ClockChủ Nhật, 08/07/2018 11:33

Cha & con

Chiếc mặt nạ phù thủy

“Cụ là vị tướng duy nhất của dòng họ, là niềm tự hào của gia tộc và làng xã, nhờ ơn cụ mà con cháu đều thành đạt, nhờ phước ấm tổ tiên mà cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi 90”. Ấy là lý lẽ dâu con đưa ra để thuyết phục cụ Tính ưng thuận cho chúng tổ chức mừng thọ. Đáp lại, bậc cao niên xua tay: “Rình rang lễ lạc làm gì, đâu phải mâm này quà nọ mới thể hiện lòng hiếu đễ. Nếu cần, cha con, ông cháu quây quần bên ly rượu, ấm trà, cùng ôn nghèo kể khổ rồi chúc nhau; vậy có phải đầm ấm hơn không?!”

Cứ đơn giản như thế thì ông bà Toàn, tức con trai và con dâu cụ không thông rồi. Việc này, trước khi trình cha, họ đã nghĩ nát nước, đâu chỉ đối nội, còn phải đối ngoại nữa. Lâu nay, các đám hiếu hỉ người ta, đám nào ông bà cũng có mặt; có hôm hai ba thiệp mời, cứ như phải chạy show. Nhưng nhà này chưa có công to việc lớn để mọi người chia sẻ. Cậu Hai ra trường là bám lấy cái thành phố to nhất nước ở phương Nam rồi dính luôn một cô trong ấy. Đám cưới cậu, chỉ có mấy người tâm phúc cùng công ty ông Toàn bay vào. Còn cô Ba du học bên Tây, giữa trắng trời băng tuyết của xứ người, đã kết luôn một anh đồng môn da trắng mũi lõ, chẳng cưới cheo gì. Thành ra ông bà đều trông vào dịp đại thọ tới đây của cha với bao dự tính, trong đó có cả những điều không tiện nói.

Không nói nhưng bà Toàn đều nghĩ xa gần. Điều bà lo là ngày chồng rời chiếc ghế giám đốc công ty đang cận kề. Dù ông đã nhiều lần “đổi trắng thay đen” mái tóc, đến thẩm mỹ viện kéo da, xóa nếp thời gian nhưng cũng chẳng thể đảo ngược được tình thế khi tuổi 60 đang xồng xộc lao tới. Về hưu, với ai là đồng nghĩa nghỉ ngơi, thanh thản nhưng với bà thì khoảng đời còn lại khác nào chiếc xe xuống dốc, khác nào đã xỏ một chân sang thế giới bên kia. Bà biết, trong nhiều trường hợp, chuyện hiếu hỉ, tình nghĩa thời nay cũng đậm chất thị trường. Thế mới có chuyện, đám cưới con sếp, đám ma cha mẹ sếp thì vô số tiền, quà, xe, hoa nhưng vô phước đám ma sếp thì phải… hai lần buồn.

Sau một đêm mất ngủ, lục xem lại những cuốn nhật ký thời chiến tranh, cụ Tính gọi con trai và con dâu lại. Cụ đồng ý tổ chức mừng thọ nhưng phải đơn giản, mời ít khách. Cụ bảo tổ chức vào ngày 10 tháng tư, tức là lùi lại hơn tháng so với dự định của dâu con. Ông bà Toàn vừa mừng vừa ngạc nhiên. Bà gạt phắt khi ông định hỏi cha sao không tổ chức vào tháng hai cho mát mẻ: “Ôi, tâm tính người già! Hỏi lại, không khéo cụ đổi ý, đâm hư sự. Chỉ cần cụ gật cho một cái là xong!” Bà cười hể hả.

