ClockChủ Nhật, 26/01/2020 15:50

Tôn Thất Vĩnh đi tìm “chân trời” khoa học

TTH.VN - Nổi tiếng với những bài báo quốc tế được giới nghiên cứu đánh giá cao từ khi còn ngồi ghế giảng đường; từng được bình chọn công dân trẻ tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh; được nhận thực tập nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ. Tốt nghiệp ở vị trí thủ khoa với tấm bằng xuất sắc… Nhìn vào bảng thành tích “vàng” đó, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thán phục. Người sở hữu thành tích ấy là chàng trai trẻ người Huế, sinh năm 1997 Tôn Thất Vĩnh.

Ba chàng trai đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc giaChàng trai Huế rạng danh trên đất NgaGặp chàng trai đạt giải nhì học sinh giỏi Quốc gia5 chàng trai Việt “giành vé” vào trường ĐH đáng mơ ước nhất thế giới

Tôn Thất Vĩnh - người trẻ với nhiều bài báo khoa học quốc tế được đăng tải và được giới nghiên cứu đánh giá cao

Biết Vĩnh từ khá lâu, nhưng đến gần đây, lúc tốt nghiệp ở vị trí thủ khoa hệ cử nhân tài năng Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh mới chấp nhận chia sẻ câu chuyện về bản thân mình. Nhân dịp đầu năm mới Canh Tý, Vĩnh có cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Online:

- Học CNTT, nhưng rẽ lối sang nghiên cứu AI. Vĩnh có thể nói về cơ duyên và hành trình theo đuổi?

Ban đầu mình chỉ tham gia vào một nhóm nghiên cứu tại trường để có thể học tập kiến thức và kỹ năng cho môn học “Phương pháp nghiên cứu khoa học”. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thì may mắn gặp được thầy và sau này trở thành thầy hướng dẫn là PGS. TS. Trần Minh Triết (Phó hiệu trưởng trường). Thầy tận tình hướng dẫn mình và mọi người trong nhóm nghiên cứu. Vì thế, mình đã học được nhiều kiến thức mới và kỹ năng.

Rồi từ đó, mình cảm thấy hứng thú với những kiến thức. Không lâu sau, mình xin được tiếp tục được tham gia vào các hoạt động của phòng nghiên cứu của trường để có thể học hỏi và đam mê từ khi nào không hay.

- Nghiên cứu AI là lĩnh vực khá mới mẻ, vậy trong quá trình nghiên cứu, chắc hẳn Vĩnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn?

Với mình, khó khăn lớn nhất đó là về kiến thức cơ bản. Từ khi bắt đầu tham gia nhóm chỉ mới sinh viên năm 2 nên kiến thức chưa có vững, còn nhiều lỗ hổng. Nhưng đổi lại khi may mắn có mọi người trong nhóm giúp đỡ nên tiếp cận nhanh hơn. Bên cạnh đó, mình tranh thủ sắp xếp thời gian học tập các môn ở trường sao cho hợp lý nhất, và trau dồi ngoại ngữ, vì tài liệu thường được viết bằng tiếng Anh.

- Ngành học CNTT Vĩnh theo học đóng vai trò như thế nào trong việc nghiên cứu về AI?

Mặc dù theo học CNTT, nhưng 2 năm đầu tiên, ngoài các môn nhập môn về công nghệ thông tin, còn được học các môn đại cương về Toán, Vật lý… như là các môn bắt buộc. Nói về AI, mọi người thường nghĩ đến lập trình, nhưng sâu bên dưới đòi hỏi nhiều kiến thức về toán nếu mình muốn thật sự hiểu rõ, nắm bắt nội dung mình đang tìm hiểu. Những kiến thức nền tảng này đã hỗ trợ mình rất nhiều trong thời gian học tập sau này.

- Thường một ngày Vĩnh dành bao nhiêu thời gian để nghiên cứu lĩnh vực này?

Cũng không hẳn là ngày nào mình cũng nghiên cứu đâu. Nhưng nói chung thì mỗi tuần mình giành khoảng 2-3 buổi để tập trung đọc tài liệu tham khảo về chủ đề đang quan tâm.

