ClockThứ Hai, 19/09/2016 10:22

Chịu cảnh “ăn đong” – dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD

Chịu cảnh thiếu đơn hàng, hết tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may mới đạt 18,7 tỷ USD, tương đương 64,5% kế hoạch cả năm.

Thiếu đơn hàng, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất... là những vấn đề mà dệt may - một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước đang gặp phải. Trong năm 2016 này, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD nhưng với tình hình hiện tại, con số này rất khó có thể đạt được. Trước hàng loạt khó khăn, các chuyên gia trong ngành đánh giá, 2016 sẽ là năm mà ngành dệt may có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lâm vào cảnh thiếu đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm. (Ảnh minh họa: Internet)

Tổng Công ty May Hưng Yên hiện có 13 doanh nghiệp với hơn 14.000 lao động. Mục tiêu xuất khẩu mà Tổng Công ty đặt ra trong năm nay là đạt 280 triệu USD, nhưng hết tháng 8 vừa qua mới chỉ đạt 160 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, doanh số mà Tổng Công ty kỳ vọng đạt được rất khó có thể trở thành hiện thực.

Một trong những khó khăn ảnh hưởng tới sự tăng trưởng xuất khẩu đó là tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này số lượng đơn hàng của Tổng Công ty đủ cho cả 13 công ty con làm gia công cả năm, thì năm nay, mới chỉ có đủ đơn hàng đến hết tháng 9, các doanh nghiệp đang trong tình trạng “ăn đong”, gom nhặt từng đơn hàng nhỏ lẻ để “cầm cự” qua ngày.

Bên cạnh đó, chính sách tỉ giá và tiền lương đang khiến các sản phẩm dệt may của Tổng Công ty nói riêng và của toàn ngành dệt may nói chung, có giá thành tăng cao hơn các nước từ 2-4%, dẫn đến các đơn hàng đang chảy dần sang các nước có lợi thế về giá. Chi phí tăng cao, đơn hàng ít, trong khi các đối tác liên tục yêu cầu giảm giá đã khiến khó khăn thêm chồng chất khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, đồng tiền Việt Nam trong những năm qua gần như không điều chỉnh hoặc điều chỉnh rất ít. Trong khi đó tất cả các nước khác đều điều chỉnh hạ giá đồng tiền của họ xuống từ 18-20%, vì thế hàng hóa của họ rẻ hơn tới 20% so với hàng của Việt Nam.

“Khách hàng họ yêu cầu, hàng Việt Nam nếu muốn có khách thì phải hạ giá tương đương với các nước khác, ít ra hạ giá từ 18-20%. Thậm chí nhiều đơn hàng chúng tôi phải hạ giá tới 30% nhưng khách hàng vẫn rút sang các thị trường khác”, ông Dương nêu khó khăn.

Hiện, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang trong tình trạng ngóng trông đơn hàng khi mà các đối tác đã chuyển mục tiêu sang các nước lân cận. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ nhận được đơn hàng đến hết quý III với số đơn hàng còn khá nhỏ lẻ. Tình hình đó đã buộc ngành dệt may phải điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu năm nay xuống còn 29 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với kế hoạch 31 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, ngay cả với con số đã được điều chỉnh giảm này, ngành dệt may Việt Nam cũng khó đạt mục tiêu đề ra vào cuối năm nay. Bởi tính đến hết tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành mới đạt 18,7 tỷ USD, tương đương 64,5% kế hoạch cả năm, mức tăng trưởng chỉ đạt 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng của ngành Dệt may luôn ở mức 2 con số.

Bên cạnh những nguyên nhân từ bên ngoài như những biến động của nền kinh tế thế giới; đồng tiền của một số nước bị phá giá khiến việc xuất khẩu gặp bất lợi; sức mua giảm; các Hiệp định thương mại mà ngành Dệt May có thể được hưởng lợi như TPP và FTA chưa có hiệu lực thi hành thì mức lương tối thiểu tăng, bảo hiểm tăng cũng góp phần làm tăng chi phí của doanh nghiệp một cách đáng kể.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Đức Giang chia sẻ, Công ty may Đức Giang cũng như nhiều đơn vị khác đều gặp những thách thức lớn khi thị trường tăng tính cạnh tranh, giá đơn hàng giảm, số lượng đơn hàng trên thị trường bắt đầu bão hòa.

“Số lượng đơn hàng ngày trước lớn nhưng bây giờ đã ít hơn, việc tìm kiếm đơn hàng trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn, thời hạn giao hàng yêu cầu phải nhanh hơn, chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt trong năm 2016, thực hiện chế độ lương tối thiểu, bảo hiểm tăng lên nhiều cho nên hầu hết các doanh nghiệp đều phải chi một số tiền rất lớn cho lương, bảo hiểm cho người lao động. Từ những điều đó sẽ trở thành vấn đề cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh”, ông Dũng đưa ra hàng loạt trở ngại.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Việc thiếu đơn hàng trước mắt các doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được, nhưng từ nay đến cuối năm, lượng đơn hàng có thể sẽ ít đi, khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Cũng theo ông Cẩm, để khắc phục những khó khăn trước mắt, mỗi doanh nghiệp cần có những chiến lược và những nước đi bài bản để tự “cứu” lấy mình, đồng thời các doanh nghiệp dệt may cần chia sẻ khó khăn và liên kết lại với nhau để có đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

“Hiệp hội đã xác định, với nhiệm vụ còn lại của 4 tháng cuối năm, các doanh nghiệp phải cố gắng rất nhiều. Hiệp hội đã thông tin đến các doanh nghiệp, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để nâng cao năng suất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tránh cạnh tranh nội bộ, nâng cao tính liên kết, phối kết hợp với nhau để có thể chia sẻ các đơn hàng. Làm sao từ nay đến cuối năm, dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 2,66 tỷ USD/tháng thì nhiệm vụ còn lại của năm 2016 mới có thể hoàn thành”, ông Cẩm đưa ra lộ trình.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, toàn ngành dệt may vẫn cần những bước đầu tư căn bản và đồng bộ để không chỉ thoát khỏi khó khăn trước mắt mà còn tăng trưởng nhanh, lâu dài và bền vững.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023

Theo số liệu sơ bộ do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 24/1, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2023, đạt mức cao kỷ lục, phản ánh các lô hàng xuất khẩu ô tô mạnh mẽ và sự ảnh hưởng của đồng yen yếu.

Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023
Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

Những ngày đầu năm 2024, đơn hàng xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại. Các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tái khởi động, tìm cách để có thêm những đơn hàng mới trong thời gian tới nhằm ổn định sản xuất, phát triển.

Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

TIN MỚI

Return to top