ClockThứ Tư, 08/09/2021 16:22

Giáo viên mầm non ngoài công lập: Chật vật giữ nghề trong dịch

TTH - Thuộc lao động khối ngoài công lập, giáo viên mầm non ở các trường dân lập, tư thục hoặc nhóm trẻ được xếp vào nhóm gặp khó khăn nhất trước tác động của dịch COVID-19. Nhiều trường hoạt động cầm chừng, một số giáo viên phải nghỉ việc buộc phải xoay xở đủ nghề để mưu sinh.

Cô giáo trường làng tận tụyBăn khoăn nâng chuẩn giáo viên

Giáo viên Trường mầm non Scavi tại hội thi tự tạo đồ chơi cho các em (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Đã mấy tháng nay, cô Nguyễn Yến Anh, giáo viên nhóm trẻ Ngôi Sao phải nghỉ dạy vì các cháu không đến trường. Cô Yến Anh trải lòng: “Mỗi tháng, tôi nhận lương hơn 4 triệu đồng, cũng tạm đủ để trang trải. Giờ nhà trường tạm đóng cửa nên tôi không được trả lương. Tình hình này không biết ngày nào trường mới hoạt động trở lại nên tôi tranh thủ bán hàng online. Bao nhiêu năm dạy trẻ, tôi chỉ muốn chăm sóc các con, còn giờ phải làm trái nghề tôi thấy trống trải lắm". Rất nhiều giáo viên như Yến Anh phải chuyển sang làm các nghề, như bán áo quần, mỹ phẩm, tư vấn bảo hiểm, giúp việc gia đình... để đắp đổi qua ngày nhưng bấp bênh, thu nhập thấp.

Các trường mầm non ngoài công lập là những đơn vị tự chủ tài chính nên khi trường tạm dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Trường mầm non Hoa Thủy Tiên có khoảng 90 giáo viên thì đến nay nhiều giáo viên phải nghỉ không lương. Cùng chung tình cảnh, các cơ sở, nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Nhiều chủ cơ sở chia sẻ, chỉ cần nhóm trẻ duy trì được mười cháu là có thể trả lương cho giáo viên và chi các khoản khác, song dạy trẻ trong mùa dịch, lành ít, dữ nhiều nên họ động viên các cô tạm nghỉ một thời gian.

Áp lực nhiều thứ khi trường đóng cửa, bởi không tổ chức dạy học nhưng các trường vẫn phải trả tiền mặt bằng, điện nước, phí vệ sinh… hàng tháng. Cô Đồng Thị Hạnh, chủ nhóm trẻ Măng Non, TP. Huế cho biết: Để duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, mỗi tháng nhà trường phải chi trả các khoản lên đến hàng chục triệu đồng. Không có tiền trả lương cho giáo viên, chúng tôi phải kiếm việc cho các cô làm thêm để các cô không chuyển nghề. Thực tế, số giáo viên rời trường khá nhiều sau mùa dịch, khi họ không chịu được áp lực thất nghiệp mỗi khi trường không hoạt động. 

Trước khó khăn của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhiều hiệu trưởng đồng cảm, muốn hỗ trợ phần nào cho họ, cũng là cách để giữ chân giáo viên giỏi, tận tâm với trẻ. Thế nên, nhiều trường linh hoạt hỗ trợ giáo viên từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Cô Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng Trường mầm non Ban Mai chia sẻ: Dù khó khăn về kinh phí khi cơ sở hoạt động cầm chừng, nhưng chúng tôi quyết định chi trả 50% lương cơ bản và hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho 12 giáo viên, nhân viên trong thời gian nghỉ dạy. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì bồi dưỡng nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên đề cho giáo viên. Nhiều cô tranh thủ thời gian rảnh làm đồ chơi, trang trí góc học tập cho các con, mới thấy tâm huyết của giáo viên khi vẫn yêu nghề, mến trẻ dẫu công việc bấp bênh.

Mỗi cơ sở đều có một cách làm riêng nhằm vượt qua khó khăn trong thời điểm này. Là trường ngoài công lập, nơi giữ trẻ cho hơn 200 công nhân nhưng từ tháng 5 đến nay, Trường mầm non Scavi không hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho các bé. Tuy nhiên, trường vẫn sinh hoạt chuyên môn đều đặn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón trẻ trở lại. Theo ban giám hiệu nhà trường, toàn trường có trên 30 giáo viên, nhân viên nhưng nhờ Tập đoàn Scavi trả lương và các khoản phụ cấp đầy đủ nên không ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên.

Giáo viên mầm non ngoài công lập ở Thừa Thiên Huế thuộc nhóm có số lao động mất việc làm do dịch COVID-19 cao. Họ thuộc nhóm đối tượng số 4: “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” theo Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo thống kê sơ bộ, chính sách này đã hỗ trợ cho gần 400 giáo viên mầm non, giúp giảm bớt khó khăn, đặc biệt giáo viên mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt. Bởi, trong trường hợp dịch bệnh còn chưa được kiểm soát, học sinh chưa trở lại trường, giáo viên mầm non ngoài công lập sẽ không thể có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Thiết nghĩ các ngành liên quan nên tìm ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn, góp phần giúp giáo viên và các trường mầm non ngoài công lập có thể vượt qua giai đoạn khó khăn để các cô có cơ hội gắn bó với nghề.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Để đến trường đong đầy niềm vui

Người thầy hiện đại cần có phẩm chất cởi mở, bao dung. Muốn người học phát triển các phẩm chất, năng lực thì người dạy cần có tư duy mở để đón nhận cách học, cách suy nghĩ mới của lứa học trò gen Z. Sẽ thất bại trong giáo dục khi người thầy bảo thủ, áp đặt, luôn bắt học sinh phải răm rắp lắng nghe, phục tùng.

Để đến trường đong đầy niềm vui

TIN MỚI

Return to top