Làm theo nếp xưa hay “tân cổ giao duyên”? Bàn đi tính lại, cuối cùng vợ chồng bà chốt lại- thôi thì xưa bày nay bắt chước. Phương châm là thế nhưng khi bập vào cụ thể cũng nhiêu khê lắm. Cụ mặc quân phục với quân hàm tướng đĩnh đạc oai nghiêm hay khăn đóng, áo dài đỏ, có chữ thọ làm nền trong ngày trọng đại ấy? Cụ ngồi xa lông nệm mút hay ghế gỗ khảm trai với tứ linh chạm nổi, sang như ngai vàng của bậc đế vương? Nhưng liệu cụ có chịu ngồi vào đó để con cháu tặng quà rồi tế sống không? Ông Toàn tìm đâu mấy clip quay cảnh mừng thọ về đảo đi đảo lại, tham khảo. Rồi ông tất bật đi đặt thiệp mời, nhờ cả người viết “diccour”.

Ngoài lo chuyện cỗ bàn, bà Toàn nhờ người tin cậy chuẩn bị theo dõi khách, ghi chép quà mừng để sau này đáp nghĩa với họ. Bà dự tính hơn 50 mâm, tức hơn 500 khách. Khách chủ yếu là bạn của vợ chồng ông bà; khách riêng của cụ chỉ có bảy người. Con số bảy khiêm nhường khiến họ tò mò nhưng không dám hỏi lại cha. Khách quê, chỉ mời mấy người ruột thịt. Cụ Tính muốn mời thêm bà con đại diện gia tộc nhưng bà dâu bàn lùi: “Người quê tham công tiếc việc, đường sá xa xôi, mời lại thêm nỗi lo cho họ.” Ấy là nói khéo thôi; thật ra, bà ngại tốn kém khoản đón đưa, ăn ở.

Hình như cụ Tính chẳng mấy để ý cái lễ mà cụ là người trung tâm. Sáng dậy sớm tập dưỡng sinh; sau điểm tâm là đọc báo (thường dừng lại lâu hơn mục “tin buồn” ở trang 4) rồi ghé thăm mấy bạn già ở cạnh. Gần ba mươi năm rồi lịch sinh hoạt của cụ vẫn đều đều thế. Hồi còn khỏe, cụ hay có những chuyến đi xa tìm hài cốt đồng đội hay thăm người quen cũ. Những dịp đó, cụ thường gặp riêng con trai, gợi ý  “tài trợ”. Lương hưu cấp tướng cùng các khoản phụ cấp cũng khá nặng túi nhưng dâu con cứ lảng đi như không biết, để cha thoải mái sử dụng. Chẳng thấy cụ tiêu gì, mua sắm đã có con cháu lo nhưng thi thoảng cụ lại rỉ tai con trai hỏi khoản “đầu tiên”. Có lần nhận tiền từ tay con, cụ buột miệng, giọng áy náy: “Tụi nhỏ học hành bây giờ tốn lắm!” Nghe con hỏi lại, cụ cười: “À, là con một anh bạn ấy mà”. Lần khác, vừa bỏ tiền vô túi, cụ vừa hồ hởi giải thích: “Khoản này góp phần xóa đói giảm nghèo đây”. Nghe thế nhưng ông Toàn không hỏi kỹ, sợ có gì sơ xuất, khiến cha phật ý.

Khi những thiệp hồng có in chữ thọ to đùng cùng hình cụ già râu tóc bạc phơ quây quần bên con cháu được gửi đi các nơi thì bà Toàn nhận được tin chồng sắp nghỉ hưu, sớm hơn mấy tháng so với quy định. Tin đồn nhưng lan nhanh hơn sóng điện. Bà bực tức nghĩ: “Đứa ba que xỏ lá nào muốn chọc gậy bánh xe, muốn phá đám đây”. Chưa chi đã có khối tay trở cờ ra mặt. Nhiều anh khi trước lúc nào cũng xun xoe, đối diện sếp cứ nhũn như cọng bún tươi, giờ đã đồng thanh hô biến. Không thể dừng nhưng bà biết lễ mừng thọ sẽ không đạt những gì bà ấp ủ.

