ClockThứ Bảy, 30/11/2019 06:00

Thầm lặng “dõi nắng, theo mưa”

TTH - Trong trận đại hồng thủy năm 1999, các cán bộ thủy văn dù khó khăn mấy cũng tìm mọi cách thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cung cấp số liệu phục vụ công tác phòng chống bão lũ. Ngày nay, việc “dõi nắng, trông mưa” đã có sự hỗ trợ của công nghệ, giúp người làm công tác này bắt nhịp “hơi thở” thời tiết tốt hơn.

Quản lý rủi ro thiên tai: Bài học ứng phó cho thời gian tớiTác nghiệp trong trận lũ lịch sửĐầu tư phát triển lưới điệnNhững bài học sâu sắc về phòng chống thiên taiNhững bài học đắt giá

Tuyến quan trắc mặt nước tại Trạm Thủy văn Kim Long

Không rời mục tiêu

Lúc trận lũ lịch sử năm 1999 diễn ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (DBKTTV) tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) có 3 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn và 3 trạm đo mưa. Tất cả các trạm thời điểm đó đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, trong đó đáng nể nhất là chị Nguyễn Thị Thanh Mai thuộc Trạm Thủy văn Kim Long, người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen sau trận lụt.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai lúc đó mới ngoài 20 tuổi, được phân công về làm việc tại Trạm Thủy văn Kim Long (TP. Huế) – trạm quan trắc bằng thủ công 24/24. Trạm lúc này còn có bà Nguyễn Thị Nghiêm là trạm trưởng và chị Nguyễn Thị Hương – vừa mới ra trường.

10h trưa 2/11/2019, nước bắt đầu dâng cao, sau một vài cuộc điện thoại báo cáo tình hình thì liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Ba nữ nhân viên trong trạm bảo quản tài liệu và các tài sản quan trọng trong túi ni lông cột kín. Người dân bắt đầu chèo thuyền đưa người đi di tản, bà Nghiêm đưa các vật dụng giấy tờ quan trọng qua nhà các sơ đối diện tránh lụt.

So sánh lượng mưa qua các đợt mưa bão và thiệt hại sau trận lụt 1999

11h trưa, mưa như trút, nước lũ về. Hai chị quan sát thủy chí, khi nước ngập gác xép liền dùng rựa phá ô thông gió trên gác, dùng dây đu xuống mái hiên bếp. “Chúng tôi cẩn thận mang theo đèn pin, sổ sách, thước cầm tay, đồng hồ để bàn. Ngồi trên mái hiên mưa rát mặt nhưng vẫn thấy rõ cảnh làn nước hung dữ cuốn phăng cây cối, nhà cửa ra giữa sông Hương...”, chị Mai nhớ lại.

Nước tiếp tục dâng. Trời càng về chiều, chị Mai và chị Hương vẫn dùng thước nước cầm tay đo và ghi chép từng giờ. Đến 17h, nhiều thuyền qua về kêu gọi họ mau rời trạm vì sợ đêm đến dễ gặp bất trắc. Sau một hồi cân nhắc, cả hai quyết định lên một chiếc thuyền qua trú ở nhà dòng các sơ phía bên kia đường. Giục thuyền chèo nhanh, các chị tiếp tục dẫn cao độ, kẹp thủy chí vào bậc tam cấp, thay nhau quan sát, làm nhiệm vụ cho đến sáng.

Lục lại trí nhớ, chị Mai cho hay: “Tầm 4h sáng 3/11 thì nước có dấu hiệu hạ. Đây là mốc thời gian chúng tôi nhớ kỹ và quyết định sáng hôm sau phải trở lại trạm sớm nhất có thể để phục hồi hệ thống đo đạc và tìm cách kết nối thông tin về Trung tâm”.

Có bà Nghiêm tiếp sức, hai cô gái ngoài đôi mươi bươn bả về trạm dọn bùn ngang thắt lưng. Người lo đo lượng mưa, người đo mực nước, người ghi ghép sổ sách cẩn thận. Chị Mai lúc này đạp mảnh chai, vết thương ở chân mất khá nhiều máu nhưng sau khi được một bác sĩ gần đó sơ cứu, chị tiếp tục cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ.

