ClockThứ Năm, 22/10/2020 15:13

Đầu tư ngành mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao

TTH - Trên cơ sở phát triển Đại học (ĐH) Huế thành ĐH Quốc gia, đa ngành đa lĩnh vực, ĐH Huế cũng tập trung đầu tư, phát triển các nhóm ngành mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của địa phương, khu vực và cả nước.

Cung cấp hàng chục ngàn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao trên toàn quốcSẽ đáp ứng 3 yêu cầu chính là kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữNâng chất lượng nguồn nhân lực

Đào tạo công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Phát triển cả lượng lẫn chất

Đến tháng 10/2020, ĐH Huế có gần 150 ngành đào tạo bậc ĐH, 102 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 55 ngành đào tạo tiến sĩ. Số lượng ngành nghề của ĐH thuộc tốp cao, đa dạng về lĩnh vực ngành nghề theo đúng định hướng phát triển thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, phấn đấu trở thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, xét về diện và lượng, ĐH Huế có khá đầy đủ các ngành nghề như y dược, sư phạm, nông lâm, luật, kinh tế, ngoại ngữ… thì về mặt chất, ĐH Huế đã và đang tập trung các ngành có thế mạnh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

ĐH Huế tập trung đầu tư cho nhiều nhóm ngành được xem là mũi nhọn và có thế mạnh như công nghệ thông tin (CNTT), du lịch, y dược… Chỉ xét riêng với nhóm ngành CNTT, cùng với Khoa CNTT (Trường ĐH Khoa học), ĐH Huế có nhiều đơn vị đào tạo một số ngành CNTT là Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Viện đào tạo mở và CNTT, tổng quy mô (đến năm 2020) khoảng 1.840 sinh viên. “Điểm đặc biệt những năm gần đây là đào tạo CNTT gắn với doanh nghiệp từ giai đoạn thiết kế chương trình, giảng dạy trên lớp, thực tế, thực tập, đáp ứng chuẩn đầu ra của thị trường lao động”, PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học chia sẻ.

Gắn doanh nghiệp vào quá trình đào tạo giúp gia tăng chất lượng đối với nhiều nhóm ngành, trong đó có nhóm ngành du lịch. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch - ĐH Huế cho biết, ngay trong năm nay, khoa tuyển sinh 4 chương trình đào tạo ĐH theo cơ chế đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và các chuyên gia trong quá trình đào tạo, nhằm tăng khả năng thích ứng nhanh với nhu cầu công việc ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp, bằng việc tăng thời gian thực hành, thực tập tối thiểu là 50% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Hiệu quả của đào tạo giải quyết bài toán “khát” nhân lực chất lượng hiện nay và trong tương lai của các nhà tuyển dụng.

“Ngay trước các đợt xét tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng về khoa và tuyển hàng trăm sinh viên”, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn thông tin. Theo cán bộ đại diện Phòng Hành chính – Nhân sự Công ty cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà, đối vị trí quản lý, cần trình độ ĐH, được đào tạo bài bản và sinh viên Khoa Du lịch có lợi thế hơn các trường nghề.

Đóng góp nguồn nhân lực chất lượng

ĐH Huế đang phấn đấu trở thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, đồng thời đã xây dựng các đề án, chiến lược liên quan. Trong buổi làm việc với ĐH Huế (tháng 7/2020) về việc thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia và Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/2/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhấn mạnh, ĐH Huế phải trở thành động lực phát triển của vùng.

ĐH Huế đang làm tốt nhiệm vụ của một ĐH Vùng hướng tới ĐH Quốc gia, trong đó đóng góp nguồn nhân lực rất lớn không chỉ cho địa phương, khu vực mà còn của cả nước. Chỉ trong 5 năm (2015 – 2020), ĐH Huế đã có 76.903 sinh viên tốt nghiệp ĐH, bổ sung nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Mới đây, dù điều kiện năm 2020 có nhiều bất lợi do dịch bệnh và bão lũ, nhưng Trường ĐH Y dược đã đóng góp thêm cho xã hội 1.470 tân bác sĩ, dược sĩ, cử nhân trong ngành y tế. Lực lượng này sẽ đi khắp mọi miền đất nước để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.

5 năm tới, tỉnh nhà rất cần nguồn nhân lực để thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương trong chiến lược phát triển 5 năm tới đây cũng đều lấy nguồn nhân lực là khâu đột phá. Vì thế, ĐH Huế đang nắm bắt nhu cầu này để trở thành động lực phát triển của từng địa phương và của cả vùng.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, trên tinh thần Nghị quyết 54, ĐH Huế cũng có chiến lược phát triển đào tạo, cơ cấu lại ngành nghề. Đặc biệt, sẽ đầu tư thích đáng cho một số ngành mũi nhọn, trọng điểm và có tính đặc thù, phục vụ nguồn nhân lực cho địa phương, khu vực và cả nước.

Hiện, các nhóm ngành đào tạo về CNTT và du lịch đã có cơ chế đào tạo đặc thù. ĐH Huế đã và đang đầu tư các phần mềm, thiết bị giảng dạy chất lượng để đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp, thực hiện tốt đề án phát triển CNTT của tỉnh, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa Du lịch đang hướng đến lựa chọn những sinh viên xuất sắc, đào tạo các lớp CEO (giám đốc điều hành) thế hệ mới, ra trường làm cán bộ quản lý – điều mà nhiều doanh nghiệp rất cần, đồng thời sẽ đẩy mạnh đào tạo bằng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí

Hãng tin Reuters dẫn lời Chính phủ Azerbaijan, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2024 (COP29) cho biết, nước này sẽ bảo vệ quyền của các quốc gia sản xuất dầu khí được đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời nhấn mạnh, bất chấp các mục tiêu về khí hậu, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đang rất cao.

Chủ nhà COP29 năm nay sẽ bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí
Return to top