ClockThứ Bảy, 03/09/2016 05:46

Nhận Lộc Bình làm quê hương

TTH - Xã Lộc Bình là đất nghèo của huyện Phú Lộc. Bao năm qua, người dân nơi đây chứng kiến tấm lòng tuyệt vời, lo toan bao việc chung của một người lính ở đồn Biên phòng Vinh Hiền này. Người được nhắc đến là Trung tá Lê Đức Phương, giờ đây còn là Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình.

Thầy giáo bên đầm phá

Con đường về xã Lộc Bình nối từ QL1A giờ đã thoáng rộng, san sát những khóm nhà, vườn cây, vườn đồi xanh thẳm. Đến trung tâm xã, hỏi chuyện anh Phương, nhiều cán bộ trẻ cười giòn: “Trung tá Phương ở đây từ trẻ đến già không ai không biết. Anh ấy là người con của Lộc Bình mà! Giờ này anh đang đi cơ sở, muốn gặp phải chịu khó tìm nhé!”. Theo chỉ dẫn, chúng tôi cũng gặp được anh Phương. Sáng đó vào dịp cuối tuần, anh tranh thủ xuống thôn Mai Gia Phường xem bà con làm đường bê tông và nhân thể trao đổi với các kỹ sư ở tỉnh về chuyện thiết kế làm đường và cống thoát nước ở thôn Tân An...

Trung tá Phương trực tiếp xuống giám sát làm đường bê tông nông thôn tại thôn Mai Gia Phường- Lộc Bình

Nhớ lại những năm thập niên 90, chuyện ăn, ở tại vùng quê Lộc Bình rất khó khăn, con em tìm đến cái chữ cực kỳ nan gian, nhất là thôn Hải Bình nằm bên cửa biển Tư Hiền. Được đơn vị giao nhiệm vụ về với thôn nghèo, thấy con em nơi đây hầu hết lớn tuổi nhưng thất học, anh Phương nóng ruột nên bàn với lãnh đạo đơn vị và địa phương mở lớp dạy học để phổ cập bậc tiểu học. Được sự đồng ý của cấp trên, ngay hôm sau lớp học ra đời nằm cạnh trạm Biên phòng Hải Bình. Gọi là lớp học nhưng chỉ là cái lán trại nhỏ, bàn ghế tạm bợ, sách vở và giấy bút thiếu thốn. Là chiến sĩ mới, chưa quen với tập quán sống vùng sông nước, nhưng với lòng nhiệt huyết, yêu trẻ, anh cùng hai đồng nghiệp phân nhóm, phân lớp, bám chương trình giúp các em tập đọc, tập viết, làm toán. Anh nói, mỗi lần đến lớp nhìn các em ngơ ngác, mặt mày nhem nhuốc là thương và không muốn các em mất chữ, thiệt thòi sau này. Nhưng các em chỉ đến lớp bữa đực, bữa cái vì còn theo bố mẹ lo chuyện mưu sinh. Nắm bắt hoàn cảnh, những em thiếu tiền mua gạo, sách vở, áo quần, anh chia sẻ đồng lương tháng ít ỏi của mình để giúp. Nhiều hôm giá rét, anh phải dậy sớm, đến tận nhà, gọi các em đến lớp học. Anh còn vận động đơn vị, ban ngành cấp trên hỗ trợ gạo, giống cây con để chăn nuôi, trồng trọt tạo nguồn thu nhập kinh tế trong mùa biển  khó.

Đặc biệt, tình cảm sâu sắc anh Phương dành cho cậu bé nghèo tật nguyền ở thôn Hải Bình được nhiều người dân địa phương ví có thể viết, dựng thành phim. Đó là trường hợp của Phạm Văn Cường, nhà nghèo, sống cùng với bà ngoại. Đôi chân Cường bị teo, mỗi sáng mỗi chiều em thường lê ra đầu ngõ nhìn đám trẻ trong làng cắp sách đến lớp mà không giấu được sự thèm muốn. Thấy hoàn cảnh của Cường, anh Phương không ít lần rơi nước mắt nên tìm đến gia đình xin tình nguyện thay “đôi chân” đưa Cường đến lớp suốt gần 5 năm học. Nhờ sự che chở, đùm bọc của anh Phương, bây giờ Cường đã lập gia đình, có con sống trong ngôi nhà hạnh phúc bằng nghề nuôi trồng thủy sản.

