ClockThứ Sáu, 05/02/2021 14:18

Tết an toàn

TTH - Tết đoàn viên. Tết yên vui, hạnh phúc…là điều ai cũng mong muốn mỗi khi xuân về. Nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 3, khiến không chỉ người dân ở vùng xuất hiện dịch mà cả nước lo âu, phập phồng. Tết an toàn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu lúc này.

Lực lượng chức năng xác định “không ăn tết” để phòng chống dịch COVID-19

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 này lại rơi vào đúng thời điểm cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khiến thiệt hại về kinh tế lẫn lo âu càng tăng gấp nhiều lần. Theo thông tin của BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 4/2, Việt Nam có tổng cộng 1.059 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 366 ca.

Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương căng mình dồn sức, tập trung mọi nguồn lực để khoanh vùng, truy vết, phát hiện và dập dịch. Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vào chiều 28/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn nên chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn, quyết tâm phấn đấu 10 ngày sẽ dập tắt dịch (tức là trước Tết Nguyên đán).

Với Thừa Thiên Huế, tuy chưa xuất hiện các ca nhiễm COVID-19, nhưng các lực lượng chức năng xác định sẵn sàng không ăn tết để tập trung chống dịch. Tỉnh quán triệt thực hiện phương châm phòng dịch sớm-phát hiện kịp thời-cách ly triệt để. Nhiều mô hình hiệu quả cũng triển khai như thành lập tổ công tác phòng chống dịch tại cộng đồng; kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Hue-S; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cài đặt, tổ chức quyét mã QR code…

Trong khi Chính phủ, các lực lượng chức năng nỗ lực hết sức mình thì điều đáng lo ngại là sự hợp tác của người dân chưa tốt. Con số chỉ có 1% trong số F1 tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm; không ít trường hợp mắc COVID-19, hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch… mà Thứ trưởng Bộ Y tế Bùi Thế Duy thông tin với báo chí khiến chúng ta không khỏi lo lắng.

Điều này có thể lý giải một phần do sự chủ quan, lo ngại tâm lý kỳ thị của cộng đồng với các “F”, nhưng hơn hết là tâm lý sợ “mất tết” của người dân. Chuyện “mất tết” không chỉ là chuyện vui chơi, đi lại thăm hỏi, đoàn tụ gia đình mà mất cả nguồn thu nhập. Bởi, thông thường dịp tết là cơ hội làm ăn tốt nhất của nhiều người. Thậm chí có người cả năm dồn sức chăm bẵm nuôi trồng và trông chờ ngày tết để gặt hái thành quả lao động, nhất là những mặt hàng dành riêng phục vụ dịp tết, nếu không tiêu thụ được chỉ còn cách vứt bỏ.

Hiện nay, ngoài nguồn lây nhiễm từ các ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh (nguồn lây nhiễm cộng đồng) còn có 2 nguồn lây nhiễm khác cũng cần được giám sát chặt chẽ. Đó là người nhập cảnh hợp pháp, được đưa vào cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Nguồn lây nhiễm đáng lo ngại hơn là nguồn nhập cảnh trái phép. Do đường biên giới của nước ta rất dài, việc ngăn chặn nguồn bệnh này không chỉ phụ thuộc lực lượng chức năng mà nhất định cần toàn dân phải vào cuộc. Phát động toàn dân ai có người nhà ở nước ngoài nhập cảnh phải cách ly.

Nếu quản lý tốt, chặt chẽ 3 nguồn lây nhiễm trên chúng ta không chỉ có được cái tết bình an, mà còn là cơ sở khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống xã hội nhanh nhất.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top