ClockThứ Năm, 08/03/2012 17:37

Người nghèo cần chung tay để xóa nhà tạm

TTH - Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, UBND tỉnh đã có đề án, kế hoạch hỗ trợ 4.548 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng. Đến nay, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thu được những kết quả đáng khích lệ, mang đến cho người nghèo nhiều ngôi nhà kiên cố, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Nhiều hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo đó, từ năm 2009, Sở Xây dựng yêu cầu chính quyền các địa phương lập danh sách hộ nghèo theo từng thôn, bản, cụm dân cư, xã, nhằm đảm bảo tính khách quan và đúng đối tượng. Sau 3 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 4.298 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở (trong đó, theo Quyết định 167 là 4.135 nhà, đạt tỷ lệ 95% và theo Quyết định 67 là 163 nhà, đạt tỷ lệ 84%) với tổng số tiền đã giải ngân gần 80 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng, tỉnh hơn 4 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ UBMTTQVN tỉnh là hơn 13 tỷ đồng, số còn lại là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay ưu đãi.

Hộ anh Trần Văn Hia (xã Hồng Trung, A Lưới) do chưa đủ kinh phí nên vẫn chưa hoàn thiện được nhà theo Quyết định 167

Nhiều hộ gia đình, ngoài nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, vốn vay của Ngân hàng Chính sách đã đầu tư thêm công sức, tiền bạc xây dựng lại nhà ở khang trang, bề thế. Chị Hồ Thị Dắt (xã Hồng Trung, A Lưới), nhà có 5 nhân khẩu, ở trong ngôi nhà tình thương dột nát, rất khổ cực. Nay, nhờ Chương trình 167 hỗ trợ cho chị 8,4 triệu đồng, UBMTTQ tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 8 triệu đồng cộng với nguồn vốn tích lũy từ chăn nuôi bò, heo, trồng sắn mà chị đã cất được căn nhà mới khang trang trị giá 50 triệu đồng. Chị Dắt kể lại: “Mình đi làm vất vả quanh năm, không có đủ tiền làm nhà, nay Chính phủ hỗ trợ cho cất được căn nhà mình mới thoát nghèo được, cảm ơn Chính phủ nhiều lắm”. Còn hộ anh Trần Văn Hia (xã Hồng Trung), trước đây ở căn nhà tạm bợ, dột nát, nay được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình xây dựng được ngôi nhà kiên cố, tuy chưa hoàn thiện, nhưng không sợ bão, lũ nữa...

Đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Song, để đạt kết quả tốt như kế hoạch đã đề ra, các cấp chính quyền cần tạo mọi điều kiện để hộ nghèo triển khai xây dựng nhà ở được thuận tiện. Bên cạnh đó, hộ nghèo cũng cần chung tay để xóa nhà tạm cho chính mình, không trông chờ, ỷ lại. Có như vậy, chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước mới được thực hiện hiệu quả.

Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, qua 3 năm thực hiện đề án hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở, nhiều địa phương đã chủ động, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt đề án và huy động được nhiều nguồn lực để phục vụ chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, như: góp công sức của bà con làng xóm, dòng tộc và chính bản thân hộ nghèo. Hầu hết các huyện thực hiện giải ngân đảm bảo nguồn kinh phí cho các hộ triển khai xây dựng nhà ở; đồng thời chỉ đạo các xã giải quyết kịp thời cho các hộ có nhu cầu ứng nguyên, vật liệu của các đại lý để các hộ sớm triển khai thực hiện. Với yêu cầu xây dựng nhà tối thiểu là 24m2, có móng, nền, tường, mái chắc chắn, nhưng hầu hết các hộ đã xây dựng nhà truyền thống 5x7m (35m2) tường blô, mái lợp ngói, với mức đầu tư bình quân từ 50-60 triệu đồng/nhà. Những hộ neo đơn, già cả, bệnh tật nguồn huy động khác có hạn chế thì xây dựng theo mẫu nhà hộp có quy mô 24m2 với kinh phí khoảng 22-25 triệu đồng/nhà. Đặc biệt, ở những vùng thấp trũng (huyện Quảng Điền) các hộ phải tôn nền cao để chống lụt với chi phí xây móng lên đến 10-15 triệu đồng/nhà. Nhìn chung, đa số nhà của các hộ xây dựng với kết cấu kiên cố, vững chắc, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề án đặt ra.

Người dân cần tích cực tham gia

Theo quy định, mức hỗ trợ bình quân cho hộ nghèo xây dựng nhà ở từ ngân sách Nhà nước là 7,2 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở tại vùng khó khăn thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, vốn huy động từ Quỹ Vì người nghèo và các doanh nghiệp do UBMTTTVN tỉnh phát động hỗ trợ mỗi hộ nghèo xây dựng nhà là 3 triệu đồng. Hơn nữa, các hộ nghèo còn được Ngân hành Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay để xây nhà ở theo quyết định của Chính phủ. Mức vay tối đa 8 triệu đồng/hộ, với lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay là 10 năm. Như vậy, đối với hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở là 18,2 triệu đồng/hộ và vùng khó khăn là 19,4 triệu đồng/hộ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 12/2011 đã có 4.298/4.548 hộ thực hiện việc xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 và Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, còn lại 250 hộ chưa triển khai xây dựng nhà theo đề án đã được phê duyệt. Những huyện có hộ nghèo chưa xây dựng nhà cao, như: Quảng Điền (97 nhà), Phú Lộc (52 nhà), TP Huế (58 nhà)...Nguyên nhân được xác định: một số hộ nghèo thuộc hộ già cả, neo đơn không đủ điều kiện xây dựng nhà, không đủ khả năng vay vốn Ngân hàng chính sách, không có đất để xây dựng nhà... Ngoài ra, giá cả vật liệu, nhân công tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nghèo không thể xây dựng được nhà ở theo đúng thiết kế mẫu nhà ở đã quy định. Một số hộ gia đình còn chưa chủ động, trông chờ, đứng ngoài cuộc khiến đề án xây dựng nhà ở cho người nghèo theo chủ trương của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: Thanh Hải

