ClockChủ Nhật, 29/12/2019 07:24

Đi dưới những tán rừng trong thành phố

TTH - Một mật độ cây xanh lớn tạo nên một đô thị xanh, giảm bớt cái nắng gắt ngay giữa “chảo lửa” của miền Trung trong những tháng nóng nhất. Những “rừng cây” làm diện mạo đô thị Huế vốn trầm mặc lại càng yên tĩnh, trầm mặc hơn.

Giữ “hồn" Huế khi đô thị hóaĐô thị Huế phải đẹp và sang trọng

 

Những chiếc xe máy đánh lái đưa các vị khách vào cung đường Lê Duẩn, dọc sông Hương. Hai bên đường tán những cây phượng che bao phủ trên nền trời xanh thẳm. Mặt trời trong thành phố hầu như chỉ len lỏi qua các kẽ lá, ngọn cây. Không khí và cái nắng oi bức tự dưng mất hẳn thay vào đó là một sự dịu mát, thoáng đãng. Dọc sông Hương, những hàng cây lớn nằm ven sông tạo ra một mảnh rừng nhỏ ngay giữa lòng thành phố. Không nhiều thành phố ở Việt Nam có được mật độ cây xanh và những công viên kiểu một khu rừng thu nhỏ giữa thành phố như vậy.

Một buổi trưa tháng 5, tôi gửi xe trong một bảo tàng ở đường Lê Lợi rồi cuốc bộ dọc bờ Nam sông Hương, qua cầu Trường Tiền đi theo công viên Thương Bạc lên đến bến Nghinh Lương Đình. Cái nắng gắt, oi bức của chảo lửa miền Trung không cản được người đi bởi sự che chắn của những tán cây. Nhiều vị khách ngoại tỉnh cũng tỏ ra thú vị với việc tản bộ dưới các tán cây trong cái nắng gắt. Đi dưới những tán rừng trong thành phố, một kiểu trải nghiệm ít ai có thể thực hiện được nếu như không đặt chân đến Huế. Tôi nghĩ, đó là một sự trải nghiệm thú vị.

Những tán cây, rừng cây dọc sông Hương hay những con phố được che bởi cây xanh đã làm cho bộ mặt đô thị Huế trở nên đặc biệt hơn, xanh hơn. Những cục bêtông thô kệch vốn có của đô thị nay nằm ẩn mình trong các rừng cây. Cây xanh và mật độ cây xanh nhiều đã che khuất các tảng bêtông để đô thị Huế như lạc vào một khu rừng thực sự nếu như ai đó ngắm phố phường từ trên cao.

Những người bạn của tôi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể đưa hình ảnh những công trình chọc trời để khoe và minh chứng cho sự phát triển hiện đại của đô thị nơi họ sinh sống, thì tôi lại có một đặc sản khác. Những gốc cây xà cừ 3-4 người ôm mới xuể, những tán cây rộng che chắn một khoảnh công viên, góc đường đó là những thứ mà thành phố Huế có thể tự hào để khoe với các đô thị khác. Và, đó là một giá trị tồn tại bền lâu với thời gian, với những giá trị sống đích thực chứ không phải là những kiểu nhà chọc trời, hay các công trình lấn sự sống của cây xanh.

Khi các đô thị lớn đang vật lộn với không khí ô nhiễm, bụi bẩn, bụi mịn… thì chất lượng không khí của đô thị Huế khiến cho người dân an lòng. “Trong tuần qua, chất lượng không khí ở TP. Huế luôn ở mức tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe, tự do thực hiện các hoạt động ngoài trời”, một thông báo do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh được phát đi, làm an dân giữa những dòng thông tin về bụi mịn ảnh hưởng đến người dân ở các đô thị khác.

Những trạm quan trắc đặt một vài điểm trong thành phố Huế đưa kết quả khả quan cho người dân. Có được chất lượng không khí tốt như vậy là nhờ vào mật độ cây xanh mà đô thị Huế có được.

Thành phố Huế đang hướng đến như một đô thị xanh trong tương lai với những tán rừng trong đô thị và các phương tiện thân thiện với môi trường. 64.000 cây xanh đường phố, là khối tài sản lớn mà Huế có được. Mật độ này vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1. Không nhiều đô thị có được diện tích cây xanh như vậy.

Đô thị Huế đang được tính toán để mở rộng, nhiều cuộc thảo luận được tổ chức nhằm tính toán cho Huế có một diện mạo mới. Đô thị di sản là hướng mà các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn cho Huế.

Khi những ngôi nhà cổ kính, rêu phong, nơi vướng màu thời gian, những kiến trúc xưa cũ nằm lặng yên dưới các tán cây buộc thời gian phải ở lại, đó sẽ là khung cảnh đẹp cho Huế trong tương lai.

Nguyễn Đắc Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
''Trồng một tỷ cây xanh' trên hành trình 'về đích''

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã và đang quyết tâm đưa Đề án "Trồng một tỷ cây xanh" (Đề án) của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 "về đích" đúng hẹn.

Trồng một tỷ cây xanh trên hành trình về đích
Return to top