ClockThứ Sáu, 14/10/2016 13:51

Anh Bờ làm kinh tế

TTH - Mới ngoài 30, nhưng chàng thanh niên dân tộc Cơ Tu Hồ Văn Bờ (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông) đã làm chủ một cơ ngơi khang trang, với thu nhập hàng năm trên 150 triệu đồng.

Tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp đã giúp gia đình anh Hồ Văn Bờ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương xây dựng gia đình, anh Hồ Văn Bờ quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. “Sinh ra trong gia đình khó khăn, đông anh em, nên ngay từ khi tham gia nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mình đã cố gắng học hỏi cách chăn nuôi, trồng trọt ở đơn vị để khi ra quân về phát triển kinh tế gia đình”, anh Bờ bộc bạch.

Kết hôn xong, hai vợ chồng anh Bờ xin cha mẹ ra riêng, được anh em nội ngoại hai bên giúp sức cất cho ngôi nhà tạm ngay chân núi để có chỗ tránh mưa tránh nắng. Với số vốn chưa tới 10 triệu đồng dành dụm được sau khi ra quân, anh bàn với vợ mua hai cặp heo giống về nuôi. Nhờ bàn tay chăm bẵm của đôi vợ chồng trẻ, heo giống ngày một lớn, số lượng cũng nhân lên qua từng mùa. Số tiền lãi từ bán heo anh dồn tiếp vào xây dựng chuồng trại kiên cố để mở rộng chăn nuôi. Đến nay, đàn heo của anh luôn duy trì từ 15 – 20 con/lứa.

Những năm đầu, nhờ việc chăn nuôi thuận lợi, thu nhập từ đàn heo không những đủ trang trải cuộc sống gia đình mà vợ chồng anh còn có ít vốn liếng dắt lưng. Sau những năm chăn nuôi liên tiếp, anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để chủ động phòng trừ dịch bệnh và tự chủ được nguồn giống. Vốn tính cần cù, ham làm, ngoài chăn nuôi, hễ có thời gian là anh đi làm công cho bà con trong vùng để kiếm thêm thu nhập.

 Không dừng lại ở đó, năm 2010, anh mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn liếng hai vợ chồng tích cóp được để trồng 5ha rừng keo lai và mua hai con bò giống về nuôi. Để tiết kiệm chi phí, từ phát rẫy cho tới trồng cây đều do hai vợ chồng đảm nhận. Ngoài ra, anh còn mua giống cỏ voi về trồng để chủ động nguồn thức ăn cho bò. “Nhìn rừng keo ngày một xanh tốt, khí hậu thuận hòa vợ chồng mình khấp khởi vui mừng. Năm ngoái, mình đã thu hoạch được 3 ha và đang tính mua thêm đất để đầu tư trồng rừng, anh Bờ vui vẻ cho biết.

Biết cách làm ăn, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng địa phương nên mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của gia đình anh ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngôi nhà tạm bợ đã không còn, thay vào đó là một ngôi nhà cấp bốn khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Anh Bờ tâm sự, là thanh niên lại được rèn luyện trong môi trường quân ngũ thì phải dám nghĩ, dám làm nhất là không ngại khó, ngại khổ. Chính sự chung sức, đồng lòng đã giúp hai vợ chồng anh vượt qua mọi khó khăn, kiên trì với hướng đi mình đã chọn.

Ông Hồ Văn Ưng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhận xét, anh Bờ đã xây dựng thành công mô hình kinh tế phù hợp cho hiệu quả cao ngay tại địa phương, như là tấm gương vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đáng để thanh niên và bà con học tập, làm theo. Ngoài việc làm ăn kinh tế giỏi, anh Bờ còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, nhất là phong trào vận động tuyên truyền cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn đảng viên trẻ

Xác định vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng, những năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tập trung bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên trẻ tiêu biểu, là hạt nhân nòng cốt cho hoạt động Đoàn, Hội, Đội và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Dấu ấn đảng viên trẻ
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Return to top