ClockThứ Tư, 04/05/2016 22:26

Thư pháp yêu thương...

TTH - Với nhiều sinh viên Huế, hình ảnh anh đồ trẻ ngồi viết thư pháp trong chương trình hiến máu nhân đạo được tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng đã trở nên quen thuộc.

Lặng lẽ với mực tàu, giấy đỏ, Đỗ Hữu Hoàng Đạt sinh viên năm 3 ngành Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện (Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ Thuật Huế) chia sẻ, hằng năm, trong các chương trình hiến máu nhân đạo, một số đơn vị đã mời Đạt về viết thư pháp tặng cho sinh viên tham gia hoạt động này. Những bức thư pháp trao tay người nhận, được họ nâng niu như món quà quý.

Hoàng Đạt tặng chữ trong lễ hội Xuân hồng 2016

Năm 2015, Hoàng Đạt lọt vào top 120 tình nguyện viên Hành trình đỏ xuyên Việt thực hiện từ Cà Mau ra Hà Nội trong một tháng. Đây là chương trình tuyên truyền vận động hiến máu và nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh. Qua các tỉnh thành, mỗi nơi Hoàng Đạt đều trao tặng khoảng 100 – 200 bức thư pháp do chính tay mình viết. Đạt nói, khi tặng chữ trong những hoạt động ý nghĩa, thư pháp sẽ động viên người nhận cố gắng phát huy việc tự soi mình để hoàn thiện bản thân.

Theo Hoàng Đạt, thư pháp đã cho em hiểu hơn về tình người. “Đi viết thư pháp, em được tiếp xúc nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có lần, em gặp được một người vừa mất vợ. Chú kể, sau khi đi làm thợ xây về thì vợ vừa trút hơi thở cuối cùng. Đau lòng trước sự ra đi của vợ, chú làm bài thơ “Di ảnh lúc hoàng hôn” và mong muốn làm một bức thư pháp treo lên tặng vợ nên nhờ em viết. Những lần cho chữ, em cảm nhận được ý nghĩa của nghệ thuật và lòng nhân ai”, Hoàng Đạt nói.

Đất lành

Từ năm lớp 8, vô tình thấy những nét chữ thư pháp trên các tờ lịch, Hoàng Đạt đem lòng say mê. Hễ có thời gian rảnh, Đạt lại chạy quanh xóm xin những tờ lịch ấy về dùng bút màu học mỹ thuật để tập viết. Hai năm “rèn luyện nghệ thuật” trên chất liệu tạm bợ, không ai hướng dẫn, cuối cùng cũng trở nên thành thạo.

Lên phổ thông, điều kiện thời gian khó khăn nên gia đình không cho em theo đuổi đam mê, tình yêu thư pháp cũng tạm gác. Cho đến khi ra Huế học đại học, nhiều cơ duyên đã khiến em càng say mê. Ngành Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện hầu như không liên quan đến thư pháp, nhưng kiến thức về hội họa giúp em thể hiện được các tác phẩm. Con người, khung cảnh ở Huế cho em cảm hứng nghệ thuật. Khi chọn trường để học, em cũng rất đắn đo. Thích công nghệ thông tin và mỹ thuật, cuối cùng quyết định chọn Huế. Nếu ai hỏi, vì sao càng ngày em càng yêu thư pháp, em sẽ trả lời Huế là mảnh đất bồi dưỡng thêm cho em tình yêu công việc của một ông đồ”, chàng trai Quảng Nam trải lòng.

Tuy có nhiều người đặt viết thư pháp, nhưng mục đích chính của chàng sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế chưa phải là dùng chữ để kiếm tiền. Hoàng Đạt chia sẻ, Việt Nam là nước sử dụng chữ cái la-tinh viết thư pháp nên mong muốn của em là cố gắng học tốt tiếng Anh để đem thư pháp đến với bạn bè quốc tế, quảng bá một nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước mình. “Vừa rồi một số nghệ sĩ của Đức tới Huế để hướng dẫn và chia sẻ với sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế về nghệ thuật âm thanh. Em đã viết nhiều bức thư pháp để tặng và thấy họ rất thích. Đây là cơ hội để đưa nghệ thuật thư pháp truyền thống đến với bạn bè muôn phương”, Hoàng Đạt kể.

Trong tâm khảm của chàng sinh viên năm 3, Huế đã là quê hương thứ hai. Đạt mong muốn sẽ dùng thư pháp như một món quà đơn sơ mang đến niềm vui nho nhỏ cho những con người ở mảnh đất Cố đô.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biểu diễn thư hoạ và đấu giá vì cộng đồng

Tối 11/11, Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Huế phối hợp với UBND phường Vĩnh Ninh và Ban Quản lý Phố đi bộ Hai Bà Trưng tổ chức chương trình “Biểu diễn thư họa và đấu giá vì cộng đồng” nhằm kết nối thư họa cùng các mạnh thường quân, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Biểu diễn thư hoạ và đấu giá vì cộng đồng
Trưng bày không gian áo dài tại cung An Định

Hàng chục gian trưng bày áo dài truyền thống, phụ kiện đi kèm cũng như các mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng của Huế… vừa được trưng bày đón người xem tại cung An Định (đường Phan Đình Phùng, TP. Huế) vào chiều 1/8.

Trưng bày không gian áo dài tại cung An Định
"Thần Kinh Nhị Thập Cảnh" qua thư pháp Truyền thừa của Đài Loan (Trung Quốc)

Sáng 17/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Hội thư pháp Truyền thừa của Đài Loan (Trung Quốc) khai mạc triển lãm “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh - thơ vua Thiệu Trị qua thư pháp Truyền thừa của Đài Loan (Trung Quốc)” tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội.

Thần Kinh Nhị Thập Cảnh qua thư pháp Truyền thừa của Đài Loan Trung Quốc
Triển lãm 30 tác phẩm thư pháp về thơ thiền Việt Nam

Tiếp nối chuỗi hoạt động tại tuần lễ thơ thiền Việt Nam, sáng 27/3, triển lãm thơ thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán khai mạc tại vườn Thiệu Phương – Đại Nội. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ đã đến dự triển lãm.

Triển lãm 30 tác phẩm thư pháp về thơ thiền Việt Nam
Return to top