Mực nước đỉnh lũ theo sổ sách ghi lại ở Trạm Kim Long lúc bấy giờ là 5,81m, tương đương với tòa nhà hai tầng. Chưa từng trải qua kinh nghiệm phòng chống lũ dữ, chị Mai nói: “Vận dụng tất cả những kiến thức được đào tạo, lúc đó mình ứng biến mọi tình huống khá bình tĩnh, nhờ vậy mới cập nhật số liệu đo đạc từng giờ. Cũng không phải anh hùng chi, chỉ là cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ dù lúc đó rất sợ độ cao, thân gái trong cảnh mưa lạnh, rồi vết thương đau…”.

Thầm lặng sau những bản tin

Ngày 1/11/1999, Trung tâm DBKTTV đã thông báo bản tin toàn tỉnh có mưa to và rất to, có thể gây ra một đợt lũ lớn mức báo động 3.

Ông Nguyễn Việt, nguyên Giám đốc Trung tâm thời điểm này cho hay: “Chúng tôi không có máy tính nên không thể dự báo định lượng. Bằng phương pháp thủy văn phổ biến như mưa rào - dòng chảy, trạm trên - trạm dưới có thể tính ra giá trị, nhưng sai số rất lớn. Những thông số của trận lũ lịch sử này chưa từng xảy ra trong quá khứ, vượt ra ngoài mọi tính toán của chúng tôi và Trung tâm DBKTTV Trung ương”!

Ông Nguyễn Việt kể lại hành trình vượt khó thực hiện nhiệm vụ của các quan trắc viên trong lụt 1999

Khi mất liên lạc với Trạm Kim Long, ông Việt cùng đồng nghiệp tìm mốc cao độ quốc gia dẫn từ Trạm Kim Long về sân Trung tâm chính (đóng ở đường Phan Chu Trinh hiện nay), lấy dây và thước nước dẫn mực nước từ mốc cao độ lên tam cấp nhà làm việc bị ngập, đánh dấu làm chuẩn. Mỗi bậc tam cấp cao 20cm. Vậy là có một trạm thủy văn dã chiến. Giá trị mực nước đo được ở trạm này trừ đi một giá trị chênh lệch sẽ ra mực nước Trạm Kim Long tương ứng.

“Nhờ có trạm dã chiến này mà chúng tôi có số liệu từng giờ để cung cấp cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCHPCLB) tỉnh”, ông Việt hồi tưởng.

Trong câu chuyện của ông Việt, không chỉ chị Mai và anh em ở Trung tâm chính mà ở các trạm khác, quan trắc viên có người thuê xe, thuê thuyền bám nhiệm vụ đo đạc và truyền tin liên tục trong suốt mấy ngày mưa lũ kéo dài. Thực hiện công việc thầm lặng trong khó khăn, gian khổ nhưng chính những thông tin dự báo họ chuyển về giúp BCHPCLB tỉnh đưa ra những quyết định hợp lý, đúng đắn.

20 năm đi qua, ngành khí tượng thủy văn đã có những phát triển vượt bậc, công việc dõi nắng, theo mưa thuận không còn làm thủ công như trước. Công nghệ quan trắc, khoa học dự báo bão, lũ giúp đưa ra cảnh báo sớm và độ chính xác cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hệ thống quan trắc đã ứng dụng công nghệ viễn thám (rađa, vệ tinh phân giải cao). Mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn và đo mưa tự động, với khả năng truyền tự động số liệu. Đối với dự báo, cảnh báo bão, lũ: các bản tin dự báo đã dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nói về việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực này hiện nay

“Trên tất cả, con người vẫn là yếu tố quyết định. Do đó, việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ khí tượng thủy văn rất quan trọng và chúng tôi đang chú trọng khâu này. Tuy công việc thầm lặng, song chúng tôi luôn tự dặn mình phải luôn sẵn sàng để sát cánh cùng cộng đồng trong phòng chống thiên tai”, ông Hùng khẳng định.

Đối với dự báo, cảnh báo mưa lớn hiện đã dự báo trước 2-3 ngày. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh có thể trước 5 - 7 ngày. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng có thể  trước từ 2 - 3 ngày.

Đối với dự báo, cảnh báo thủy văn: dự báo, cảnh báo lũ trên các sông  trước 24 - 48 giờ đạt từ 70 - 85%. Lũ quét, sạt lở đất, đá đã cảnh báo trước 6 - 12 giờ.

Bài, ảnh: L.TUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ

Sáng 4/4, diễn giả Nguyễn Trung Dân, Phó giáo sư của Trường đại học Arizona Mỹ có buổi talkshow, chia sẻ với giảng viên, sinh viên và học sinh Trường đại học Khoa học, Đại học Huế với chủ đề “Chip bán dẫn – Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ”

Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ
Return to top