- Được biết Vĩnh từng có 3 tháng thực tập tại Mỹ với đề tài nghiên cứu liên quan đến ứng dụng CNTT trong y khoa. Vĩnh có thể nói rõ hơn về nghiên cứu này?

Nghiên cứu này tập trung vào việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong AI vào việc phân tích ảnh mô bệnh học, từ đó có thể hỗ trợ bác sỹ trong việc chuẩn đoán, điều trị bệnh. Đây là một ứng dụng mới mà mình may mắn có dịp tiếp cận trong kỳ thực tập tại phòng nghiên cứu CSL - University of Illinois at Urbana-Champaign, USA. Ứng dụng có thể hỗ trợ, giảm tải cho công việc y khoa của bác sỹ hàng ngày bằng cách hỗ trợ xử lý, đánh giá một cách tự động, từ đó nâng cao chất lượng y tế.

Hướng đi mới này không có mục đích thay thế hoàn toàn bác sỹ và vẫn trong quá trình nghiên cứu, chưa có tính ứng dụng ngay lập tức. Tiềm năng của ứng dụng này là rất lớn nên được cộng đồng nghiên cứu quốc tế khá quan tâm gần đây.

- Không chỉ được đánh giá là một tài năng trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu, Vĩnh còn nổi tiếng với nhiều bài báo quốc tế, được nhiều người biết đến. Việc viết một bài báo và đăng ở tạp chí quốc tế có khó không, cảm xúc của Vĩnh khi được đăng bài đầu tiên?

Với cá nhân mình, việc xuất bản một nghiên cứu tại một hội nghị/ tạp chí, đặc biệt là hội nghị/tạp chí quốc tế chuyên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải giành nhiều thời gian không chỉ là chuẩn bị kiến thức nền tảng, mà còn những kiến thức mới nhất từ các nghiên cứu hiện tại. Từ đó người nghiên cứu mới có thể tạo ra tính mới trong nghiên cứu của mình. Do đó, mình nghĩ nếu làm nghiên cứu một mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở nhiều mặt. Nếu có một nhóm nghiên cứu mà ở đó bạn có thể tham gia, thì khó khăn sẽ được giảm bớt đi rất nhiều vì mọi người xung quanh có thể hỗ trợ mình. Nhưng nhìn chung thì cũng sẽ có nhiều khó khăn, quan trọng là cách mình vượt qua nó thế nào.

Bài báo đầu tiên được đăng là bài thi kết thúc môn học “Phương pháp nghiên cứu khoa học”. Lúc đó thầy hướng dẫn động viên nhóm mình rằng bài thi này tốt, có thể thử nộp vào hội nghị khoa học xem. Sau khi kết thúc môn, nhóm giành một ít thời gian để chỉnh sửa lại bài báo rồi nộp lên hội nghị ICMV diễn ra tại Áo năm 2017. May mắn, bài nghiên cứu đã được nhận đăng. Lúc đó mình ngạc nhiên và vui sướng. Cũng nhờ vậy mà có thêm động lực để tiếp tục tham gia vào nhóm nghiên cứu ở trường.

Tôn Thất Vĩnh (phải) trao đổi với các nhà nghiên cứu trẻ về công trình nghiên cứu của mình

- Có bao giờ Vĩnh cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc? Những lúc đó, Vĩnh đã “bám víu” điều gì để cân bằng lại?

Tất nhiên là có. Nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi, áp lực và muốn bỏ cuộc. Thường lúc đó, mình tạm gác mọi thứ qua bên rồi nghỉ ngơi, hoặc đi nói chuyện với mọi người xung quanh. Và sau những lúc như vậy mình lại có góc nhìn mới đơn giản hơn hoặc những người mình gặp gỡ lại cho mình lời khuyên mới. Với những thứ quá khó khăn hoặc không phù hợp với bản thân trong hoàn cảnh đó, mình cũng có thể xem xét việc từ bỏ theo đuổi, chấp nhận tình trạng hiện tại hoặc những điểm yếu của mình. Để rồi mình có thể có góc nhìn tốt hơn cải thiện bản thân.

- Nhiều nhà nghiên cứu điều có thần tượng cho riêng mình, với Vĩnh thần tượng là ai, vì sao?