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC
 
Ông Trần Kiêm Hòa, Trưởng phòng Quản lý nhà Sở Xây dựng:
 
Những hộ có đủ điều kiện đều được hưởng hỗ trợ
 
Theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, những hộ có đủ điều kiện đều được hưởng hỗ trợ, Nhà nước không hạn chế số lượng. So với các tỉnh thành khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế vẫn là địa phương có số lượng hộ được hưởng hỗ trợ ít. Danh sách số lượng hộ được hưởng hỗ trợ trong đề án mà Sở Xây dựng báo cáo lên Bộ Xây dựng và UBND tỉnh là do các địa phương bình xét, tham mưu. Việc bình xét các hộ được tiến hành từ thôn, bản, tổ dân phố lên. Sau khi được xét duyệt, nếu hộ được hưởng theo Quyết định 167 và 67 của Chính phủ đã thoát nghèo hoặc được một chương trình khác hỗ trợ phải chuyển giao qua cho hộ khác và phải có giấy đồng thuận của người được hưởng hỗ trợ. UBND huyện sẽ ra quyết định điều chỉnh, bổ sung đối tượng hỗ trợ nhà ở.
 
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới:
 
Những hộ không đúng đối tượng đều được huyện chuyển qua các hộ khác
 
Qua 3 năm thực hiện đề án hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 và Quyết định 67 sửa đổi, bổ sung của Thủ tướng Chính phủ, đến nay A Lưới cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân. Phải khẳng định rằng, tâm tư người dân rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Chính phủ đã quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo có nơi ăn ở ổn định. Quá trình triển khai, có 37 hộ của 10 xã vì những lý do khác nhau như: thay đổi tên, chuyển đi nơi khác, không có khả năng làm nhà, đã được hưởng Chương trình 134, Chương trình tái định cư Pa Ay..., đã được UBND huyện ra quyết định sửa đổi, bổ sung chuyển qua các hộ gia đình khác. Trong đó, xã Nhâm: 2, Đông Sơn: 1, Hồng Vân: 6, Hồng Thủy: 20, Sơn Thủy: 1, Hồng Hạ: 1, Bắc Sơn: 3, Hồng Trung: 1, A Roàng: 1 và thị trấn A Lưới: 1. Đến nay, UBND huyện không nhận được phản ánh nào của người dân xung quanh việc hỗ trợ xây dựng nhà ở này.
 
Ông Hồ Văn Ôn, Trưởng thôn Lê Triêng 1, xã Hồng Trung, huyện A Lưới:
 
Cần tiếp tục quan tâm đến hộ nghèo
 
Theo Quyết định 167, toàn thôn Lê Triêng 1 có 25 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở; trong đó, năm 2010 là 10 hộ, năm 2011 là 15 hộ. 25 hộ được hỗ trợ đợt này đều đúng đối tượng. Đa số đều thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và đến nay đã xóa được nhà tạm. Nhiều hộ vì thiếu kinh phí nên chưa hoàn thiện nhà ở, nhưng đã có nơi ở kiên cố, không lo mưa bão và an tâm tăng gia sản xuất. Hiện nay, thôn vẫn còn nhiều hộ có nhà ở tạm bợ. Mong rằng, thời gian tới các chương trình hỗ trợ nhà ở khác của Chính phủ, của tỉnh và huyện tiếp tục đến với người dân nghèo nơi này; tuy nhiên, cần tăng nguồn hỗ trợ để người dân hoàn thiện nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.
 
Thanh Hải (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Tối 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức chương trình giao lưu các tổ truyền thông cộng đồng. Đây là hoạt động nằm trong chuổi hoạt hoạt động Ngày hội “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình khởi nghiệp Xanh và chuyển đổi số”; trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Cha mẹ đồng hành cùng con

Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình khởi nghiệp xanh và chuyển đổi số”, chiều 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Ngày hội “Cha mẹ đồng hành cùng con” năm 2024.

Cha mẹ đồng hành cùng con
Chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ

​Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và hưởng ứng Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, sáng 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Chuỗi hoạt động Ngày hội với chủ đề “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình Khởi nghiệp xanh và chuyển đổi số”. Cùng tham dự chương trình có bà Dương Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo một số ban ngành địa phương cùng đông đảo hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.

Chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ
Món quà ý nghĩa từ... rác

Những chai dầu ăn, nước mắm, gói hạt nêm, hay cây xanh... được đổi từ những túi rác tái chế. Đó không những là món quà mọi người nhận từ các cơ sở hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) mà cũng là cách để bất cứ ai cũng có thể sẻ chia, góp phần chung tay giúp đỡ trẻ em, phụ nữ nghèo và góp phần bảo vệ môi trường. Bởi nguồn thu từ những bì rác tái chế đó được hội LHPN các cấp sử dụng trong việc nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, giúp đỡ phụ nữ nghèo...

Món quà ý nghĩa từ  rác
Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ

Chiều 10/5, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. Huế phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022, Luật trẻ em và một số Luật sửa đổi mới” với sự tham gia của hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố. ​

Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ
Return to top