ClockThứ Năm, 04/04/2019 07:00

Định hình lại cách thức tổ chức Festival Huế

TTH - Festival Huế đã tròn 10 kỳ tổ chức. Phải khẳng định, Huế không thể thiếu festival, tuy nhiên, cách thức tổ chức cần có sự định hình lại để phù hợp với thị hiếu và xu hướng phát triển.

Festival Huế đã trở thành thương hiệu

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế luôn được đầu tư về mặt chất lượng. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Những hạn chế

Mục tiêu tổ chức Festival Huế là nhằm tạo ra một sự kiện để kích cầu du lịch. Để có cái nhìn đa chiều hơn về hiệu quả của festival, cần có những đánh giá khách quan từ những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đang khai thác du lịch. Qua 10 kỳ được tổ chức, Festival Huế đang ở vị trí nào trong lòng công chúng và du khách gần xa; festival có còn được chờ đợi như những kỳ đầu tiên?... Đó là những câu hỏi cần được mổ xẻ để có những điều chỉnh phù hợp.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Chi nhánh Huế cho rằng, so với trước, Festival Huế đang giảm dần sức hút. Nội dung các chương trình, lễ hội khá giống nhau qua các kỳ khiến du khách đánh giá festival đã cũ và dù đến Huế dịp lễ hội cũng sẽ như các năm trước. Đó là lý do chủ quan, còn về khách quan, sự cạnh tranh giữa các lễ hội cùng được tổ chức vào một thời điểm khiến lễ hội nghiêng về văn hóa truyền thống như Festival Huế không thể cạnh tranh nổi với loại hình nghệ thuật đương đại, có tính giải trí cao hơn. Đó là đánh giá của những người khai thác festival để phát triển du lịch, đưa khách về cho Huế.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế (đơn vị thường trực Ban tổ chức các kỳ Festival Huế đã qua) cho biết, mỗi festival có một đặc trưng riêng, khung chương trình cố định, chỉ có thay đổi về đoàn nghệ thuật, chứ không riêng gì Festival Huế. Vấn đề là phải gia công cho từng tiết mục, chương trình nghệ thuật như thế nào để phù hợp với thị hiếu và đáp ứng được nhu cầu của khách.

Định hướng những kỳ Festival Huế tiếp theo là tăng chất lượng cho lễ hội đường phố

Theo ông Đạt, tiêu chí này đối với Festival Huế không dễ. Các chương trình, lễ hội chính mang điểm nhấn được đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực, thời gian, với sự phối hợp của nhiều đơn vị, dàn dựng công phu, nhưng luôn gặp phải những thách thức về thực tế thưởng ngoạn, hoặc có những vấn đề về mặt công nghệ tổ chức sự kiện, chiến lược phát triển và định giá sản phẩm. Với Festival Huế, luôn có một khoảng cách giữa ý đồ của nhà tổ chức và khán giả, tức một bên thông qua đó để quảng bá di sản, thử nghiệm về cách thức bảo tồn và phát huy di sản, một bên là khán giả, những người “tiêu dùng” với tiêu chí hàng đầu được họ quan tâm là tính hấp dẫn của chương trình.

Mục tiêu quan trọng khác của Festival Huế là từ những lễ hội, chương trình được tổ chức, sau đó có những điều chỉnh phù hợp để trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách thường xuyên. Nhưng qua 10 kỳ, số chương trình được khai thác gần như không có, hoặc có cũng ngừng hay chuyển sang một hình thức khác.

Theo Trung tâm Festival Huế, festival tụ hội những chương trình chưa bao giờ được diễn và ngày thường không diễn được thì mới có thể thu hút công chúng. Còn những chương trình hằng ngày mang tính đơn giản hơn, cách dàn dựng, thời lượng và khía cạnh nghệ thuật cũng có sự khác biệt. Thách thức đối với các chương trình là tái hiện lịch sử, đặc biệt là những nghi lễ dễ gây phản ứng trong cộng đồng. Cách làm tái hiện lịch sử trong du lịch vẫn cần có thời gian thử nghiệm, để công chúng thích nghi chương trình mang tính trình diễn chứ không phải nghi thức nguyên bản.

