ClockThứ Hai, 20/04/2020 09:22

Câu chuyện lớn sau COVID-19

TTH - Một tin vui là cuối tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đưa nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa vào hàng nghìn bệnh viện, cơ sở y tế, giúp người dân có thể khám chữa bệnh tại nhà.

Với nền tảng này, ngày 18/4, các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn, khám chữa bệnh cho 3 bệnh nhân ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh của Hà Tĩnh, Lào Cai, Thanh Hóa.

Thật tiện ích khi nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến đáp ứng được đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa, gồm tư vấn y tế, hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, hội chẩn tư vấn phẫu thuật và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh.

Ngày 18/4, đánh giá thành tựu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là lĩnh vực mới, có lợi ích to lớn, là đòi hỏi từ thực tiễn, để người dân không cần đến bệnh viện vẫn được thăm khám, điều trị, sẽ giảm tải cho bệnh viện, hạn chế lây lan và phòng chống tốt hơn COVID-19.

Không chỉ là giải pháp kịp thời hỗ trợ phòng chống dịch, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công từ nền tảng y tế trực tuyến đang mở ra câu chuyện lớn hơn. Đó là hướng đến xây dựng Việt Nam thành quốc gia số, quốc gia thông minh, bằng công nghệ số. 

Từ khó khăn đặt ra trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, thực tiễn đã mở ra nhiều hướng đi mới và những cánh cửa khác trong tương lai. Đó là thương mại trực tuyến, hành chính công trực tuyến, giáo dục trực tuyến, y tế trực tuyến...

Sau đại dịch, có thể sẽ có một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ đời sống kinh tế - xã hội, trong đó mặt bằng số được thúc đẩy sẽ giải quyết được các yêu cầu về tiết kiệm nhân công, lao động; tăng hiệu quả kinh tế - xã hội; giảm áp lực giao thông đô thị; giảm áp lực ô nhiễm môi trường khi con người không phải ra đường nhiều, chỉ cần ở nhà để thực hiện các giao dịch xã hội qua mạng...

Trong câu chuyện lớn đặt ra sau COVID-19 như tinh thần định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế chắc chắn có nhiều lợi thế về không gian số, khi đây là một trong những địa phương trong cả nước đã đi đầu về xây dựng đô thị thông minh.

Một trong những lợi ích rõ ràng, thiết thực đã được thể hiện là hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) và ứng dụng Hue-S (Ứng dụng Dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được áp dụng hiệu quả trong công tác điều hành, phục vụ.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top