ClockChủ Nhật, 27/03/2016 18:35

Tự hào gia đình người lính Gạc Ma

TTH - Khi anh Trần Văn Tự (xã Phú An, huyện Phú Vang) người lính Gạc Ma năm xưa tử nạn trên đường mưu sinh, gia đình của anh đã phải đương đầu với không biết bao nhiêu khó khăn nghiệt ngã. Nhưng chị Đào Thị Thảo gánh cả phần chồng, làm điểm tựa để các con ăn học nên người.

Vượt qua nghiệt ngã

Cách đây 25 năm, khi người thương binh hạng 2, bị mất một mắt trong trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) ngỏ lời, cô thôn nữ xinh xắn không ngần ngại, gật đầu. Bây giờ chị vẫn còn nhớ cảm xúc của mấy mươi năm về trước. Xuất ngũ trở về, tuổi trẻ của anh Tự “hao khuyết”. Đồng ý “chung đường” với anh, có nghĩa phải sẵn sàng chấp nhận những khó khăn. Nhưng phần máu thịt, sức khỏe ấy anh đã cống hiến cho Tổ quốc, nên đối với chị điều đó thật đáng tự hào. Người phụ nữ mộc mạc, giàu tình cảm và chịu thương chịu khó bỏ nghề chằm nón, cùng chồng thức khuya dậy sớm làm bánh bao bán.

Từ ngày chồng mất, chị Thảo là điểm tựa cho các con

Hằng ngày, khi công việc làm bánh, hấp bánh hoàn thành, anh chất thùng bánh bao thơm nóng lên chiếc xe máy cà tàng, rong ruổi trên mọi ngả đường cho đến mờ sáng hôm sau mới trở về, chị ở nhà tiếp tục những công việc không tên, vun vén cho gia đình. Bốn đứa con lần lượt chào đời, ngày một lớn lên. Cả bốn đứa đều ham học, học giỏi. Cuộc sống tuy vất vả, chật vật nhưng vợ chồng con cái tựa vào nhau, yêu thương, hạnh phúc. Cách đây 7 năm, tai họa giáng xuống tổ ấm đơn sơ ấy.

Nửa khuya hôm đó, khi kim đồng hồ nhích qua ngày mới, chị Thảo nhận điện thoại của người trong làng (cùng đi bán bánh bao) báo tin anh Tự đang trên đường về nhà thì bị người ta uống rượu say tông vào, tại đường Bà Triệu (TP Huế). Nghĩ anh chỉ bị thương, chị không đánh thức các con. Nhưng khi một mình đến nơi, chị quỵ ngã vì chồng đã không còn. “Trước nỗi đau, mất mát quá lớn, sức lực tui kiệt quệ, thường xuyên ngất xỉu. Tui chỉ muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nếu tui không gượng dậy thì các con làm răng tiếp tục học hành?” - chị Thảo kể trong nước mắt.

Không ít lần gạo trong thùng hết sạch, đến bữa phải chạy đi mượn hàng xóm, nhưng người phụ nữ “chân yếu tay mềm” đã cùng các con cứng rắn vượt qua tất cả. Không còn đôi vai của chồng cùng chung gánh mưu sinh, chị quay về với nghề chằm nón, một mình xuống ruộng cấy lúa, làm cỏ..., làm tất tật những gì có thể, góp nhặt ngày vài chục nghìn đồng, để các con được học hành. Không phụ lòng cha mẹ, cô con gái đầu Trần Thị Hảo (sinh năm 1992) đã tốt nghiệp Cử nhân điều dưỡng Đại học Y Dược Huế. Cô con gái thứ hai Trần Thị Mộng Kiều (sinh 1995) đang là sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế. Con trai thứ ba Trần Văn Hào (sinh 1996) là sinh viên Trường đại học Khoa học Huế và cô con gái út Trần Thị Kiều Oanh (sinh 1998) đang học lớp 12.

