Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các chủ xe vi phạm ATGT
"Kẻ khóc, người cười"
Sáng 22/12, xe buýt Huế-Đà Nẵng mang biển số 75B.018.75 đến giờ xuất bến tại Bến xe Huế, nhưng lái xe Lê Toàn lưỡng lự không muốn lăn bánh vì trên xe chỉ nhận được 1 khách. Anh Toàn chia sẻ, mấy tháng nay không riêng xe anh mà cả đội xe buýt Huế-Đà Nẵng rơi vào tình cảnh vắng khách. Hành trình từ khi đón khách ở bến và nhận khách dọc tuyến chưa đến 7-8 ghế/chuyến. Nhiều chuyến anh Toàn phải bỏ tiền túi để chi phí bến bãi...
Hỏi nguyên nhân, anh Toàn nói trong xót xa, nạn "xe ké", xe trá hình hợp đồng chạy như tuyến cố định ngày càng nhiều, ra đường là gặp loại xe này, nhất là tuyến Huế-Đà Nẵng. Họ hoạt động chui không vào bến bãi, không đóng thuế, lại đón khách tận nhà, trả tận nơi.
Anh Tôn Thất Dũng, đồng nghiệp với anh Toàn giãi bày, không phải bây giờ mà lâu nay tình trạng “xe ké”, xe trá hình ở Thừa Thiên Huế phát triển rầm rộ, không chỉ dùng xe 7 chỗ mà cả xe 4- 5 chỗ của cá nhân, gia đình để hoạt động, lấy khách tuyến cố định Huế-Đà Nẵng. Nhiều chuyến xe anh Dũng phải chạy xe "gió" (xe vắng khách). Vắng khách, các chủ xe buýt đang lo đến việc phải cắt tuyến, thất nghiệp.
Anh Tôn Tất Dũng cho biết, khi tham gia dịch vụ xe buýt Huế-Đà Nẵng, gia đình đã cầm cố nhà, đất hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xe. Gần một năm nay, anh Dũng chưa lấy về được đồng vốn nào. Hiện, anh phải ở nhà thuê. Anh nói, với tình cảnh "xe ké" xe trá hình lộng hành như hiện nay không biết những ngày đến, gia đình anh sống ra sao.
Ông Hồ Tăng Cường, Giám đốc HTX Vận tải du lịch TP. Huế cho biết, tuyến cố định xe buýt Huế-Đà Nẵng và ngược lại có 81 xe đạt tiêu chuẩn xuất xưởng sau 2015 (loại xe 29 ghế); trong đó, có 43 xe của Thừa Thiên Huế và 38 xe của Đà Nẵng, hoạt động từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối trong ngày, tần suất xuất bến 15 phút/chuyến, góp phần giải quyết lượng khách đi lại giữa 2 địa phương. Trước đây, mỗi lần xe xuất bến cũng đạt 15-17 khách, bây giờ chỉ đón 1-2 khách vì tình trạng "xe ké", xe trá hình phát triển ngày càng nhiều.
"Nhiều lần chúng tôi báo cáo, kiến nghị đề xuất ban ngành chức năng địa phương vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát vấn nạn trên để đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh vận tải. Thế nhưng mọi chuyện chưa thay đổi, ngược lại xe ké, xe trá hình càng biến trướng, giành hết thị phần khách của tuyến xe buýt cố định, làm cho anh em tôi hết "đất" sống"-ông Cường nói.
Đến giờ xuất bến nhưng xe buýt Huế-Đà Nẵng vẫn chưa lăn bánh vì chỉ có 1-2 khách
Cần kiểm tra, xử lý dứt điểm
Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, đơn vị quản lý trực tiếp bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP. Huế cho rằng, đơn vị chỉ thực hiện chức năng quản lý trong khu vực bến, đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện thông qua bến. Đối với hoạt động ngoài bến, đơn vị không có chức trách để can thiệp.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế hiện nay, tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng hoạt động èo uột, xe vắng khách mỗi khi xuất bến. Lý do ông Sơn đưa ra một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19, còn phần lớn là tình trạng xe trá hình hợp đồng, "xe ké" nở rộ, đón nhận khách tùy tiện. Các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý rốt ráo để tạo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, giảm thất thu thuế của Nhà nước.
Ông Võ Hoài Nam, Chánh Thanh tra Sở Giao thôngVận tải thừa nhận, hiện nay, tình trạng "xe ké", xe trá hình hoạt động chui trên địa bàn khá nhiều. Đối tượng hoạt động không chỉ địa bàn TP. Huế mà các huyện, thị xã, tranh thủ xe cá nhân, gia đình, xe người thân, bạn bè... lòn lách, chạy như tuyến cố định. Đây là vấn đề làm khó cho ngành chức năng dù tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý.
Khó nhưng không thể không giải quyết được khi hiện nay đã có các công cụ, quy định, chế tài từ các thông tư, nghị định của Chính phủ, nhất là Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/4/2020. Các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì rất khó để “xe ké”, xe trá hình lộng hành.
Ông Trần Văn Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chia sẻ, mới đây, các ban ngành chức năng địa phương họp bàn đề xuất nhiều giải pháp, như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý; đề nghị tăng mức xử phạt đủ mạnh để loại hình "xe ké", xe trá hình không tái phạm. Các địa phương tăng cường tuyên truyền nhận thức người dân trong việc chọn loại hình vận tải hành khách khi di chuyển mà không đảm bảo các quy định ATGT, nhất là "xe ké", xe trá hình đang hoạt động chui, trốn thuế Nhà nước.
Trước mắt, Ban ATGT tỉnh ban hành Kế hoạch số 161, ngày 21/12/2020 thành lập đội liên ngành kiểm tra đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn trong dịp Tết Tân Sửu, bắt đầu thực hiện từ ngày 25/12/2020 và kết thúc vào 26/2/2021; trong đó tập trung xử lý các trường hợp xe ké, xe trá hình kinh doanh vận tải hành khách như tuyến cố định. Sau đó, duy trì đoàn liên ngành chức năng ra quân hàng quý để giải quyết dứt điểm nạn "xe ké", xe trá hình trên địa bàn.
10 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản ra quyết định xử phạt 33.170 phương tiện vi phạm, tạm giữ 5.361 phương tiện, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 32 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 3.500 trường hợp. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2020, thanh tra giao thông phối hợp liên ngành kiểm tra hơn 854 phương tiện, lập biên bản 165 trường hợp phạt tiền hơn 3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 107 trường hợp.
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách hợp đồng, không thu tiền trước từng hành khách dưới mọi hình thức; xe hợp đồng trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp điểm cuối. Quá trình hoạt động, phương tiện ngoài trang bị đầy đủ hệ thống giám sát hành trình còn phải lắp camera giám trên xe nhằm cung cấp, truyền dữ liệu với cơ quan chức năng, đơn vị vận tải quản lý...
Bài, ảnh: Minh Văn