ClockThứ Bảy, 11/07/2020 13:30

Tái cấu trúc du lịch từ tác động của COVID-19

TTH - Từ tác động COVID-19 có thể thấy, nhu cầu và xu hướng du lịch của con người sẽ thay đổi, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, dẫn tới quy hoạch, cách thức vận hành, cấu trúc sản phẩm của du lịch Huế cũng cần thay đổi tương ứng.

Kích cầu du lịch, “giữ chân” du kháchCần nhiều giải pháp chủ động hơnSẵn sàng các gói kích cầu du lịch

Huế có nhiều bãi biển đẹp, do đó cần đầu tư du lịch biển xứng với tiềm năng

Tác động lâu dài

Đã từng có nhiều nhận định khả quan cho ngành du lịch trước dịch bệnh COVID-19, du lịch sẽ sớm phục hồi và ngành “công nghiệp không khói” sẽ bứt tốc mạnh mẽ như chiếc “lò xo” bị kìm nén sau khoảng thời gian dài được bung ra.

Thực tế chứng minh, tác động của dịch bệnh đang làm thay đổi ý thức, nhu cầu du lịch của du khách và cả cách khai thác tài nguyên du lịch của các điểm đến. Điều này dẫn đến sự thay đổi về khả năng cung ứng sản phẩm và các tour tuyến. Không chỉ vậy, một tác động khác mà qua dịch bệnh này khẳng định tầm quan trọng hơn lúc nào hết, đó là cuộc cách mạng 4.0 đóng vai trò chủ đạo trong việc vận hành, dịch vụ du lịch; chi phối lựa chọn và hình thức tiêu tiền của du khách.

Nói về xu hướng du lịch mới, thời kỳ hậu COVID-19 được nhận định chia làm hai giai đoạn, trước khi dịch bệnh chấm dứt hoàn toàn và sau khi công bố hết dịch trên toàn cầu. Với cả hai thời điểm, xu hướng chung được dự đoán là du khách sẽ đi theo nhóm nhỏ, du lịch nghỉ dưỡng, hướng đến sức khỏe, du lịch sinh thái… Điều này sẽ tác động đến quy hoạch không gian, cảnh quan và thiết kế các công trình kiến trúc du lịch. Yêu cầu là phong cách kiến trúc xanh, gần với thiên nhiên, vị trí gần các khu vực có cảnh quan và hệ sinh thái nguyên sơ gắn với biển.

Diễn biến mới hơn, địa phương nào cũng kích cầu để thu hút khách nội địa nhiều hơn. Điều này thể hiện các địa phương trong cả nước đều tập trung phát triển du lịch. Tính cạnh tranh về điểm đến là khó tránh khỏi. “Miếng bánh” 90 triệu dân không hề thay đổi, nhưng phần chia sẻ lại nhiều hơn. Buộc Huế nói riêng và tất cả điểm đến phải tăng được các lợi thế cạnh bằng những khác biệt và các sản phẩm có tính mới mẻ. Điều này, dù muốn hay không mỗi điểm đến cũng phải triển khai sớm.

Về thị trường khách du lịch, đối với thị trường quốc tế của Huế đang cho thấy tính phù hợp, nhất là các thị trường chủ lực, cũng là truyền thống, ít có sự biến động. Nhưng về nội địa, tính cạnh tranh của Huế đang giảm dần. Có một kịch bản được đặt ra là dịch bệnh trên thế giới chậm kiểm soát, hoặc phải mất 2-3 năm nữa mới ổn định. Khi đó, điều có thể khẳng định, những điểm đến khai thác khách nội địa chưa tốt phải tăng tốc “vận động” thay đổi nhanh hơn.

Từ thực tế đó, cần có sự điều chỉnh để thích ứng mang tính trước mắt và lâu dài với những thách thức, cả cơ hội mới. Tái cơ cấu lại, sắp xếp các sản phẩm có sự ưu tiên và đầu tư đúng mức các sản phẩm quan trọng để phát triển đúng tầm, có chất lượng, giữ vai trò đầu tàu thu hút khách cho Huế. Dù những điều này đã được đề cập, song qua dịch bệnh thêm phần được khẳng định. Mục tiêu là Huế phải tạo ra được những cái khách cần, chứ không chỉ là cái mà Huế đang có.

Thời điểm phù hợp

Chia sẻ mới đây, PGS.TS. Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phân tích, sự phát triển du lịch của một điểm đến luôn là một quá trình trải qua 4 giai đoạn. Đó là giai đoạn khởi đầu, bùng nổ, hưng thịnh và trì trệ. Đối với du lịch, không phải chỉ luôn tăng trưởng mà sẽ suy giảm khi xảy ra tình trạng nhàm chán, điểm đến ít có sự thay đổi về sản phẩm du lịch, về chất lượng dịch vụ.

Nếu không thay đổi về cơ cấu, đầu tư “làm mới” về sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ thì du lịch sẽ không vượt qua được giai đoạn trì trệ. Do đó, quá trình phát triển của điểm đến đòi hỏi cần có những điều chỉnh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn sau giai đoạn phát triển bằng “vòng đời của điểm đến” mới; hoặc nâng cấp, làm mới từ những sản phẩm cũ. Định hướng xuyên suốt của Huế là sản phẩm văn hóa, di sản. Đây là sản phẩm cần làm mới trước tiên. Như các đối tác ở Quảng Bình, Quảng Trị thông tin, di sản Huế như “nằm lòng” khách ở hai tỉnh này, nên cần nhiều cái mới.

Trong đề án phục hồi du lịch Huế hậu COVID-19, khá nhiều giải pháp được ngành du lịch đưa ra, như đẩy mạnh đưa vào ứng dụng các tiện ích của đề án du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý lưu trú, xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Tái định vị thương hiệu du lịch Huế thông qua logo, slogan mới của ngành… Tuy nhiên, về định hướng ưu tiên cho sản phẩm chưa thể hiện sự nổi bật đúng mức.

Bên lề Diễn đàn Du lịch Huế 2020 hồi cuối tháng 5, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định thẳng thắn đánh giá, lâu nay, chúng ta xây dựng sản phẩm dựa vào di tích, chứ chưa dựa vào di sản. Chúng ta đưa khách đi tham quan một số điểm, kể một vài câu chuyện rất ít so với hồn cốt mà di sản đang có. Đó là thực tế chưa ổn và dẫn đến sự nhàm chán cho du khách.

“Chính vì thế, tư duy về sản phẩm phải được đặt ra ở hai vấn đề. Một là khai thác chiều sâu của di sản, những câu chuyện phải được kể bằng một hình thức mới; ẩm thực, các giá trị văn hóa phải được xem xét, nghiên cứu để khai thác có chiều sâu hơn. Thứ hai là khai thác được cảnh quan, những thế mạnh khác mà Huế đang có ngoài hệ thống di sản, như du lịch suối thác, phá Tam Giang được nói nhiều, qua đợt dịch này mới có điều để phát huy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để Huế tái cơ cấu điểm đến. Dịch bệnh chỉ ra được yếu điểm và cũng giúp Huế có đủ thời gian để xây dựng và chỉnh chu sản phẩm mà trước đây không có thời gian để thử nghiệm, sửa chữa. Điều này càng quan trọng hơn, khi Huế đang triển khai các giải pháp để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng văn hóa – di sản, biến lợi thế này thành sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế. Ngay thời điểm này, chứ không thể chậm hơn nữa, nếu không, Huế vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường cũ.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top