Biết yêu thương, san sẻ

Chiều muộn, nhưng nhà vẫn “vắng lặng”. Chị Thảo ngồi trên thềm chăm chú chằm nón. Cô con gái út xếp lại bài vở đi vo gạo, nhặt rau. Người phụ nữ ngẩng lên, mắt ánh tự hào kể rằng, từ lần chị ngất xỉu ngoài ruộng, cậu con trai dứt khoát không cho mẹ bước chân xuống ruộng thêm lần nào nữa. Ngoài giờ học ở trường và ở nhà, Hào gánh vác hết công việc ruộng trưa nặng nhọc, phụ thợ nề, kiếm thêm tiền phụ mẹ mưu sinh. “Hôm nay cả Hào và Kiều đều bận ở lại trường chuẩn bị cắm trại dịp 26/3. Chứ bình thường giờ ni cũng không có mặt thằng Hào ở nhà mô. Hắn học về là ra ruộng bẫy chuột…”

Cô con gái út giúp mẹ việc nhà.

Kể từ ngày cha mất, mẹ đau buồn quá, sức khỏe sa sút, dù còn ít tuổi nhưng cậu con trai duy nhất trong nhà trở thành trụ cột. Các chị gái, em gái của Hào cũng “một tay một chân” giúp mẹ. “Mấy năm nay, tui giữ trẻ thuê cho người trong thôn, mỗi lần 1, 2  cháu. Buổi chiều trả các cháu về cho gia đình, tui quay qua chằm nón. Các con tui cũng xúm vô làm. Các con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang lại biết yêu thương, chia sẻ như rứa, gia đình tui mới vượt qua được những khó khăn, nghiệt ngã. Có lẽ, ba các cháu cũng yên lòng”.

Chị Thảo tâm sự, năm học lớp 11, cô con gái út bị bệnh khớp nặng, sức khỏe yếu. Bác sĩ khuyên nên nghỉ học, nhưng cả mẹ và con đều nhất quyết không chịu. Vậy nên, dù mơ ước được học đại học tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cuối cùng Oanh cũng nghe lời mẹ, sẽ ôn luyện để thi vào Trường đại học Kinh tế Huế. Cô bé nói, cố gắng học thật tốt, tin rằng người nào cũng có lối đi cho riêng mình. Có lẽ cũng với suy nghĩ đó nên khi cơ hội việc làm ở quê nhà quá khó khăn, chị cả Trần Thị Hảo cầm tấm bằng Cử nhân điều dưỡng, tiếp tục “khăn gói” ra Hà Nội học tiếng Nhật để sang xứ sở Hoa Anh Đào khởi nghiệp. Qua điện thoại, Hảo chia sẻ, biết xa mẹ, xa gia đình là thương là nhớ, nhưng cô sẽ cố gắng vượt lên. Hảo dự tính sang Nhật vừa học vừa làm trong khoảng 5 năm. Khi trong tay có chút vốn liếng và kinh nghiệm, cô sẽ quay về tìm kiếm cơ hội ngay trên quê nhà, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, đầm ấm bên người thân.

Quỳnh Anh - Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Huế tự hào

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, Thừa Thiên Huế vẫn là địa phương mang trên mình nhiều vết thương của chiến tranh...

Huế tự hào
Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

Chiều 10/4, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
LÀM PHIM LỊCH SỬ:
Mạo hiểm nhưng là cơ hội tạo nên một tác phẩm tự hào

Đang bươn chải với 2 dự án phim kinh dị với kinh phí lớn là: “Mật mã 45: ma đói” và “Đồi hành xác”, mới đây đạo diễn Lương Đình Dũng lại công bố sẽ làm phim lịch sử về Nguyễn Trãi với tựa đề “Anh hùng”. Trước nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của dự án này, đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định sẽ tập trung nguồn lực để sản xuất dự án phim lịch sử “bom tấn” này.

Mạo hiểm nhưng là cơ hội tạo nên một tác phẩm tự hào

TIN MỚI

Return to top