ClockThứ Năm, 21/10/2021 10:27

Giúp tân sinh viên thích nghi với học trực tuyến

TTH - Tân sinh viên các trường đại học (ĐH) tại Huế trúng tuyển đợt đầu đã bắt đầu học chính thức bằng hình thức trực tuyến. Để người học thích nghi với phương pháp học ở môi trường mới, các đơn vị đào tạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

Trường ĐH Khoa học chào đón hơn 1.100 tân sinh viênKhuyến khích, động viên tân sinh viên với nhiều học bổngLần đầu tiên, Đại học Huế tổ chức khai giảng trực tiếp kết hợp trực tuyến

Các trường cũng tăng cường theo dõi, hỗ trợ sinh viên khi học trực tuyến

Thích nghi

Từ hệ thống theo dõi ở Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, 12 lớp học trực tuyến bắt đầu từ tiết 1 (ngày 4/10) đều diễn ra khá suôn sẻ. Tuy là buổi học đầu tiên, nhưng các tân sinh viên không bị bối rối ở lớp học trên mạng, thay vào đó, nhiều em vẫn tương tác tốt với giảng viên. Lê Quốc Anh, tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học) cho biết: “Nhờ làm quen và tập dượt trước cũng như xem kỹ các video hướng dẫn nên em ít bị bỡ ngỡ khi vào lớp học online”.

Đến đầu tháng 10/2021, nhiều trường ĐH tại Huế bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên năm thứ nhất. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, tuy nhiều em đã học trực tuyến ở bậc phổ thông, nhưng cách dạy và học trực tuyến ở bậc ĐH có nhiều điểm khác, phương pháp dạy – học cũng khác. Sinh viên ở nhiều tỉnh, thành, do dịch COVID-19 nên chưa thể tổ chức dạy - học tập trung. Chưa đến trường, chưa làm quen với thầy cô, bạn bè, môi trường học tập mới là rào cản không nhỏ, song để tân sinh viên thích nghi với việc học trực tuyến, trường học đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

“Sau khi tân sinh viên nhập học, nhà trường đã tổ chức livestream tập huấn chủ đề dạy - học trực tuyến, phương pháp học trực tuyến. Hệ thống cũng hỗ trợ, cung cấp tài khoản và mật khẩu cùng các văn bản hướng dẫn học trực tuyến về email, zalo cho tân sinh viên. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật trên cả hệ thống dạy học của giáo viên và hệ thống tự học của sinh viên. Đến ngày 4/10, hơn 2.000 tân sinh viên đã vào học trực tuyến. Qua theo dõi, tất cả tân sinh viên đều có thể đăng ký xếp lịch học online theo nguyện vọng”, ThS. Phan Thanh Tiến cho biết.

Theo đại diện ĐH Huế, đến đầu tháng 10/2021, có hơn 13.000 thí sinh xác nhận nhập học vào các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế. Sau khi sinh viên nhập học, các trường cũng bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến. Quá trình rà soát giai đoạn đầu, đa phần các tân sinh viên thích nghi với phương pháp đào tạo này, chưa có các trục trặc lớn phát sinh.

TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học cho biết, do cách tổ chức dạy trực tuyến “phân tán”, giảng viên có thể ở nhà hoặc được bố trí nhiều phòng, khu vực khác nhau nên không ảnh hưởng đường truyền. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã nâng cấp đường truyền đảm bảo công tác dạy học. Đa phần sinh viên đều có máy tính, laptop hoặc điện thoại smartphone, nhờ đó thuận lợi trong việc học.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường ĐH Nông Lâm, để bắt nhịp cho tân sinh viên học trực tuyến, trong tháng đầu tiên, nhà trường phân phối lịch học nhẹ, mục đích để sinh viên làm quen với môi trường học tập và phương pháp học trực tuyến bậc ĐH. Cách làm này phần nào giúp các em đỡ áp lực và bỡ ngỡ.

Hỗ trợ, tư vấn cho tân sinh viên

Đối với tân sinh viên, công tác rà soát, hỗ trợ đặc biệt quan trọng. Để tân sinh viên đáp ứng được việc học, các đơn vị đào tạo tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt trực tuyến để nắm tình hình cũng như khó khăn, nhu cầu của sinh viên sau khi nhập học.

Đại diện các trường ĐH cho biết, tận dụng tuần sinh hoạt công dân (tổ chức trực tuyến), ban giám hiệu, các phòng ban, khoa chuyên môn và giảng viên cố vấn học tập đã gặp gỡ, trao đổi với tân sinh viên trong nhiều vấn đề liên quan và giải đáp các thắc mắc của từng trường hợp. Các trường cũng rà soát hoàn cảnh của từng sinh viên để có những hỗ trợ kịp thời.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế cho biết, hiện nay, ĐH Huế và các trường đã và đang thực hiện ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ người học có điều kiện, phương tiện học trực tuyến.

Vừa qua, nhiều trường ĐH cũng mua tài khoản trên phần mềm học trực tuyến Zoom và Google Meet để giảng viên tạo lớp học, dạy học trực tuyến, đồng thời còn hướng dẫn các phầm mềm tự học cho tân sinh viên. Bên cạnh đó, các trung tâm tư vấn hỗ trợ sinh viên và các phòng ban chức năng cũng theo dõi để hỗ trợ sinh viên, giải quyết các vấn đề phát sinh trên lớp học trực tuyến. Cố vấn học tập các lớp cũng tạo nhóm trên zalo để trao đổi và chia sẻ, tư vấn nhằm giúp sinh viên tiếp cận và thích nghi với việc học online ở bậc ĐH khi chưa thể tổ chức học tập trung.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rời chiến trường vẫn là chiến sĩ

Xuất hiện khá muộn so với các Hội Cựu chiến binh (CCB) khác trong Đại Học (ĐH) Huế, nhưng Hội CCB Trường ĐH Luật là cái tên nổi bật trong các hoạt động, phong trào thi đua do Hội CCB ĐH Huế, Hội CCB tỉnh phát động. Làm được điều này do hội là một tập thể đoàn kết, nhất trí, luôn giữ nhiệt huyết của những người từng khoác áo lính.

Rời chiến trường vẫn là chiến sĩ
Giáo dục giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập

Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 4 năm 2023 (ICCE 2023) vừa khai mạc sáng 24/11 tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

Giáo dục giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập

TIN MỚI

Return to top