ClockThứ Bảy, 27/03/2021 15:01

Nhân nhượng cũng phải có nguyên tắc

TTH - Anh gọi điện cho tôi, giọng đầy hân hoan báo tin con gái sắp lấy chồng. Báo trước là ngày ấy, giờ ấy mời vợ chồng tôi chung vui. “Đặt cọc trước cho chắc, còn thiệp mời sẽ được chuyển sau.”- Anh vui vẻ.

Ai là chủ hôn?!!

Gần ngày cưới, anh lại đột nhiên gọi, năn nỉ nhờ tôi đại diện nhà gái để lo chuyện thưa gửi với nhà trai. Tôi ậm ừ hơi ngại. Không phải ngại về mặt thủ tục, bởi mình cũng từng làm chú rể, từng dự rất nhiều cái thành hôn, vu quy của bạn bè, anh em, con cháu, láng giềng… nên ít nhiều cũng học lỏm được cái khoa nghi thức cưới xin. Nhưng ngại là bởi lẽ phía nhà trai là dân ngoại quốc “tiếng hiếm”, tiếng Anh thì còn có thể võ vẽ dăm ba câu, chứ cái tiếng hiếm thì hơi “hiểm”. Chả lẽ 2 họ cùng diễn… kịch câm với nhau?!! “Có phiên dịch.”- anh trấn an. Vậy thì OK, ngán gì mà chả nhận.

Ngày cưới, trong lúc chờ đợi nhà trai nạp lễ. Cả anh và cô dâu cứ nhắc tới nhắc lui với tôi: “Bên nhà trai xin không lạy gia tiên. Thống nhất vậy rồi…”. Ấy là họ sợ nhỡ nhà trai đến, tôi lại dẫn vào, dâng hương lên bàn thờ gia tiên rồi mời này mời nọ, bể dĩa… Tôi gật đầu. Vậy thì càng nhẹ vai. Không sao cả. Nhưng trong thâm tâm thì thấy lạ kỳ quá thể.

Nhà trai cũng là dân Á Đông, đồng văn đồng chủng với xứ ta, lễ nghi có khi còn phức tạp hơn ta nữa. Sao bây giờ lại nhất nhất không bái lạy gia tiên nhà gái. Quái lạ! Đồng ý có tiết giảm, có “nhân nhượng”, nhưng phải có nguyên tắc chứ. Cái gì tiết giảm được thì tiết giảm. Cái gì thuộc về nguyên tắc thì phải gắng mà giữ. Ai đời vào lấy con gái người ta, mà bàn thờ gia tiên nhà họ lại không được một cái cúi chào?!! Ngắm nhìn cô dâu, cũng trẻ trung, xinh đẹp, có học thức, có công việc ngon lành. Thà như một số cô gái nông thôn ôm mộng lấy chồng ngoại thì cũng cam… Nhưng thôi, ngày vui của người ta, suy cho cùng mình chỉ là khách, được mời “sắm vai” cho vui. Ý kiến ý cò, có khi bị cho nhiều chuyện, phá đám. Phiền!

Nghĩ thế, nhưng trong lòng sao mà cứ ấm ức không chịu được. Ngẫm tới ngẫm lui, thấy đây không chỉ là chuyện cá nhân của ai hết, mà còn là “tự ái dân tộc”. Cả đám người ngoại quốc phía nhà trai, đến cưới con gái Việt Nam ta, mà sao thấy đơn giản nhẹ tênh thế, có khi trở về lại bàn tán, cho rằng dân tộc Việt văn hóa nghèo nàn, dễ dãi. Vậy là vào cuối tiệc cưới, nhân lúc khách phương cũng đã vãn dần, tôi mời chú rể ngồi chơi, bắt chuyện. Nhân đó, tôi giảng giải cho anh ta biết về phong tục cưới xin của Việt Nam ta, nói cho anh ta hiểu gia đình nhà gái cho tiết giảm như vừa rồi là vì bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh COVID-19 (là tôi… bịa lý do cho hợp lý vậy, chứ nào có kịp hỏi gia chủ lý do lý trấu gì đâu). Anh chàng chú rể ngồi nghe, tròn mắt gật gật có vẻ rất thú vị và cúi đầu cảm ơn tôi đã cho anh ta hiểu thêm về phong tục văn hóa Việt, bây giờ là quê vợ của anh chàng.

Xong việc cưới xin, trở về nhà, tôi thấy lòng nhẹ bớt phần nào. Dẫu cho có bị cho là lo việc bao đồng, nhưng vì lòng tự trọng của một người Việt Nam, điều đó với tôi cũng không sao cả.

THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ

Theo dữ liệu vừa được công bố ngày 19/3 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng các cặp đôi kết hôn ở nước này trong năm 2023 đã tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, do nhu cầu bị dồn nén từ các cặp vợ chồng đã trì hoãn đám cưới trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, dữ liệu không cho thấy đây là sự phục hồi bền vững trong một xã hội đang già đi nhanh chóng như Hàn Quốc.

Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ

TIN MỚI

Return to top