ClockChủ Nhật, 18/09/2016 13:28

Âm nhạc - liều thuốc tinh thần cho người tị nạn

TTH.VN - "Tôi không có đủ khả năng cung cấp lương thực cho người dân ở Yarmouk, nhưng tôi có thể mang lại món ăn tinh thần cho họ thông qua âm nhạc", anh al-Ahmad cho biết.

Hy Lạp đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng người tị nạnLHQ hoan nghênh cam kết chung bảo vệ người tị nạnNhóm VĐV người tị nạn đến Rio, sẵn sàng cho Olympic 2016Mỹ sẽ cung cấp 1.000 khóa học trực tuyến miễn phí cho người tị nạnKhảo sát: Người dân nhiều nước sẵn sàng chào đón người tị nạn

Anh Ayham al-Ahmad bên cây đàn piano của mình. Ảnh: UN

"Cùng với cây đàn piano, tôi làm tất cả mọi thứ: đó là công việc, là những nghiên cứu của tôi tại đại học; và để dạy nhạc cho bọn trẻ" anh Ayham al-Ahmad phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh Radio của LHQ, trước thềm hội nghị thượng đỉnh LHQ về cuộc di tản khổng lồ của những người tị nạn và người di cư sẽ bắt đầu vào ngày mai (19/9/2016).

Sinh năm 1988 tại Yarmouk - một trại tị nạn Palestine ở gần thủ đô Damascus của Syria, anh al-Ahmad chưa bao giờ đi đâu khỏi quê nhà suốt 27 năm. Không lâu sau khi chiến tranh nổ ra ở Syria vào năm 2011, bạo lực đã lan đến nơi mà anh và gia đình đang sinh sống. Thay vì trốn chạy, anh al-Ahmad quyết định ở lại và “chiến đấu” cùng với cây piano của mình. Với loại “vũ khí đặc biệt” này, anh al-Ahmad chơi đàn trong đống đổ nát, mang lại niềm vui rộng khắp và tiếng cười cho những đứa trẻ ở Yarmouk.

"Tôi dạy bọn trẻ trên các đường phố, hát với chúng, cười với chúng, và yêu thương chúng", anh chia sẻ. Nhưng đó đã là quá khứ. Anh al-Ahmad hiện không còn sống ở Yarmouk - anh trốn khỏi Syria, qua Thổ Nhĩ Kỳ, và dừng chân tại Đức, nơi anh đang sinh sống cùng với gia đình mình.

"Tôi quyết định rời đi, sau khi Zeinab chết", anh nói. Zeinab là một cô bé từng hát với anh. Cô bé đã thiệt mạng khi những kẻ vũ trang của lực lượng khủng bố IS nổ súng vào khu trại, và đốt cháy cây đàn piano của anh. Thời điểm đó là năm 2015.

Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh của LHQ, khi được hỏi lý do tại sao lại chọn chơi piano trong các trại tị nạn, anh al-Ahmad trả lời rằng, "tôi không có đủ khả năng cung cấp lương thực cho người dân ở Yarmouk, nhưng tôi có thể mang lại món ăn tinh thần cho họ thông qua âm nhạc". Với những tổn thương và đau khổ mà chiến tranh đã gây ra cho các cư dân ở Yarmouk, anh al-Ahmad quyết định tìm cách để làm cho bọn trẻ mỉm cười, và có lẽ, quên đi những tàn khốc của chiến tranh. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đánh giá cao những nỗ lực của anh, nhất là người lớn tuổi. "Những người trên 40 không thích âm nhạc. Họ nói rằng “tại sao người dân đang chết dần mà anh thì chơi nhạc? Anh nên dừng lại và im lặng", thế nhưng "những người trẻ tuổi và bọn trẻ lại rất thích âm nhạc. Khi tôi đặt cây piano giữa đường, chúng hào hứng kéo đến như một bầy ong kéo đến một bông hoa hồng," anh nói.

Ayham chơi nhạc trên các đường phố của Yarmouk. Ảnh: Facebook Ayham al-Ahmad

Trong cuộc phỏng vấn, al-Ahmad cũng kể về những chuyến đi "kinh hoàng" từ Syria đến Đức, và những khó khăn mà người tị nạn Palestine phải đối mặt thêm.

Anh al-Ahmad thực hiện chuyến đi một mình, để người vợ và con cái ở lại Syria. "Tôi quyết định chết một mình", anh giải thích. Gia đình anh sau đó đã đoàn tụ ở Đức, thông qua các biện pháp pháp lý.