Chẳng quá bi quan như bà nghĩ, mọi người đến dự khá đông. Nhưng bà cảm tưởng, không khí cuộc vui chừng mực quá. Đấy, nhiều tay mồm dẻo như kẹo kéo, khi nhà sếp có việc cố tỏ ra lo hơn cả việc nhà, giờ cũng đi trễ. Trước đây, mấy anh cùng ê kíp, tới nhà sếp, chưa thấy người đã phe phé tiếng cười cầu lợi từ ngõ, giờ ngồi tiệc mừng mà hững hờ như ăn hàng giữa chợ. Báu gì căng mấy tấm bạt, kê thêm mấy bộ bàn ghế ngồi uống nước mà bà “a-lô” vào phòng hành chính nhờ cho người ra giúp, tay trưởng phòng lại xuýt xoa kêu bận. Nhìn quà mừng xếp đầy dãy bàn, bà lắc đầu ngao ngán. Biết làm gì với những bức trướng liễn, câu đối, tranh ảnh cùng những thứ chẳng hữu dụng kia?!

Hoàn toàn không để ý những bực dọc của dâu con, cụ Tính mải lăng xăng bên những người bạn. Chưa bao giờ thấy cụ vui như thế; chuyện trải dài từ thời còn là anh Vệ quốc đoàn, đầu trần chân đất, chỉ gươm giáo và lựu đạn tự chế mà xông vào xe tăng Tây đến chuyện rầm rập trong đoàn quân tiến về thành phố năm ấy. Chỉ bảy người nhưng bạn của cụ mỗi người mỗi vẻ. Người lấp lánh quân hàm đại tá, bên mấy ông vét tông giày tây bóng lộn được giới thiệu là chủ tịch huyện, giám đốc sở là mấy người mang mặc xuềnh xoàng và đen gầy, nhìn qua cũng biết là chủ nhân của đồng ruộng. Có ông cụt tay, đầu lất ngất, ăn nói phều phào, chắc bị động kinh. Cụ Tính luôn ngồi cạnh người đàn ông thương tật ấy, hết tiếp thức ăn lại bỏ đá, rót nước ngọt cho ông.

Khi khách đã vãn, cụ gọi con cháu lên nhà trên. Cụ chỉ ghế cho từng người, nét mặt nghiêm trang như sắp vào hội nghị. Mấy ông bạn già cũng thôi  chuyện, nhìn cụ chờ đợi.

- Đây là những đồng đội từng sống chết cùng cha- Cụ hướng về phía vợ chồng con trai- Hôm nay, họ đến mừng thủ trưởng cũ nhưng cha không cho mang quà gì bởi họ từng cho cha những thứ vô giá…

- Xin giới thiệu với anh chị và các cháu- Ông đại tá đứng lên, tươi cười tiếp lời cụ- Bảy chúng tôi đây đều là cần vụ riêng của thủ trưởng, từ khi cụ là cán bộ trung đoàn, sư đoàn rồi quân đoàn, quân khu.

Họ nhìn nhau thân tình. Cụ Tính đưa mắt dõi theo ánh trăng ngời ngợi ngoài cửa sổ, giọng bồi hồi, như nói riêng với các con:

- Hôm nay giống như ngày cha được sinh lần thứ hai. Đúng ngày này năm mươi năm trước, địch phát hiện bộ chỉ huy sư đoàn của cha đóng ở Hòn Tàu, lập tức gọi bom pháo đánh cấp tập. Trong giây phút hoảng loạng bất ngờ; người cần vụ đã nằm đè lên thủ trưởng. Liền đó, cha cảm thấy người nóng hổi, đầm đìa máu; thì ra là máu người chiến sĩ đã cứu mình. Vì che chở cho thủ trưởng mà người ấy phải ngây dại thế này đây.

Cụ Tính ôm lấy ông thương binh cụt tay đang ngồi gần. Cụ khóc, nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt nhăn nheo. Cả nhà ngồi lặng. Ông đại tá đặt tay lên vai người đồng đội thương tật, chia sẻ:

- Anh An đây cũng nhờ cụ lắm. Nếu không có thủ trưởng trợ cấp, chắc gì các con ảnh đã được học hành đàng hoàng và gia đình sớm thoát được cảnh nghèo, phải không anh An?

Ông đại tá nắm lấy bàn tay còn lại của ông An lắc lắc. Đáp lại, người ấy gật đầu lia lịa, mặt quay đi cố giấu những những giọt nước mắt.

Nhìn cảnh ấy, con cháu cụ đều lặng người…

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Return to top