Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn đang rất lớn. Ảnh minh họa: FORBES/Nhân dân Điện tử
Cụ thể, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, số ca nhiễm mới trên toàn cầu lại tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng, biến thể Delta đang trở thành biến thể thống trị và nhiều quốc gia vẫn chưa nhận được đủ liều vaccine COVID-19 cần thiết để bảo vệ nhân viên y tế của mình.
“Biến thể Delta đang lây lan khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, tạo ra một đợt dịch COVID-19 mới với số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục. Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang thực sự đặt hàng triệu mũi tiêm nhắc lại, trước khi các nước khác nhận được nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho đội ngũ y tế đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch và những người dễ bị tổn thương nhất”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Giám đốc Tedros, nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho các quốc gia có mức độ tiêm chủng cao. Ông Tedros nhận định, thay vì làm vậy, họ nên chuyển lượng vaccine của mình sang cho COVAX - chương trình chia sẻ vaccine chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Nhà khoa học trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan cho hay, tổ chức hiện vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vaccine.
“Nó phải dựa trên cơ sở dữ liệu, không phải dựa trên ý kiến của các công ty riêng lẻ tuyên bố rằng vaccine của họ cần sử dụng thêm một liều tăng cường”, bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh.
Trong một ý kiến khác có liên quan, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết rằng sẽ là rất xấu hổ khi các quốc gia sử dụng lượng vaccine quý giá này để tiêm nhắc lại, vào chính thời điểm mà những người dễ bị tổn thương nhất ở những nơi khác vẫn đang bị đe dọa và tử vong mà không được tiêm vaccine.
Được biết, tính đến 8h37p ngày 13/7 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận hơn 188 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 4 triệu người đã tử vong và gần 171 triệu bệnh nhân đã bình phục.
Tại Australia, các nhà chức trách cảnh báo người dân Sydney thuộc tiểu bang New South Wales cần chuẩn bị cho một đợt phong tỏa kéo dài, bởi số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày đang ghi nhận mức cao kỷ lục.
Đợt bùng dịch này cũng trở nên nghiêm trọng bởi sự lây lan của biến thể Delta. Biến thể này vẫn đang tiếp tục “mở rộng” nhanh chóng, mặc dù thành phố 5 triệu dân của Australia đã bước vào tuần phong tỏa thứ 3.
Cùng lúc ở Pháp, Tổng thống Emmanuem Macron cũng yêu cầu tất cả nhân viên y tế nước này đều phải tiêm vaccine và bất kỳ ai muốn đến rạp chiếu phim, hoặc đi tàu đều sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Động thái được triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng dịch bệnh đang ngày càng diễn tiến nghiêm trọng.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)