ClockThứ Sáu, 03/08/2012 05:43

Cần vốn đầu tư và sự hợp tác của người dân

TTH - Một số hộ dân ở tổ 2, cụm 4, thị trấn A Lưới có đơn phản ánh: Vừa qua trạm nước A Lưới lập dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm, lắp đặt ống nước để người dân được dùng nước sạch. Nhưng, việc lắp đặt bị bỏ dở...

Các hộ dân đã tự nguyện đóng góp hơn 30 ngày công, đào rãnh phục vụ cho việc lắp đặt ống nước, nhưng hơn 1 tháng mà trạm nước chưa lắp đặt khiến bà con chưa có nước sạch để dùng. Mặt khác, đất đào lên để trên mặt đường làm ảnh hưởng giao thông.

 
Người dân cần hợp tác
 
Ông Trương Công Hân, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH NNMTV Xây dựng & Cấp nước Thừa Thiên Huế (gọi tắt là công ty) cho biết: Chi nhánh Tứ Hạ (tổ A Lưới) đang thi công tuyến ống ở tổ 2, cụm 4, thị trấn A Lưới. Chiều dài tuyến ống 290m (trong đó 150m DN50, 140m DN40) đấu nối cho 13 hộ dân tại tổ 2 cụm 4. Tổng dự toán 51.690.000đ (trong đó ngày công dân đào lấp 29.239.000đ).
 
Khi thi công, tổ A Lưới gặp khó khăn từ phía người dân. Nguyên nhân: Đầu nối vào tuyến ống, trước đây (năm 2003) do dân tự đóng góp để thi công. Chiều dài tuyến ống khoảng 200m. Hiện có 19 hộ đang đấu nối trên tuyến ống đó. Các hộ dân này yêu cầu 13 hộ dân ở phía sau phải đóng góp mỗi hộ 200.000đ, mới cho đấu nối. Nhưng 13 hộ dân không đồng ý. Do đó, tổ A Lưới không thi công được.
 
Theo ông Trương Công Hân: Tuyến ống nhánh DN50 do 19 hộ dân nói trên đầu tư với thời gian đã trên 5 năm. Theo quy định của UBND tỉnh thì: “Việc khai thác kỹ thuật trên đường ống nhánh trước đồng hồ do bên sử dụng nước đầu tư đúng quy hoạch, thì sau 2 năm đối với tuyến ống có đường kính nhỏ hơn D50 và sau 3 năm đối với tuyến ống có đường kính lớn hơn DN50, kể từ ngày lắp đặt, đơn vị cấp nước (công ty) có quyền sử dụng, khai thắc nhằm quản lý, duy tu, sửa chữa lâu dài nhưng vẫn đảm bảo áp lực, cấp đủ nước cho các hộ gia đình và đơn vị có nhu cầu sử dụng nước”. Như vậy, theo quy định thì nhà máy nước A Lưới có quyền đấu nối vào hệ thống tuyến ống nhánh DN50 do 19 hộ dân đầu tư, để cấp nước cho 13 hộ dân nói trên. Do sự “cản trở” của 19 hộ dân mà việc thi công bị ngưng trệ.
 
Ngày 5/7/2012, ông Mai Xuân Tấn, phụ trách tổ A Lưới làm việc với tổ trưởng cụm dân cư và đại diện 19 hộ dân đã đầu tư tuyến ống nước trước đó và 13 hộ dân đang có nhu cầu “bắt” nước, để thống nhất phương án và quan điểm, nhưng hai bên không thống nhất được. Ngày 13/7/2012 phía công ty đã làm việc với UBND thị trấn A Lưới. Theo đó hướng giải quyết là, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ mời tổ trưởng cụm dân cư, đại diện của hai bên và đại diện của công ty đến làm việc, để thống nhất quan điểm. Người dân cần tích cực hợp tác để “tháo gỡ” tình trạng chậm lắp đặt.
 
Đề nghị sớm cấp vốn ngân sách
 
Liên quan đến phản ánh phải dùng nước giá quá cao của người dân trên địa bàn phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, ông Trương Công Hân cho biết: Công trình cấp nước của Thủy Dương do Hợp tác xã (HTX) Thủy Dương là chủ đầu tư thi công cấp nước cho khoảng 1.200 hộ dân. Do công trình này được đầu tư xây dựng năm 1997, nay đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo, thất thoát cao. Người dân phải trả tiền cho HTX 8.000đ/m3. Giá cao như vậy, nhưng người dân vẫn không đủ nước để dùng vì do thất thoát quá lớn.
 
Năm 2011 UBND tỉnh có quyết định chuyển cho công ty quản lý,làm chủ đầu tư hệ thống nối mạng cấp nước sạch phường Thủy Dương, với tổng mức đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng (hỗ trợ một phần chi phí xây lắp), vốn của công ty hơn 3,7 tỷ đồng (chưa kể khoảng 2 tỷ đồng chi phí đầu tư lắp đặt nước đến tận đồng hồ cho hơn 1.000 hộ gia đình), vốn nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng (nhân công đào, lấp, đệm cát các tuyến ống D75, D63). Đồng thời công ty được giao gói thầu số 3 gồm toàn bộ phần xây lắp và thời gian lựa chọn nhà thầu là khi có thông báo kế hoạch vốn.
 
Nhưng đến nay, đã hơn 8 tháng, công ty vẫn chưa có thông báo kế hoạch vốn nên dự án chưa được khởi công, đồng nghĩa chưa thể tiếp nhận hệ thống cấp nước cho phường Thủy Dương từ HTX, vì để quản lý, công ty cần phải đầu tư cải tạo lại hệ thống đó.
 
Để công ty thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân trên địa bàn phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, việc giải ngân nguồn vốn ngân sách là khâu mấu chốt để sớm thực hiện việc lắp đặt đường ống nước.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Return to top