ClockThứ Tư, 20/01/2021 07:30

Đòn bẩy giúp phụ nữ phát triển kinh tế

TTH - Đa dạng hóa các nguồn vốn vay, giúp nhiều đối tượng hội viên được tiếp cận để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống... đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp áp dụng thực hiện.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệpDồn sức hỗ trợ sinh kếCùng góp sức

Hội LHPN tỉnh giải ngân vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Đa dạng nguồn vốn

Thực hiện mục tiêu là mọi đối tượng hội viên phụ nữ đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã đa dạng hóa nhiều nguồn vốn vay, truyền thống nhất là nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Qua nhiều năm áp dụng, số dư nợ được Ngân hàng CSXH tin tưởng ủy thác cho các cấp hội phụ nữ trong tỉnh ngày càng tăng. Hiện các cấp hội phụ nữ đang quản lý hơn 1.673 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng dư nợ vốn Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện cho hơn 53.000 hộ tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế.

Chị Huỳnh Thị Lượm ở tổ 6, phường Thủy Xuân, TP. Huế kể, tiếp cận được 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH qua kênh phụ nữ phường, chị đầu tư mua máy sản xuất hương. Chủ động được việc làm, thu nhập của chị đã ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện.

Để những hội viên không nằm trong đối tượng được vay vốn của Ngân hàng CSXH vẫn có vốn để phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã mạnh dạn phối hợp với các ngân hàng khác nhận ủy thác vốn vay. Thông qua các ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đông Á, Liên Việt..., các cấp hội trong tỉnh đang nhận ủy thác trên 200 tỷ đồng.

Các cấp hội còn vận động hội viên tham gia tiết kiệm tự nguyện tại chỗ để chủ động nguồn vốn cho hội viên vay. Trung bình mỗi tháng 1 hội viên tiết kiệm 10 ngàn đồng, đến nay các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng được nguồn vốn hơn 54 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhiều hội viên có vốn quay vòng. “Nhờ nguồn vốn tiết kiệm tự nguyện tại chỗ, tôi có tiền mua thêm cây, con giống. Đến khi thu hoạch, tôi lại trả vốn cho hội để chị em khác vay. Việc tiết kiệm này rất hay, mỗi tháng đóng một ít nhưng đến khi cần lại có số tiền lớn để làm ăn”, chị Hồ Thị Xuyến ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc tâm sự.

Năm 2017, khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”  được UBND tỉnh phê duyệt, Hội LHPN tỉnh lại xây dựng Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Với số vốn 4 tỷ đồng ban đầu, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho các chị có ý tưởng khởi nghiệp khả thi và mạnh dạn khởi nghiệp bằng ý tưởng đó.

Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, từ vốn vay ưu đãi, các hội viên phụ nữ đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng hành

Để quản lý các nguồn vốn hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ sở hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, khả năng phát triển kinh tế tại hộ để có sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời, do đó tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ 0,1%.

Ngoài ra, các cấp hội còn đồng loạt triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đầu tiên, giới thiệu các thành viên vay vốn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp đó, hướng dẫn hội viên thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tạo sức mạnh tổng hợp vừa phát huy thế mạnh địa phương vừa giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh thành lập được 4 hợp tác xã, 76 tổ liên kết hợp tác phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Công tác tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cho hội viên cũng được các cấp hội quan tâm. Tiêu biểu Hội LHPN TP. Huế, Hội LHPN huyện A Lưới, Phú Lộc đã thành lập cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho hội viên. Các đơn vị phụ nữ thị xã Hương Thủy, Nam Đông... ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho các tổ liên kết, hợp tác do hội viên mình làm chủ.

Chị Ngô Thị Lý, Chủ nhiệm tổ liên kết “Sản xuất gà sạch” của Hội LHPN thị trấn Phú Lộc thông tin: “Tổ liên kết sản xuất gà sạch của thị trấn được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập cách đây 4 năm. Tuy nhiên, do chưa có thị trường ổn định nên tổ chỉ chăn nuôi cầm chừng. Từ khi cửa hàng giới thiệu cung cấp thực phẩm an toàn của Hội LHPN huyện được thành lập, sản phẩm của tổ đã có đầu ra ổn định. Tổ đang có ý định đầu tư để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Hội LHPN tỉnh cũng đã và đang phối hợp với các chuyên gia tổ chức các diễn đàn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành về tiếp thị, bán hàng trên nền tảng số trong thời đại công nghệ 4.0, giúp phụ nữ áp dụng hiệu quả. Đồng thời, tập trung xây dựng “Chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, truyền thống giữa các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ với doanh nghiệp trong tỉnh”  nhằm liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng với các mô hình sản xuất kinh tế do phụ nữ làm chủ, tạo thị trường ổn định.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu
Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao

Đó là mục tiêu đặt ra tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSVMN), giai đoạn I (2021-2025). Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 14 và 15/5 tại Huế, được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.

Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao
Món quà ý nghĩa từ... rác

Những chai dầu ăn, nước mắm, gói hạt nêm, hay cây xanh... được đổi từ những túi rác tái chế. Đó không những là món quà mọi người nhận từ các cơ sở hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) mà cũng là cách để bất cứ ai cũng có thể sẻ chia, góp phần chung tay giúp đỡ trẻ em, phụ nữ nghèo và góp phần bảo vệ môi trường. Bởi nguồn thu từ những bì rác tái chế đó được hội LHPN các cấp sử dụng trong việc nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, giúp đỡ phụ nữ nghèo...

Món quà ý nghĩa từ  rác

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top