Thay đổi để phù hợp

Ông Huỳnh Tiến Đạt nhìn nhận, Festival Huế luôn hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng nên nhận được sự đồng cảm và tham gia tích cực của người dân Huế. Chương trình có hàm lượng văn hoá cao, bảo đảm mục tiêu chính là nhận dạng được thương hiệu Huế. Tuy nhiên, dù đã có những thành công nhất định, song Festival Huế vẫn là bài toán khó, cần tiếp tục nghiên cứu để có lời giải chuẩn, tiếp tục hoàn thiện để hiện tượng văn hoá mới này thực sự trở thành một sự kiện văn hoá điển hình, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập văn hóa quốc tế.

Để làm được điều này, nhiều khía cạnh của Festival Huế cần được thay đổi. Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết, thay đổi lớn nhất của các kỳ Festival Huế tiếp theo là sẽ tổ chức tinh gọn hơn. Hiện tại, Huế đang xây dựng đề án Festival bốn mùa, nên những chương trình có thể tổ chức vào dịp khác thì sẽ tách ra, chứ không dồn dập tổ chức trong 6 ngày, khiến du khách thưởng thức và trải nghiệm không hết, như “Hương xưa làng cổ”, “Chợ quê ngày hội”, lễ hội thiếu nhi… sẽ tổ chức vào các thời điểm khác phù hợp hơn, tạo ra các điểm nhấn thu hút khách liên tục trong năm.

Ngay từ ban đầu, ý tưởng tổ chức Festival Huế được ấn định vào thời gian thấp điểm của du lịch Huế để kích cầu. Những kỳ gần đây, Ban tổ chức luôn chọn thời điểm gắn với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Điểm mạnh của sự lựa chọn này là festival không ảnh hưởng đến ngày làm việc của cán bộ, công chức và sinh hoạt học tập của học sinh, sinh viên. Đây cũng là mùa du lịch của khách nội địa, vì thế, du khách đến Huế trong kỳ nghỉ sẽ có cơ hội kết hợp thưởng thức các chương trình nghệ thuật của festival, giúp việc quảng bá nét đẹp văn hóa và thế mạnh của địa phương được tốt hơn. Nhưng đây lại là thời điểm các khách sạn thường xuyên “cháy phòng”, kể cả khi không có festival, nên không góp nhiều vào doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ.

Một thay đổi khác là các hoạt động hưởng ứng mang tính dân gian được trả về đúng vị trí, không còn tổ chức đúng vào dịp Festival Huế vì sẽ làm rối nội dung tổng thể của lễ hội. Thay vào đó, lễ hội đường phố sẽ được ưu tiên phát triển. Trung tâm Festival Huế cho biết, những kỳ tiếp theo và gần nhất là Festival Huế 2020, sẽ khoanh vùng các quốc gia, đề nghị cử các đoàn chuyên về đường phố để thuận lợi trong quy hoạch đường đi, sân khấu và loại hình nghệ thuật. Còn trước đây, các quốc gia cử đoàn sang rồi mới lựa chọn, điều này có phần bị động và chất lượng chương trình cũng không cao.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm lại mình trong chiếc áo dài

Tuổi thơ tôi in đậm hình bóng mạ khi người vuốt lại áo dài cho phẳng phiu để đi ra ngoài. Thời ấy, với các loại vải nội hóa vừa với túi tiền, mạ tôi may mấy cái áo dài màu khói hương, da chai, mỡ gà, tím sim, phin vải trắng… Hễ ra khỏi nhà là mạ lại mặc áo dài tùy vào công việc.

Tìm lại mình trong chiếc áo dài
Festival Huế - sứ mệnh & tầm nhìn

“Festival” đã trở thành một từ quá quen thuộc trong tâm thức người dân, bởi rất nhiều festival đủ thể loại đã xuất hiện ở Việt Nam (hoa, biển, pháo hoa, lúa gạo, trà, võ cổ truyền, tơ lụa - thổ cẩm, dừa, cà phê…). Festival nhiều nơi làm, cũng không ít festival xuất hiện một lần rồi biến mất. Do vậy có lẽ đã đến lúc nhìn lại và suy ngẫm.

Festival Huế - sứ mệnh  tầm nhìn
“Tình Huế ngày Đông”

Tối 15/12, trong không gian sân vườn lung linh, huyền ảo của Phủ Nội vụ- Đại Nội Huế, khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Tình Huế ngày Đông” - sự kiện nghệ thuật khép lại Festival Huế mùa Đông 2023 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức.

“Tình Huế ngày Đông”
Return to top