ClockThứ Năm, 19/09/2019 06:15

Kim Anh “tí hon” và hành trình chinh phục ước mơ

TTH - Vượt qua vô vàn chông gai của cuộc đời, cô gái “tí hon” Phạm Thị Kim Anh ở vùng quê nghèo Quảng Điền đã khiến nhiều người khâm phục khi vừa trở thành tân sinh viên đại học.

Hai “cánh cò” mồ côi vượt qua giông bão

Kim Anh “tí hon” tranh thủ xem tài liệu trước giờ vào giảng đường

Câu chuyện của Kim Anh đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người: bị tật bẩm sinh, vừa bước qua tuổi 18 nhưng chỉ cao 1,1m, cuộc sống gia đình còn khó khăn. Nhưng chừng ấy không thể khuất phục Kim Anh. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô gái có nụ cười tự tin luôn tràn trề nhựa sống, quyết tâm vượt qua gian truân để theo đuổi giấc mơ cuộc đời.

Bệnh tật đâu ngăn được ước mơ

Một ngày đầu tháng 9, Kim Anh xuất hiện trước giảng đường với chiều cao khiêm tốn trước sự tò mò của nhiều người. Nhưng khi biết cô gái ấy trúng tuyển vào ngành công tác xã hội – Trường đại học Khoa học, Đại học Huế ai ai cũng trầm trồ, khen ngợi.

Ít ai biết rằng, để đặt chân được vào ngành học mà mình yêu thích, Kim Anh phải trải qua một hành trình chông gai. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê Quảng Phú, huyện Quảng Điền, nguồn sống chính dựa vào mấy sào ruộng thành ra khó khăn luôn chất chồng. Đã thế, người cha mắc bệnh xương khớp, mọi việc trong gia đình dồn lên đôi vai của mẹ.

Buồn hơn, khi cả nhà phát hiện ra Kim Anh không phát triển như bạn bè cùng trang lứa, hạn chế về chiều cao. Đến thời điểm này, dù 18 tuổi nhưng Kim Anh chỉ cao 1,1m, thấp hơn rất nhiều so với người bình thường. Gia đình đã nhiều lần đưa đi chạy chữa, sau đó mới biết rằng đó là căn bệnh lùn tuyến yên bẩm sinh do thiếu hóc môn phát triển.

Đưa tay để ước lượng chiều cao của mình, Kim Anh kể tiếp, mùa hè năm chuẩn bị bước vào lớp 11 là lúc xuất hiện những cơn đau dữ dội, kéo dài triền miên. Lần này, gia đình đưa đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị biến dạng thân đốt sống L2, biến dạng gập góc ngang mức L2, gù vẹo ra sau, đường cong sinh lý cột sống thắt lưng giảm, thoái hoá mất nước đĩa đệm, lồi đĩa đệm L2 – L3 ra sau, chèn ép mặt trước bao màng cứng.

Trước tình cảnh đó, bác sĩ đưa ra lời khuyên cho gia đình phải phẫu thuật nhưng ngược lại rủi ro cũng rất cao, nguy cơ con đường học vấn khép lại. Mọi thứ như sụp đổ trước mặt Kim Anh. “Và rồi, em cùng gia đình đã quyết định không phẫu thuật. Thay vào đó chọn giải pháp mua thuốc giảm đau, thuốc xương khớp uống cầm chừng để tiếp tục theo đuổi sự học cho đến ngày hôm nay”. Kim Anh xúc động.

Khó khăn vậy nhưng Kim Anh vẫn nuôi ước mơ vào đại học. Lần giở lại ký ức 12 năm trước cô gái trẻ có lúc cũng không dám tin đó là sự thật. "Tôi tự hứa với lòng mình, rằng “ta không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng sẽ chọn nơi mình sẽ đến”, muốn thoát nghèo chỉ có con đường ngắn nhất là học”. Kim Anh tâm sự.

Tấm gương nghị lực

Thương con phần vừa bị tật lại rất ham học, ba mẹ của Kim Anh tất tả ngược xuôi làm thêm, vay mướn để cho cô con gái có thể theo đuổi đam mê. Ông Phạm Minh Tuấn mỗi lần nhắc đến người con gái Kim Anh của mình vừa thương, lại vừa tự hào. Để phụ bớt gánh nặng cho ba mẹ, những năm THPT sau giờ học, Kim Anh lại nhận hạt sen về để lột vỏ thuê, kiếm thêm thu nhập.

“Thấy con vậy ba mẹ nào không thương. Tôi chỉ mong sao nó học thật giỏi, có được công việc ổn định để tự lo cho bản thân” – ông Tuấn nói với giọng trầm ngâm khi hay tin con trúng tuyển vào đại học.

Những ngày này, Kim Anh bắt đầu một của hành trình của một sinh viên, 4 năm phía trước trong căn phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Huệ, TP. Huế. Ở môi trường mới, dù còn nhiều điều bỡ ngỡ nhưng Kim Anh luôn tự tin, như cái cách mà cô đã can trường đi qua 12 năm học dẫu thân phận thua thiệt nhiều người.

Hỏi Kim Anh tại sao chọn học ngành công tác xã hội mà không phải ngành khác, cô trả lời đó là ước mơ từ nhỏ. Ước mơ ấy xuất phát từ những lần bị bạn bè trêu chọc có khi rơi vào mặc cảm, tự ti. “Có nhiều bạn cùng cảnh ngộ như tôi đã không vượt qua được, đành phải bỏ học. Tôi đặt câu hỏi tại sao và nhận ra cần có ai đó động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn ấy” – Kim Anh lý giải về ngành học mà em chọn với ước nguyện sau khi tốt nghiệp, ra trường giúp những hoàn cảnh thiệt thòi như mình.

Dù đã cố gắng dành những lời khiêm tốn để nói về cô học trò thương yêu, nhưng thầy Lê Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền) – nơi Kim Anh theo học 3 năm THPT không khỏi tự hào. Thầy Sơn nói rằng, dù năng lực của Kim Anh bình thường nhưng sự nỗ lực thì vô cùng lớn. Dẫu cơ thể khuyết tật, điều kiện khó khăn, nhà ở xa trường nhưng Kim Anh luôn xem việc đến trường là vinh dự, đi học không phải để cho có mà đó là tất cả hành trình cố gắng. “Đó là nỗ lực tuyệt vời, rất đáng trân trọng. Là tấm gương về nghị lực trong học tập, đặc biệt Kim Anh có cái nhìn về cuộc sống rất lạc quan”, thầy Sơn chia sẻ.

Từ con đường làng nhỏ hẹp, Kim Anh kiên cường bước đi, và trời không phụ lòng người, em đã đến được giảng đường đại học. Hy vọng một tương lại tốt đẹp, vững chắc hơn chờ Kim Anh ở phía trước.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Chị Viễn vượt khó làm kinh tế giỏi

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi và kinh doanh buôn bán, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng, chị Trần Thị Viễn, sinh năm 1974 (Thủy Vân, TP. Huế) là tấm gương phụ nữ phát triển kinh tế giỏi ở địa phương.

Chị Viễn vượt khó làm kinh tế giỏi
Vượt khó hoàn thành kế hoạch đề ra

Tuy phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm, một số dự án đầu tư chậm triển khai theo kế hoạch..., thế nhưng, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TX. Hương Thủy đạt được nhiều kết quả tích cực.

Vượt khó hoàn thành kế hoạch đề ra
Return to top