Nông nghiệp hữu cơ là khái niệm không mới đối với nước ta và nhiều nước trên thế giới. Trong cuộc vận động thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, nông nghiệp hữu cơ lại càng được quan tâm, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới.
Đây là một hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học, đảm bảo thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt. Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng...
Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình nông nghiệp hữu cơ hình thành ngày một nhiều. Ngay tại nước láng giềng Campuchia, mô hình sản xuất gạo hữu cơ rất thành công; khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Hiện nay, gạo thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, với giá khoảng 1.475 USD/tấn, cao hơn khoảng 65% giá bình quân của thị trường là 890 USD/tấn. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái trên đồng ruộng, ao hồ ở Campuchia cũng được đảm bảo, nhiều loài cá tôm chất lượng phục hồi, sinh sôi trở lại, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Ở nước ta những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được chú ý phát triển. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, 33 tỉnh, thành đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.000 ha. Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như hạt tiêu, cà phê, rau quả, thủy sản… đã đứng được ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn so với tiềm năng đất nước vốn có nền sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp hữu cơ từ ngàn xưa.
Phương pháp canh tác hữu cơ đối với người nông dân không khó. Khó ở nỗi năng xuất, sản lượng, hiệu quả của ngày công không cạnh tranh nổi với sản phẩm phi hữu cơ. Các loại cây trồng nếu không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì cây trồng sẽ phát triển chậm, màu sắc không bắt mắt, không cạnh tranh nổi với các sản phẩm phi hữu cơ đang tràn ngập trên thị trường. Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến nông dân sử dụng chất độc hại vào trong trồng trọt, chăn nuôi là từ áp lực về hiệu quả kinh tế trước mắt.
Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong phát triển và hội nhập. Để đạt được hiệu quả nhanh, bền vững, thì ngoài việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cần có cơ chế đặc thù trong việc nâng cao giá trị đối với sản phẩn từ nông nghiệp hữu cơ; có biện pháp ngăn chặn các chất cấm, các sản phẩm phi hữu cơ, độc hại trà trộn vào thị trường để nông dân yên tâm sản xuất, góp phần làm ra những sản phẩm sạch cho thị trường.
Đặng Thành