ClockThứ Bảy, 19/09/2020 16:22

Cẩn thận là cần thiết

TTH - Ngày 16/9, tỉnh đã mở giãn cách phòng chống dịch và chấp nhận cho người từ Đà Nẵng vào Huế mà không cần phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Quyết định này cũng được thực hiện với người từ Hải Dương đến Huế. Dù trước đó hai ngày (14/9), trong cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, thời gian dự kiến để mở cửa giãn cách cho người Đà Nẵng vào Huế là 24/9 và Hải Dương là sau 30/9, nếu hai địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Từ 16/9/2020, công dân về từ Đà Nẵng không cần xét nghiệm PCR

Sự điều chỉnh này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhằm vừa đảm bảo phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, trong vài ngày trở lại đây, các địa phương nêu trên không xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Dù vậy, khi đến Huế, người từ các vùng có dịch phải chấp hành nghiêm các quy định về khai báo y tế và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh. Theo đó, việc khai báo y tế nhằm giúp các địa phương có người trở về từ vùng dịch làm tốt hơn công tác quản lý, theo dõi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đó cũng là cách để cơ quan chức năng có cơ sở dữ liệu nhằm ứng phó, xử lý nhanh chóng (nếu có dịch) và giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, người đến từ vùng dịch cũng cần chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của tỉnh, bởi cho đến thời điểm này, Đà Nẵng và Hải Dương vẫn chưa công bố hết dịch. Trong đó, địa phương "sát bên lưng" là Đà Nẵng vẫn đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, chưa cho phép các lĩnh vực không thiết yếu hoạt động trở lại, hạn chế tập trung đông người... Nếu chúng ta mở cửa cho người từ Đà Nẵng vào Huế theo quy định phòng chống dịch của Chính phủ, Huế càng phải áp dụng các biện pháp giãn cách bằng hoặc cao hơn Đà Nẵng, bởi Huế là địa phương không có dịch.

Một yếu tố khác cũng cần được nhắc tới là chỉ trong l đêm (15/9) đến rạng sáng hôm sau (16/9), sau khi có chủ trương mở cửa cho người từ Đà Nẵng vào Huế đã có hơn 1.700 người từ Đà Nẵng đăng ký vào Huế và con số này dự kiến sẽ tăng trong vài ngày tới. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác, với số lượng người từ vùng dịch đến Huế lớn như vậy thì nguy cơ rất cao. Do đó, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách là cần thiết. Đó cũng là lý do Thừa Thiên Huế dỡ bỏ giãn cách theo lộ trình, chứ không vội vàng và ồ ạt.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, kinh nghiệm từ đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm cho thấy, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt nên Thừa Thiên Huế đã khống chế dịch hiệu quả. Với làn sóng dịch thứ 2, Thừa Thiên Huế dù nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao, song vẫn xác định nhiệm vụ chống dịch sẽ song hành phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh tập trung siết chặt vòng ngoài và nới lỏng vòng trong cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, buôn bán. Nhờ thế, tình trạng tồn đọng nông sản như đợt trước giảm đáng kể, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ổn định hơn. Vì lẽ đó, việc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch từ bên ngoài không ngoài mục đích đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời giữ và khôi phục phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

“Cuộc chiến” chống COVID-19 của Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng dù đạt được những kết quả được thế giới công nhận, nhất là trong việc kiểm soát, cách ly, điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19… Tuy vậy, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Giới chuyên gia nhận định, có làn sóng dịch thứ 2 thì cũng có thể có làn sóng thứ 3, thậm chí thứ 4 nếu chúng ta chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Do đó, tinh thần chung của tỉnh là chuyển trạng thái, cách thức quản lý phù hợp với tình hình mới theo hướng “giảm dần kiểm soát tại các chốt, tăng cường quản lý tại địa phương”. Điều này cũng đòi hỏi sự chung tay, đồng thuận từ phía người dân và bắt đầu bằng những khuyến cáo phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top