ClockThứ Năm, 15/07/2021 13:15

“Chống giặc”, phải cùng nhìn về một hướng

TTH - Thời gian qua, báo chí và dư luận dậy sóng về câu chuyện “Công dân Huế không xuống được ga Huế, phải ra ga Đông Hà (Quảng Trị) và phải cách ly 21 ngày tại Lao Bảo”.

Nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID - 19

Cùng với “5K”, tiêm vắc-xin cũng đang được tích cực triển khai tại Huế

Ngay sau khi rộ lên thông tin này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho kiểm tra, tổ chức họp báo nói rõ bản chất vấn đề, đồng thời đã cử đoàn ra Quảng Trị để làm việc, tiếp nhận số công dân trên về Huế cách ly theo nguyện vọng. Vậy nhưng, câu chuyện vẫn chưa chịu chấm dứt mà tiếp tục được “khai thác”, mổ xẻ, nhất là trên mạng xã hội (MXH), trong đó có sự tích cực tham gia của những cây bút đang công tác tại các cơ quan báo chí, những nhà báo đã hồi hưu, hay những người đã/đang công tác ở cơ quan này, tổ chức khác…

Theo dõi câu chuyện, thú thật, tôi không khỏi ngạc nhiên. Với những diễn biến khó lường, phức tạp, dai dẳng và cực kỳ nguy hiểm của dịch COVID-19, Chính phủ đã và vẫn đang xác định “Chống dịch như chống giặc”! Mà đã chống giặc thì phải áp dụng luật “thời chiến”. Tất cả phải nhất nhất tuân lệnh của người chỉ huy, cùng nhìn về một hướng, cùng đồng tâm hợp lực, dũng cảm, trách nhiệm thì mới có thể giành được chiến thắng. Trong đó, công tác tư tưởng bao giờ cũng đóng vai trò quyết định then chốt. Câu cửa miệng “tư tưởng không thông cái bình toong cũng nặng” là ý nói điều này.

Với câu chuyện “Công dân Huế ra cách ly Quảng Trị” như vừa đề cập, cho dù là có thật đi nữa thì việc viết, đăng thông tin ấy là có thật cần thiết, có thật ích lợi cho sự nghiệp chống giặc COVID-19, nhất là trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như hiện nay? Vậy nhưng những thông tin như vậy đáng tiếc là đã không được kiểm soát mà vẫn xuất hiện. Càng tệ hơn khi vỡ ra đấy vẫn là thông tin 1 chiều, chưa được phối kiểm.

Rồi cùng với báo chí là sự “chém gió” trên MXH, tất cả đã cộng hưởng, tạo ra một luồng dư luận rất nhiễu, rất dễ gây mất đoàn kết vùng miền, làm méo mó hình ảnh bộ máy chính quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc chống dịch,…

Bài học cơ bản “viết cho ai, viết như thế nào, viết để làm gì?...” xem chừng không ít người vẫn chưa/hoặc cố tình chưa thuộc (?!!).

Đây nên là bài học kinh nghiệm chung cho báo chí, truyền thông để còn  ứng xử với nhiều câu chuyện, nhiều tình huống khác có thể có sau này. Còn trước mắt, phải xốc lại vì mục tiêu chung: đánh thắng lũ giặc mang tên COVID-19!

Bài, ảnh: Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cho bà Yoo Soo Yeon

Chiều ngày 22/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã có buổi tiếp và trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Bà Yoo Soo Yeon, Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cho bà Yoo Soo Yeon
Return to top