Với tấm lòng nhiệt huyết, yêu trẻ, giai đoạn 1993- 2000, anh Phương đã “chở” gần 300 học sinh không chỉ ở thôn Hải Bình mà còn ở thôn Cù Dù, vùng dân cư sống biệt lập ở xã Lộc Vĩnh hoàn thành cấp tiểu học. Nhờ anh “bắc cầu”, đến giờ các bạn trở thành những người tốt; trong số này có nhiều bạn trở thành công chức nhà nước, chủ các doanh nghiệp thành đạt trong Nam, ngoài Bắc.

“Ba cùng” với Lộc Bình

Trung tá Lê Đức Phương sinh năm 1970, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hết cấp phổ thông vào năm 1989, anh nhập ngũ vào đồn Biên phòng Vinh Hiền và được cử đi huấn luyện tại C19 ở Hà Bắc. Hoàn thành khóa học, anh trở về đơn vị cũ và gắn liền với trạm Biên phòng đóng tại thôn Hải Bình. Thời gian đầu, anh là người vừa quản lý, vừa tình nguyện dạy học ở thôn Hải Bình. Từ năm 2000 đến nay, anh được đơn vị tăng cường về “ba cùng” với Lộc Bình

Đầu tiên, anh cùng Ban thường vụ Đảng ủy  xã củng cố, góp phần xây dựng hệ thống chính trị thôn xã, lập kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và phát triển đảng viên, xóa hai thôn trắng đảng viên; trong đó, quan tâm đến chế độ kiểm tra, báo cáo. Anh chủ động phối hợp hưởng ứng các chương trình phát triển hạ tầng dân sinh cho xã nghèo. Nhiều công trình trên giao chỉ có nguồn vốn đầu tư xây dựng, còn địa phương tổ chức bàn bạc vận động dân hiến đất, cây cối để triển khai. Anh Phương bộc bạch: “Nghe trên giao thế nên rất lo. Có lần tổ chức họp dân để vận động, nhưng ngoái đi, ngoái lại chẳng nhìn thấy ai. Đến từng nhà cũng chỉ gặp những cái lắc đầu”. Gặp trường hợp như vậy, anh hết sức linh động, kiên trì, khéo léo mềm dẻo thuyết phục để dân nghe, dân làm theo. Bằng sự chân tình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà tự tin, vay vốn mở các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi nhím, nuôi ốc hương, trồng rau màu có thu nhập ổn định. Điều khó nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con. Thế là anh lại vận động một số hộ chuyển sang làm dịch vụ. Thay vì bà con quen sống tự cung, tự cấp, số hộ này sẽ mua sản phẩm của họ và mang hàng từ trung tâm huyện vào bán. Thị trường ở Lộc Bình khai thông. Bây giờ sắc diện vùng quê Lộc Bình đổi mới từng ngày với điện, đường, trường, trạm khang trang; hộ nghèo giảm từ hơn 40% (trước năm 2010) nay chỉ còn hơn 23% (chuẩn mới)...

Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình cho biết: “Lộc Bình được như hôm nay, có công đóng góp không nhỏ của Trung tá Phương. Vừa qua, đại hội Đảng bộ xã Lộc Bình nhiệm kỳ 2015- 2020, Trung tá Lê Đức Phương đã được tín nhiệm bầu vào Phó Bí thư Đảng ủy xã”. Trung tá Lê Đức Phương chia sẻ Lộc Bình đã là quê hương thứ 2. Vợ anh là chị Phạm Thị Bích Hồng, người ở T.P Đồng Hới hiện là giáo viên Trường tiểu học Lộc Bình. Hai người con của anh rất ngoan; trong đó, cháu đầu Lê Phạm Đức Phong là cựu học sinh chuyên Trường Quốc học Huế đoạt Giải 3 môn Sinh học Quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường đại học Y Dược Huế năm 2015. đó là những phần thưởng xứng đáng mà quê hương Lộc Bình đã ban tặng cho anh.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Return to top