ClockThứ Sáu, 12/02/2021 21:53

Người hiến tặng hai vườn hoàng mai bên trong Kinh thành Huế

TTH.VN - Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong Kinh thành Huế, phía đối diện 2 bên Đại Nội vàng rực sắc hoàng mai. Ngoài tô điểm thêm sắc xuân, những gốc hoàng mai còn khiến khu vực này xanh hơn, sang trọng hơn, giúp người dân và du khách có nhiều hơn 1 điểm check – in ấn tượng không chỉ trong dịp Tết.

Lo hoàng mai “lỗi hẹn” tếtQuảng hương mộc mai, loài mai mới ở Huế

Vườn hoàng mai giúp cảnh sắc Kinh thành Huế càng thêm ấn tượng

Bạn tôi, một người con xa xứ vốn chẳng đam mê mấy với hoa lá cỏ cây khiến tôi bất ngờ khi rủ tôi dừng lại ở vườn hoàng mai. Tiếp đó, nó chạy đến, loanh quanh bên hàng chục gốc mai. Khi ấy, lúc lặng im ngắm từng cánh hoa vàng rực đung đưa trong nắng xuân, lúc nó ghé mũi hít hà, lúc lại săm soi những vết rêu phong trải đều từ gốc đến thân, thỉnh thoảng chép chép miệng ra chiều tâm đắc… Và tất nhiên, trong điện thoại không thiếu những tấm ảnh chụp bên những gốc mai vàng rực.

Nói vậy để thấy sức hút của vườn hoàng mai này, cũng như, không thể không nhắc tới bà Phạm Đăng Túy Hoa - hậu duệ đời thứ 11 của Hoàng Thái Hậu Từ Dụ và chính là người hiến tặng cho Huế 135 gốc hoàng mai cao 4-5m, đường kính gốc 16-20cm, có tuổi đời từ 30-60 năm tuổi với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đáng nói, ngoài kinh phí, bà Hoa còn cất công “lùng sục” khắp hang cùng ngỏ hẻm của Huế để chọn mua từng gốc mai đưa về đây.

Hỏi tại sao phải mất công đến vậy vì có thể giao người khác làm thay thì bà cười hồn hậu: “Để bày tỏ tấm lòng của con cháu đối với ân đức của các bậc tiền nhân nên tôi muốn tự tay tìm chọn những gốc mai đúng của Huế, có chiều cao, đường kính, tuổi đời như mong muốn để khi trồng, sẽ góp phần tôn xưng vẻ đẹp của Đại Nội, của Kinh thành Huế”.

Clip vườn hoàng mai do vợ chồng bà Hoa hiến tặng

Bà Hoa chia sẻ, dù đã hàng chục năm xa xứ (hiện gia đình đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh), nhưng bà luôn dõi theo những chuyển động của Huế cũng như mong muốn đóng góp một phần sức cho quê hương. Và tâm nguyện này như được tiếp thêm động lực, như lời bà Hoa: “Chồng tôi là người miền Tây, anh ấy tự hào khi có vợ là người Huế, cũng như luôn muốn được sẻ chia với vùng đất, con người xứ Huế”.

“Huế đang xây dựng cho mình một “thương hiệu” xanh – sạch – sáng thì hệ thống cây xanh, hoa đóng vai trò rất quan trọng. Trong hành trình ấy, Huế nên có một loại hoa đặc trưng, mang tính biểu tượng. Và hoàng mai, theo tôi đáp ứng được yêu cầu này khi mà trong tâm khảm người Huế, trong văn hóa, lịch sử Huế, hoàng mai luôn có một vị trí nhất định”, bà Hoa chia sẻ.

Thật ra, trước khi hiến tặng hoàng mai, bà Hoa cùng chồng dự định hiến 2 cây tùng để trồng trước Đại Nội. “Nhưng tìm mãi vẫn không như ý. Cặp “cổ lão” thì không đối xứng về đường kính, chiều cao. Cặp đối xứng lại nhỏ, không đủ “tầm”, đủ “tuổi” để trồng ở Đại Nội. Nên khi trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, 2 vợ chồng tôi quyết định hiến tặng vườn hoàng mai. Sau đó, ông Phan Ngọc Thọ giao anh Hoàng Hải Minh – Chủ tịch UBND TP. Huế tiếp nhận”, bà Hoa nói.

Vườn mai trồng xong, Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ đề nghị dựng một tấm biển ghi tên người hiến tặng ở vườn mai nhưng bà Hoa từ chối. “Chỉ mong đóng góp đó mang lại hiệu quả, giúp Huế đẹp hơn, sang trọng hơn là vợ chồng tôi mãn nguyện rồi”, bà Hoa tâm sự.

Bà Phạm Đăng Túy Hoa trong một lần khảo sát để xây nhà tình nghĩa tại Huế

Thay lời cảm ơn, Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh chia sẻ: “Hiện khu vực Đại Nội nói riêng, nội thành nói chung đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt người dân và du khách một phần là từ vườn hoàng mai này. Rất nhiều bạn bè tôi nói họ rất ấn tượng khi ngang qua. Về phương diện cá nhân, tôi rất trân quý tâm ý của vợ chồng bà Hoa với Huế, cũng như mong muốn nghĩa cử này sẽ tiếp tục lan tỏa”.

Câu chuyện của vợ chồng bà Hoa với Huế không chỉ dừng ở vườn hoàng mai. Là người con luôn nặng lòng với quê hương, với người dân xứ Huế, sau sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, bên cạnh hỗ trợ gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bình 300 triệu đồng, vợ chồng bà Hoa còn xây 120 ngôi nhà tình nghĩa trị giá hơn 8 tỷ đồng tặng người nghèo các huyện: A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang sau những đợt thiên tai liên tiếp vừa qua.

Và tương tự như vườn hoàng mai, hoạt động thiện nguyện trên của bà Hoa diễn ra khá âm thầm. Âm thầm nhưng không dừng lại. Âm thầm nhưng ngan ngát hương.

Bài, ảnh, clip: Võ Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế

Sáng 2/2 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế
Vàng son một thuở

Lần đầu tiên, hơn 100 tài liệu có lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế được tái hiện sinh động qua triển lãm ngay trên chính khu vực Kỳ đài, Thượng thành, Kinh thành Huế.

Vàng son một thuở
“Kinh thành Huế - dấu xưa còn lại”

Là chủ đề của Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp cùng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức chiều 17/1 tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội. Tham dự, có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo các sở, ngành cùng đông đảo du khách tham quan di tích Huế.

“Kinh thành Huế - dấu xưa còn lại”
Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

TIN MỚI

Return to top