Thời gian đầu, mình tham gia chủ yếu vì tính tò mò về những kiến thức mới mẻ này. Nhưng sau quãng thời gian tham gia hoạt động ở phòng nghiên cứu, mình biết được rất nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng. Đặc biệt là TS. Lê Viết Quốc đang nghiên cứu, làm việc tại Google. Những nghiên cứu của anh đã thúc đẩy rất nhiều cho sự phát triển của các thuật toán trong lĩnh vực AI.

- Xin hỏi ngoài lề đôi chút, Vĩnh thích chơi môn thể thao nào, đọc sách gì để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng?

Thời còn học đại học, mình cũng có tham gia hoạt động tại một câu lạc bộ Taekwondo ở quận. Bây giờ chủ yếu thời gian rảnh thì tranh thủ chạy bộ để rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra thường xuyên nghe nhạc, xem phim, đọc tiểu thuyết… để giải trí, cân bằng với cuộc sống.

- Nhân dịp năm mới Canh Tý, Vĩnh có thể chia sẻ dự tính con đường sắp tới của mình?

Hiện tại mình tham gia vào một dự án tại một start-up ở TP. Hồ Chí Minh. Nếu có cơ duyên, sau này em cũng muốn thử tiếp tục con đường nghiên cứu bằng cách tìm kiếm học bổng sau đại học.

- Nhiều người từng ra đi từ Huế và thành công. Có người đi rồi về, cũng có người đi và ở lại. Nhưng họ đều có những đóng góp, cống hiến cho quê hương bằng nhiều cách. Còn với Vĩnh, thì sao?

Hiện tại, mình vừa tốt nghiệp đại học và vẫn đang cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn, phần nào hỗ trợ được kinh tế cho gia đình. Nếu sau này có đủ thời gian, điều kiện, cơ duyên… mình cũng mong muốn được đóng góp lại cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng bạn trẻ yêu thích về lĩnh vực AI ở quê hương.

Xin cảm ơn Vĩnh về cuộc trò chuyện!

Tôn Thất Vĩnh từng là cựu học sinh chuyên Tin – Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế trước khi được tuyển thẳng vào ĐH với giải Nhì quốc gia môn Tin học.

Vĩnh là đồng tác giả 4 bài báo tại hội nghị khoa học Quốc tế CVPR - hội nghị về Khoa học máy tính số 1 trên Thế giới năm 2018. Ngoài ra, Vĩnh là tác giả chính bài báo khoa học Quốc tế với tiêu đề “Video Segmentation using Keywords” được nhận đăng tại hội nghị quốc tế International Conference on Machine Vision (ICMV) năm 2017, diễn ra tại Áo. Vĩnh cũng là đồng tác giả bài báo khoa học Quốc tế “Instance Re-Identification Flow for Video Object Segmentation”, được đăng tại hội nghị CVPR Workshops 2017 ở Mỹ năm 2017.

PHAN THÀNH (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

120 bài báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học trẻ Bệnh viện Trung ương Huế mở rộng

Ngày 5 và 6/10, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức “Hội nghị khoa học trẻ Bệnh viện Trung ương Huế mở rộng năm 2023”. Hội nghị năm nay diễn ra với chủ đề “Thầy thuốc trẻ - Trí tuệ nhân tạo và hội nhập trong nghiên cứu khoa học”.

120 bài báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học trẻ Bệnh viện Trung ương Huế mở rộng
Gặp thủ khoa Đại học Huế năm 2023

Với 29,55 điểm, Trần Nguyễn Thiên Thư đã trúng tuyển thủ khoa ngành Y khoa, Trường đại học Y - Dược. Đây cũng là thủ khoa toàn Đại học Huế năm nay.

Gặp thủ khoa Đại học Huế năm 2023
THỰC TIỄN HÓA SẢN PHẨM KHOA HỌC:
Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía

Hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) được thực hiện, được nghiệm thu trong những năm qua nhưng ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm hàng hóa thì vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Làm thế nào để kết quả NCKH không bị “để quên” vẫn còn là bài toán khó. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội).

Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía
Return to top