ClockThứ Ba, 20/10/2020 06:30

An toàn tính mạng và tài sản trong mùa bão, lũ

TTH - Chưa kịp khắc phục đợt lũ trước, người dân Quảng Điền tiếp tục ứng phó trận lũ tiếp theo với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản.

Ghi ở rốn lũ

Cứu trợ lương thực cho các hộ ngập sâu ở Quảng Thành

“Tự quản tại chỗ”

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành thông tin, đến ngày 16/10, nhiều nơi trên địa bàn xã Quảng Thành vẫn còn ngập khá sâu nên chưa thể thống kê thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, đánh giá bước đầu cho thấy, hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, rau màu bị thiệt hại nặng; nhiều ngôi nhà ngâm nước dài ngày khiến nhiều thiết bị, vật dụng bị hư hỏng.

Quảng Thành cùng lúc vừa khôi phục sản xuất, chăm sóc một số diện tích rau màu nhằm vớt vát phần nào, vừa chủ động triển khai các biện pháp ứng phó các đợt lũ sắp đến. Các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, “tra” tránh lũ được chuẩn bị sẵn sàng. Các thôn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, không chủ quan khi nước lũ dâng cao. Người dân tuyệt đối không bơi thuyền qua lại, đánh cá trên sông, đi qua các đập tràn, vớt củi… khi mưa to, gió lớn, nước lũ chảy xiết.

Các trưởng, phó thôn phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, sử dụng đò, xuồng đến từng hộ gia đình nhắc nhở, ngăn chặn người dân ra khỏi nhà trong lúc mưa to, gió lớn. Người dân tuân thủ quy định, khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão, lũ xảy ra. Địa phương cũng đã chọn những ngôi nhà kiên cố, công trình trường học, trụ sở UBND xã…để sơ tán người dân đến trú ẩn. Các lực lượng tổ chức tuần tra trên các sông nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đánh cá, bơi xuồng, vớt củi trên sông, hoặc đi lại trên đường…

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho rằng, vai trò của thầy cô giáo, phụ huynh rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho con em, học sinh. Khi có thông báo của cấp trên, ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo phải chủ động cho học sinh nghỉ học; quan sát, theo dõi các em trong quá trình về nhà. Phụ huynh phải đến trường đón con em, tránh tình trạng lang thang, tụ tập trên đường, những khu vực nguy hiểm.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng nhấn mạnh, với mục tiêu không để thiệt hại về người, UBND huyện Quảng Điền yêu cầu các xã, thị trấn chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt chú trọng “tự quản tại chỗ”. Theo đó, các ban ngành, chính quyền địa phương, các trưởng thôn, khu dân cư… phát huy cao tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các phương án ứng phó, “lăn lộn” trong quá trình diễn ra bão, lũ để bảo vệ an toàn tính mạng người dân.

Bảo vệ tài sản, giống vụ đông xuân

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước, ông Hồ Đăng Minh đánh giá, qua đợt lũ lớn vừa rồi cho thấy, người dân chấp hành tốt các quy định, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Ngoài bảo vệ tính mạng, người dân chú trọng bảo vệ an toàn tài sản, đưa lúa gạo, lúa giống và hoa màu lên “tra”, hoặc những nơi cao ráo tránh thiệt hại lớn.

Những ngày sau lũ, các đoàn thể, Nhân dân ra quân xử lý môi trường, khôi phục sản xuất, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó các đợt lũ tiếp theo. Chính quyền địa phương, các thôn đến tận khu dân cư, hộ gia đình để kiểm tra, nhắc nhở người dân không chủ quan, lơ là, bảo vệ an toàn nhà cửa, lúa thương phẩm, nhất là các loại giống nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp đến.

Trước mùa bão, lũ, các địa phương ven biển, đầm phá như Quảng Công, Quảng Ngạn...yêu cầu các hợp tác xã, các thôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thu hoạch thủy sản, bán lúa trong lúc được giá, đồng thời tránh thiệt hại do lũ lụt. Hiện tại, các hộ dân vẫn tồn đọng một lượng lớn lúa thương phẩm, lúa giống. Một số diện tích nuôi thủy sản cao triều, ao hồ nuôi cá nước ngọt được người dân gia cố đê bao, chắn lưới nhằm tránh thiệt hại. Các hộ chủ động sửa chữa, gia cố, giằng chống nhà cửa tránh bão gây tốc mái, đổ sập.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, các lực lượng, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ban ngành thường xuyên kiểm tra các phương án phòng chống bão, lũ tại các thôn, khu dân cư. Đến nay hầu hết các địa phương đã tu sửa và có phương án huy động các phương tiện đò máy, thuyền, ca nô phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.

Mỗi thôn chuẩn bị 2-3 chiếc thuyền cứu hộ, trọng tải trên 0,5 tấn/chiếc, chủ động phục vụ công tác tuần tra, sơ tán dân, vận chuyển tài sản, vật dụng khi cần thiết.

Lực lượng xung kích tại mỗi thôn từ 5 - 10 người, bao gồm dân quân, công an, hội chữ thập đỏ... Lực lượng này có nhiệm vụ tổ chức di dời, sơ tán dân khi có lệnh; tuần tra, hộ đê, cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu các hộ ngập sâu, gia đình có người già neo đơn, trẻ em, các hộ gia đình bị sập nhà, bảo vệ cơ sở hạ tầng...

Ngoài nguồn dự trữ của huyện, tại mỗi xã, thị trấn đã chuẩn bị, dự trữ ít nhất 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít dầu diezel, xăng để phục vụ ứng phó bão, lũ. Các xã, thị trấn có đê, đập xung yếu và hồ chứa nước dự trữ 5.000 bao tải đựng cát và cọc tre để hộ đê khi cần thiết. Mỗi hộ gia đình còn dự phòng lương thực, thực phẩm, chất đốt... đảm bảo nhu cầu đời sống trong mùa bão, lũ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Thay vào đó, xã được công nhận NTM kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Return to top