang do đang xảy ra sự việc như nêu trên, tổ chức hội có quyền kiểm tra giám sát biên lai và hoạt động của TVV.

Điều đáng nói, sự việc được cho là “lùm xùm” (phát ngôn không đúng mực) lại không liên quan đến công việc chị Phương đang đảm nhiệm. Chị Phương thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ trưởng TVV, thu lãi, góp tiết kiệm hàng tháng đầy đủ, không xâm tiêu, không để nợ quá hạn, lãi tồn…, thì tại sao phải kiểm tra giám sát biên lai (với hình thức như nêu trên). Mặt khác, theo chị Thủy, khi BCHPN TDP 3 họp về nội dung sẽ bầu người khác làm tổ trưởng TVV, chị Phương có phát ngôn không đúng mực. Thiết nghĩ nếu có, thì điều này (phát ngôn không đúng mực) cũng xảy ra sau khi BCHPN TDP 3 đề nghị thay người, nên không thể cho “là nguyên nhân” dẫn đến đề nghị trên. Phải chăng, BCHPN TDP 3 đã có sự “o ép” như chị Phương phản ánh, khiến chị bức xúc?

Từ những nội dung nêu trên, đề nghị HLHPN các cấp giải quyết sự việc thấu tình, đạt lý. Chị Phương làm tốt công việc, được các TVVV tín nhiệm thì không có lý do gì BCHPN tổ dân phố phải đề nghị thay người khác. Mặt khác, với hoàn cảnh của chị Phương, lẽ ra tổ chức HLHPN các cấp cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để chị có công việc, ổn định cuộc sống, nuôi dạy con tốt.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Với Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Return to top