ClockThứ Sáu, 30/10/2020 15:23

Dạy bù cho học sinh sau lũ

TTH - Nhiều vùng thấp trũng, học sinh phải nghỉ học hơn hai tuần. Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường có thể giãn chương trình, xây dựng kế hoạch dạy bù nhưng phải phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép.

Sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý cho sinh viênCác trường sẽ tổ chức dạy bù nếu chậm chương trình

Trường THPT Gia Hội được đầu tư phòng học thông minh tiện lợi cho thầy và trò trong việc học. Ảnh: Hữu Phúc

Em Nguyễn Ngọc Bảo Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Huế cho biết, vì năm học cuối cấp nên em khá lo lắng khi nghỉ học dài ngày. Ngoài phương pháp tự học, tự tìm tài liệu, nhà trường đã có kế hoạch dạy bù. Một tuần nghỉ học do lũ lụt em sẽ được học bù vào chiều thứ 2 và thứ 7, nghĩa là một tuần sẽ học 30 tiết.

Tùy theo tình hình ngập lụt của mỗi vùng nên có trường chỉ nghỉ học một tuần, nhưng nhiều nơi kéo dài hơn hai tuần, thậm chí có địa phương gần 20 ngày. Bởi lẽ, nhiều học sinh ở vùng trũng, đường sá còn ngập nước, đi lại nguy hiểm nên chưa thể đến trường. Nhà trường ra thông báo các em ở vùng cao nên đi học, còn vùng thấp trũng được nghỉ để đảm bảo an toàn.

Để không kéo dài thời gian nghỉ học, một số trường chủ động khắc phục bằng cách hướng dẫn học sinh đi đường vòng để tránh những tuyến đường đang bị ngập nước.

Các trường cập nhật, hướng dẫn phụ huynh, học sinh  lộ trình đi học bảo đảm an toàn. Nguyên tắc là phải thật sự an toàn thì học sinh mới đến trường học.

Sau khi nước rút, toàn bộ các phòng học, kể cả phòng họp hội đồng, phòng thực hành, phòng dạy tương tác... ở các trường đều được trưng dụng để học sinh học bù cho kịp chương trình.

Tại nhiều trường, việc dạy và học bắt đầu đi vào nề nếp. Thời khóa biểu đặc biệt sau lũ lụt được xây dựng để dạy và học bù nhằm củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới. Nhiều trường có kế hoạch tổ chức dạy bù trong vòng 3 tuần. Trước mắt, các trường không tổ chức dạy như thời khóa biểu cũ mà sẽ triển khai theo môn học. Các trường tận dụng khai thác lợi thế công nghệ thông tin nên đã có kế hoạch học qua các nhóm lớp. Vì thế, một số trường vẫn bám sát chương trình khi triển khai phương thức học qua mạng Internet trong những ngày nghỉ học.

Để giảm áp lực và tránh quá tải cho học sinh, nhiều trường chia thời khóa biểu sao cho mỗi ngày không quá 8 tiết cả chính khóa và học bù. Thời khóa biểu sẽ sắp xếp để giáo viên không bị trùng tiết và phải có thời gian nghỉ ngắn giữa 2 buổi. Chẳng hạn, buổi sáng học sinh học chính khóa 5 tiết, buổi chiều học bù, các em sẽ được bố trí học tiết 3 - 4 - 5 chứ không phải vào học ngay tiết 1.

Ông Hoàng Phồn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ, cho hay: “Học sinh nghỉ học hơn hai tuần nên nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu học bù thống nhất để cân đối số tiết học giữa các môn, nhất là tăng cường học cả ngày chủ nhật. Dự kiến, trường sẽ dạy bù cho đến hết học kỳ I, nhất là ưu tiên cho học sinh lớp 12.

Học sinh tiểu học ở các trường vùng thấp trũng nghỉ học nhiều nhất vì các em đi lại khó khăn. Cái khó là học sinh tiểu học thường hay quên bài khi các em nghỉ dài ngày nên bố trí lịch học bù cho hợp lý, đảm bảo cho các em kịp lịch học vào cuối kỳ, cuối năm là điều mà các trường trăn trở. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên sẽ kèm riêng để các em đuổi kịp. Thời gian học bù sẽ được giáo viên linh động sắp xếp nhưng việc học bù sẽ không quá áp lực và ngột ngạt.

Sở GD&ĐT đã và đang kêu gọi các nhà xuất bản, nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo HS vùng lũ khi đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, mỗi năm sẽ có 2 tuần dự phòng để các cơ sở giáo dục sử dụng dạy bù khi phải nghỉ học do thiên tai, bệnh dịch… Sở GD&ĐT lâu nay đã trao quyền chủ động cho từng nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học nên các trường sẽ không gặp khó khăn nếu học sinh nghỉ học trong một vài tuần.

Tuy nhiên, kế hoạch dạy bù của các cơ sở giáo dục cần chi tiết đến từng học sinh. Các trường cần thông báo cho những học sinh ở vùng ngập lũ tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn và tổ chức học bù vào thời điểm phù hợp.

AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp đối tượng học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 29/6 với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Hiện nay, bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức, các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường giải pháp ôn thi giai đoạn cuối phù hợp từng đối tượng học sinh nhằm giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài, vững tâm tham dự kỳ thi đạt kết quả.

Tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp đối tượng học sinh
Tẩy giun cho 108.000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ

Ngày 21/5, Đoàn Giám sát Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) giám sát hoạt động tẩy giun tại Trường tiểu học Phường Đúc, TP. Huế. Hơn 1.000 học sinh tiểu học của trường được uống thuốc tẩy giun đợt này.

Tẩy giun cho 108 000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ
Hướng nghiệp cho học sinh

Cùng với việc tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2024, các trường THPT luôn chú trọng việc tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Từ đó, giúp học sinh lựa chọn đúng ngành, trường học để phát huy năng lực, sở trường của mình.

Hướng nghiệp cho học sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top