ClockThứ Năm, 22/07/2010 06:47

Hẳn là ông đã “thấy” “Mù lòa” ở Việt Nam

TTH - (Nhân đọc “Mù lòa” của José Saramago. NXB Văn học & Công ty Sách Bách Việt, 2010)Vào lúc tiểu thuyết “Mù loà” của nhà văn Bồ Đào Nha José Saramago (tác giả đoạt giải Nobel năm 1998) xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam thì ngày 18-6-2010, các phương tiện truyền thông loan tin tác giả qua đời, hưởng thọ 88 tuổi (ông sinh năm 1922). Một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà tôi cứ mãi thẫn thờ khi gấp lại trang cuối cùng của tác phẩm…

Thông thường trong trường hợp tương tự, chúng ta sẽ buông một cái chép miệng và nói: “Tiếc là tác giả không kịp thấy tác phẩm của mình đã được dịch ra tiếng Việt!” Nhưng với José Saramago, người đã tạo ra một thành phố bỗng dưng bị mù, từ người này lây sang người khác, mà chẳng biết nguyên cớ gì, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ là ông đã “thấy” cuốn sách của mình vừa được dịch sang tiếng Việt, mặc dù ông đã ở “thế giới bên kia”.

“Mù lòa” viết năm 1995, năm 2008 được chuyển thành phim, chiếu mở màn ở Liên hoan phim Cannes (Pháp), một tiểu thuyết siêu thực, đầy ẩn dụ và đa nghĩa. Không phải bỗng dưng tác giả mở đầu cuốn sách bằng câu đề từ: “Nếu ngươi có thể thấy, hãy nhìn. Nếu ngươi có thể nhìn, hãy quan sát.” “Lời cỗ vũ” vọng lên từ đất nước Bồ Đào Nha xa xôi và hình như là từ một cuốn sách cổ xưa mà làm ta giật thột tưởng như lời nhắc chính mình. Thì đó, bạn cứ ngó quanh xem, bao nhiêu là người mắt sáng, thậm chí có thừa phương tiện “phóng đại” mọi thứ mà hầu như không nhìn, không biết gì đến những cảnh chướng tai gai mắt, những cảnh đời bất hạnh bên mình… 
José Saramago “bịa” ra một thành phố “bỗng dưng” mù loà như là cách đặt con người trước thử thách nghiệt ngã, để nhận ra bản ngã, để bộc lộ hết cái cao thượng và cả dục vọng thấp hèn. Thật là kinh khủng khi ở trong hoàn cảnh bị nhốt vào “trại” cách li khốn khổ thiếu thốn mọi bề, vẫn hình thành một tốp người mù côn đồ, tự dành cho mình đặc quyền buộc số đông những người mù còn lại phải cống nạp toàn bộ tiền bạc, trang sức mang theo, thậm chí buộc nữ giới phải hiến thân cho họ, nếu muốn được nhận chút thực phẩm bên ngoài đưa vào… Vì thế mà “vợ bác sĩ” - người sáng mắt duy nhất, đã có lúc thốt lên muốn được mù như mọi người!...
 
Cho dù vậy, trong thế giới “mù loà” ấy vẫn lấp lánh những nhân cách đáng kính phục và tình yêu vẫn đâm chồi. Họ chia sẻ từng miếng bánh, từng chỗ nằm cho nhau và chính “vợ bác sĩ” đã trở thành vị chỉ huy cuộc “phản công” nhóm côn đồ, tự tay giết chết tên thủ lĩnh. Tình yêu giữa cô điếm “đeo kính đen” và ông già “đeo miếng vải đen che mắt” - những nhân vật trong tiểu thuyết đều không mang tên riêng - đẹp tựa như đoá sen bừng nở giữa chốn bùn lầy.
 
“Mù loà” là một chuyện “bịa” hoàn toàn, nhưng trong thế giới biến động ghê gớm hôm nay, có lẽ con người cũng nên “tập dượt” khi phải sống trong một hoàn cảnh khủng khiếp tương tự. Thì chẳng phải đã có những thành phố bị vùi lấp sau động đất đó sao? Mà nhiều khi thân thể không bị vùi lấp - như lớp lớp thanh thiếu niên đang vùi đầu trong các quán “nét” hay lớp người mê đắm dục vọng ở những “lầu xanh” hoặc các cuộc “đỏ đen” - họ cũng chẳng khác mấy kẻ “mù loà”…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top