Giờ đây, khi định cư tại Đức, anh cũng đang cố gắng sử dụng âm nhạc của mình để cho thế giới thấy chân dung thật sự của những người tị nạn và người Hồi giáo, nhấn mạnh rằng "chúng tôi không phải những kẻ khủng bố".

Tại Đức, anh al-Ahmad có một cuộc sống mới và những giấc mơ mới để theo đuổi Nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện rất khác của những người tị nạn khác, những nạn nhân vẫn bị cuốn vào cuộc xung đột ở Syria, và trong các cuộc xung đột trên thế giới. Nhiều người, như anh al-Ahmad, cũng đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi những xung đột để tìm kiếm sự an toàn ở các nước khác. Bên cạnh những người tị nạn, có hàng ngàn người di cư và người xin tị nạn phải thực hiện những hành trình nguy hiểm khi họ cố gắng tìm nơi trú ẩn an toàn hơn, hay một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Vấn đề người tị nạn - chương trình nghị sự hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh của LHQ

Năm nay, ngoài các cuộc tranh luận chung - cuộc thảo luận đa phương về các vấn đề quốc tế bao trùm bởi Hiến chương LHQ - Hội nghị thượng đỉnh LHQ về người tị nạn sẽ triệu tập đại diện các nước ở cấp Nhà nước và cấp Chính phủ để thảo luận về dòng chuyển dịch lớn những người tị nạn và di cư, với mục đích tạo ra một phản ứng quốc tế tốt hơn. Diễn đàn kỳ vọng sẽ tăng cường việc quản trị dòng người di cư quốc tế và mang lại cơ hội duy nhất để tạo ra một cách tiếp cận nhân đạo hơn và phối hợp tốt hơn với các phong trào mở rộng của họ.

Bà Karen AbuZayd - cố vấn đặc biệt của Hội nghị cấp cao LHQ về sự dịch chuyển lớn của người tị nạn và người di cư. Ảnh: Paulo Filgueiras

Bà Karen AbuZayd, Cố vấn đặc biệt của Hội nghị, nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần đáp ứng những thách thức liên quan đến những cuộc di tản lớn dự kiến ​​trong tương lai. Bà bày tỏ niềm tin vững chắc rằng "một chiến dịch tích cực có thể vượt qua sự phân cực chính trị ... và củng cố các giá trị cơ bản của sự đa dạng và những lợi ích của người di cư".

Bên lề Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về người tị nạn - cùng với Canada, Ethiopia, Đức, Jordan, Mexico và Thụy Điển - yêu cầu các chính phủ thực hiện những cam kết ý nghĩa.

Cây piano của anh al-Ahmad không thể cung cấp cho tất cả những người tị nạn và người di cư mọi sự giúp đỡ mà họ cần, nhưng có thể giúp đoàn kết họ lại. Trước hội nghị thượng đỉnh về sự dịch chuyển lớn của những người tị nạn và người di cư, Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi đã đệ trình một kiến ​​nghị mới lên Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Theo lời ông, đơn yêu cầu - trong đó có hơn 1 triệu chữ ký thu thập từ khắp nơi trên thế giới - là biểu hiện cho tình đoàn kết của công chúng và chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng di dời và di cư cưỡng bức. Trình bày kiến ​​nghị, ông Grandi ghi nhận: "chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người muốn giúp đỡ, muốn chia sẻ, và muốn tiếp nhận".

Tố Quyên (Lược dịch từ UN & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh

Australia sẽ bắt đầu thực thi các quy định chặt chẽ hơn về thị thực đối với sinh viên nước ngoài từ cuối tuần này, khi dữ liệu chính thức cho thấy lượng người di cư đến Australia đã đạt mức cao kỷ lục mới, điều này được cho là có thể làm trầm trọng thêm thị trường nhà cho thuê vốn đã căng thẳng của Australia.

Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh
Bùng cháy đêm nhạc Phố Tây

Tối 13/1, một số band nhạc rock trẻ của Huế, UBND phường Phú Hội và Ban quản lý Phố đi bộ phường Phú Hội phối hợp tổ chức đêm nhạc rock “đầy bùng cháy”: Rock on the Weekend tại ngã tư đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu - Phố Tây Huế.

Bùng cháy đêm nhạc Phố Tây

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top