ClockChủ Nhật, 06/11/2022 14:38

Đôi mắt chiều Bến Ngự

Nắng vãn bên sông...Chùa làng tôi

Làm sao câu hát “Ai về Bến Ngự” lại đằm lắng day dứt đến thế. Khi xưa tuổi trẻ mơ mộng chốn sương gió ở xa thật không thể hình dung mường tượng nổi thứ cảm giác ấy. Nhưng từ khi đi đi về về mỗi ngày qua chợ Bến Ngự bữa nắng như rang, bữa mưa như trút nước, mới hiểu được khúc mắc trong lòng mình, sao lại vướng víu nhiều hệt những sợi tơ chùng chình giăng mờ mờ ảo ảo như ánh đèn đêm nhiều sắc màu ở khắp thành phố nhỏ này.

Mà nhớ thì cũng chỉ dám nhớ một đôi mắt, hai nụ cười, hoặc là giọng nói đặc sệt chất Huế, lướt qua mặt mình, tai mình mỗi ngày, rồi ghi dấu có khi cười mỉm khoái trá, nếu lỡ có nghe tiếng một o bán cá oang oang nói giữa chợ, có khi lặng lẽ len lén mà thương trong dạ mệ già bán chuối, hay rau dưa buổi xế trưa. Những đôi mắt vừa lạ vừa quen. Những đôi mắt Huế miên man hằn in vết dấu của một kiếp người mưu sinh vất vả giữa đời tất bật.

Đôi mắt mà mình muốn nhắc nhớ là đôi mắt mờ đục của mệ bán hàng rong gầy gò bên chợ Bến Ngự, tay run run lần từng đồng tiền lẻ ít ỏi. Đôi mắt mình nhớ là đôi mắt hoang vu cô độc, lặng lẽ của mệ bán vé số đơn độc bên góc đường Phan Đình Phùng. Đôi mắt mình nhớ là đôi mắt của những lần vội vã ghé qua chợ dưới cơn mưa trắng xóa trời xứ sở quê hương. Mưa của Huế. Mưa ở Bến Ngự. Mưa dắt díu lem nhem vệt chân chim của tuổi tác trong những đôi mắt người già giấu dưới vành quai nón sờn cũ ngoài chợ trời.

Mình tưởng mình đã đủ cứng cáp để không phải thảng thốt trước một ánh mắt, hoặc một câu hò nặng trĩu giai điệu ngấm ngầm trong máu thịt. Hay có khi chỉ rủ rỉ dăm ba câu ca “mắt Huế xưa” thương thương chầm chậm trong một buổi chiều mưa xám, cũng khiến lòng người gần xa thắt ruột thắt gan. Ấy thế mà, mình lại nhận ra rằng, huống chi mình bao năm qua đã gắn bó với đất, với người, với sông, với núi. Huống chi mình còn quen đến từng góc chợ, góc đường, quen đến cả màu trời sắc áo, quen đến cả những chiếc nón lá sờn cũ của các o, các mệ. Huống chi, mình có một nửa dòng máu sông Hương núi Ngự đang chảy trong huyết quản của mình.

Sau những ngày mưa xám, không thấy đường đi lối về. Mình hình dung đến đôi mắt đó, đôi mắt mờ đục của mệ bán hàng rong bên vệ đường chợ Bến Ngự. Khá lâu, mình không ghé lại vì bận bịu công việc, vì ham rong ruổi tuổi trẻ. Một ngày mưa mình chạy qua hàng rau hàng chuối, gọi mệ ời mệ ơi, tưởng lạ mà quen, quen lắm. Hóa ra chỉ mới dăm ba khoảnh khắc hôm qua hôm nay thôi, đã thấy thân xác người càng nhỏ bé thêm, mắt càng mờ đục hơn. Mình ngây ngô nói nhỏ bên tai người bạn, “mới thấy đôi mắt mệ còn tỏ, còn sáng lấp lánh như nước sông Hương ngày nắng đó mà”. Rồi mình lặng lẽ, ưu tư xa xót trước những biến chuyển của thời gian, khiến những cơn mưa vội vã hơn. Mình nhìn thấy những hình dáng chao nghiêng của mồ hôi và nước mắt một chiều ở Bến Ngự.

Sau mấy ngày mưa lớn, sớm thức dậy bước chân lội nước ra đến con đường Phan Đình Phùng, thấy mặt sông đã bằng mặt đường. Chợ Bến Ngự liệu có còn đông đúc người người bán mua, người người lại qua? Bất giác mình muốn tìm lối đi khác để ghé chợ Bến Ngự, để gặp người có đôi mắt mờ đục dưới vành nón lá yếu ớt cất tiếng mời chào, để mua dù chỉ một nải chuối cho mệ ấm lòng. Nước rồi cũng rút. Nắng lại thay mưa chơi trò chơi lấp lánh. Nắng cũng lấp lánh. Mưa cũng lấp lánh. Hệt như một dải ánh sáng trong đôi mắt người đó vậy.

Xưa còn thơ bé, mình hay nghe dầm dề câu hát, “Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng/ nhớ chăng non nước Hương Bình. Có những ngày xanh lưu luyến bao tình”, giờ mới hiểu thứ giai điệu da diết ấy đã khiến mình ngơ ngẩn thế nào? Rồi mình nhớ ra khoảng thời gian phiêu bạt chân trời góc bể. Có lần ngồi thơ thẩn lòng nặng trĩu nhớ những đôi mắt mưa, mắt nắng ở chợ Bến Ngự, nhớ cả chính mình giữa lòng đất trời xứ Huế.

TRẦN BĂNG KHUÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top