ClockThứ Sáu, 02/09/2016 05:25

Vẹn nguyên những ký ức

TTH - Tóc bạc trắng, đôi tay run run, gương mặt đã hằn dấu thời gian, nhưng người chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.

Năm 1980, ông Nguyễn Vĩnh Cù trở về Huế, chuyển qua công tác tại Ban tuyên giáo tỉnh ủy cho đến khi về hưu năm 1992

Chú bé liên lạc

Sinh ra và lớn lên trong gia đình quyền quý, mang trong mình dòng máu hoàng tộc nhưng cậu bé Nguyễn Vĩnh Cù (sinh năm 1932, ở Phan Chu Trinh, TP.Huế) lại một lòng, một chí đi theo cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, năm 1946, Pháp theo chân đồng minh trở lại Việt Nam. Toàn quốc lại bước vào một bước ngoặt mới của lịch sử, nhất tề đứng lên kháng chiến. Súng lại nổ vang ở Huế. “Chị mày đi theo cách mạng rồi, hai đứa chúng mày mới tí tuổi đầu làm sao sống ở rừng mà đòi đi theo chị”, mặc cho sự ngăn cản của gia đình, năm 1946 (mới 14 tuổi) cậu bé Cù cùng anh trai quyết tâm trốn nhà để lên rừng hoạt động cách mạng cùng chị gái. Ở đây, hai anh em được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Trung đoàn Trần Cao Vân.

Ông Cù nhớ lại: Khi đó quân ta bao vây Pháp ở trung tâm thành phố suốt 50 ngày đêm, bắc cầu phao ở An Định Cung làm ranh giới giữa ta và địch. Trên An Định Cung đặt khẩu pháo 12ly7, hễ Pháp ra càn là tiêu diệt. “Sau khoảng thời gian chiến đấu ác liệt, giằng co, đến tháng 2/1947, Pháp chiếm được miếu Đại Càng, quân ta phải rút lui. Sau khi chiếm được Huế, thực dân Pháp nhanh chóng triển khai lực lượng đánh chiếm những trọng điểm quan trọng, đánh rộng ra vùng ngoại ô, rồi tràn ra khắp vùng đồng bằng các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Cũng trong trận đánh này anh trai tôi đã hy sinh khi mới 17 tuổi”, giọng ông Cù chùng xuống, nghẹn lại.

Đầu năm 1948, Pháp mở đợt càn lên chiến khu Hòa Mỹ. khi địch vây ở dưới chân đồi, có tin tình báo Pháp sẽ đốt Đồi không tên (ở Phong Điền) nên quân ta chủ trương đốt trước ở phần sườn đồi để khi Pháp đốt phía dưới chân đồi không thể cháy lan đến địa điểm quân ta đóng quân. “Khi đó, tôi đã xung phong được đi đốt đồi. vừa mới châm lửa thì quân Pháp ráo riết lùng sục. nhanh chân chui vào bụi lau, tôi cứ tưởng là không bị địch phát hiện thì cũng chết cháy. Khi thấy lửa bốc cháy dữ dội, quân Pháp rút xuống, tôi mới kịp thoát thân”, ông Cù nhớ lại.

Cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ cứ thế kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Ở cái tuổi 84 nhưng hồi ức về 30 năm tham gia kháng chiến, từ chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ hay chiến dịch Đường 9- Nam Lào… đều được ông kể lại rành rọt, tỉ mỉ.  Nhưng có lẽ đối với người chiến sĩ cách mạng can trường ấy, khoảng thời gian làm liên lạc ở Huế để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất. “Giặc không sợ, súng đạn không sợ nhưng tôi lại sợ ma. Mỗi khi làm xong nhiệm vụ, về căn cứ lại cứ lẽo đẽo theo chị gái (cán bộ cứu thương của Trung đoàn Trần Cao Vân) tôi không dám đi đâu một mình. Chị gái vẫn thường dặn: “Giờ còn ở đây thì theo chị, sau này ra chiến trường phải can đảm mà chiến đấu với địch, phải biết tự lo cho bản thân và không được khóc nhè khi nhớ đến anh Sắc (liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Sắc) nghe không. Nói rồi hai chị em lại ôm nhau khóc”, ông Cù bùi ngùi.

Người chiến sĩ cách mạng can trường

Sau khi tỉnh uỷ và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến chuyển từ chiến khu Hoà Mỹ (Phong Điền) vào căn cứ Dương Hoà (Hương Thủy) cuối năm 1948, ông Cù được Trung đoàn cho đi học tại Trường trung học Bình Trị Thiên (ở Hương Khê, Hà Tĩnh). Năm 1950 – 1951, ông được cử đi học Sĩ quan Lục quân khóa 7 ở Trung Quốc. Về nước, cậu bé liên lạc ngày nào đã trở thành người chiến sĩ cách mạng thực thụ với quân hàm thiếu úy, cùng nhiệm vụ trợ lý tác huấn Quân khu Tây Bắc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao trọng trách đưa các binh đoàn chủ lực lên tham gia đánh ở Điện Biên Phủ. Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục được cử đi học bổ túc tại trường sĩ quan Lục quân (Sơn Tây). với thành tích cao trong quá trình học tập, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.

Với những đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ông Nguyễn Vĩnh Cù nhiều lần được tặng Huân chương Chiến thắng, Huân chương Quân kỳ chiến thắng… Đặc biệt, năm 1984 ông vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba vì đã lập được nhiều chiến công xuất sắc và có nhiều đóng góp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bén duyên với nghiệp cầm phấn nhưng một ngày đất nước còn chưa sạch bóng quân thù, ông vẫn đau đáu tâm nguyện được tiếp tục cầm súng ra chiến trường. Đầu năm 1971, ông xin tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào và được cấp trên đồng ý, giao nhiệm vụ Chỉ huy phó Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. “Thế hệ tôi lúc đó, ra trận không chỉ là nghĩa vụ của một người con yêu nước mà là niềm tự hào. Tôi vẫn còn nhớ những lời của một đồng nghiệp ở trường ngày tiễn tôi ra trận: “Trận ni tui không được tham gia, tiếc lắm, cậu vinh dự lắm đấy nhé! Phải giành thắng lợi và trở về biết chưa””.

Kể đến đây, anh mắt ông ánh lên niềm tự hào, rồi ông vui mừng khoe: “Năm 1965, khi công tác ở Trường sĩ quan Lục quân, tôi và vợ (bà Hồ Thị Thùy, nhân viên may mặc quân đội) đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Đến giờ, vợ chồng tôi vẫn hay nhắc lại những kỷ niệm ngày Bác tới thăm. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng gặp ai Bác cũng không quên hỏi thăm công việc, gia đình, con cái, rồi ân cần dặn dò, động viên từng người một. Chính lần gặp ấy càng thôi thúc tôi phải sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xứng đáng là người đảng viên, chiến sĩ cách mạng kiên trung, là tấm gương để các thế hệ sau noi theo”.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Return to top