ClockThứ Bảy, 15/09/2018 13:00

Hướng thoát nghèo của xã bãi ngang

TTH - Là một trong những xã nghèo nhất huyện Quảng Điền, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được Quảng Thái xác định là cánh cửa giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Các xã bãi ngang: Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020Nước sạch về xã bãi ngangSức bật từ các xã bãi ngang...Xuất khẩu lao động khởi sắcThị trường xuất khẩu lao động đa dạng và rộng mởHướng mở từ xuất khẩu lao động

Lao động xã Quảng Thái thực hành kỹ năng sống trước khi đi XKLĐ ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Nhà có 4 người đi XKLĐ

Đó là gia đình ông Lê Lụt ở thôn Trung Kiều, có hai con trai là Lê Đình Sương, Lê Đình Tám và con rể là Hoàng Minh Hải đều đi XKLĐ ở Nhật Bản. Ông Lụt kể, con trai của ông là Lê Đình Tám sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp đã vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Thế nhưng, lương không đủ chi tiêu, lắm khi Tết về nhà, anh phải xin tiền xe cha mẹ. Được người bà con giới thiệu, Tám đăng ký đi XKLĐ ở Nhật với công việc của một thợ cơ khí.

Sang Nhật, Tám làm việc chăm chỉ, chấp hành kỷ luật tốt nên được ông chủ công ty đánh giá cao. Anh mạnh dạn bày tỏ với giám đốc công ty mong ước được đưa anh trai sang Nhật làm việc. Nhờ công ty này tạo điều kiện, anh trai của Tám là Lê Đình Sương (tốt nghiệp đại học ngành cơ khí chế tạo) cũng vừa sang Nhật được 9 tháng, hai anh em làm cùng một chỗ, ở cùng một nhà ở tỉnh Okayama. Thấy hai anh làm việc hiệu quả, lương cao, tháng trước, Hoàng Minh Hải cũng nối gót hai anh sang Nhật. Cháu ngoại của ông Lụt cũng đang học tiếng để đi Nhật trong năm nay.

Tám kể, công việc ở Nhật ổn định, lương trung bình mỗi tháng từ 30-35 triệu đồng, chỗ ăn ở đàng hoàng, đầy đủ tiện nghi nên sau khi hết hạn hợp đồng 3 năm, trở về thăm nhà, Tám sẽ trở lại Nhật làm việc thêm 2 năm nữa. Ông Lê Lụt cho biết, làm ở Nhật, mỗi tháng các con ông gửi về nhà khoảng 25 đến 30 triệu đồng, giúp đời sống kinh tế của gia đình dần khấm khá.

 Lao động xã Quảng Thái thực hành kỹ năng sống trước khi đi XKLĐ ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Gần nhà ông Lê Lụt, con trai của ông Phan Duy Ân, Trưởng thôn Trung Kiều là Phan Thanh Toản cũng đi XKLĐ ở Nhật gần 3 năm nay. Khi còn ở quê nhà, Toản làm thợ cơ khí. Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, Toản quyết định đi XKLĐ. Ban đầu, vợ chồng ông Ân lo lắng, khuyên can con nghèo khó gì cũng rau cháo ở quê nhà, quây quần cùng gia đình. Nhưng, Toản quyết chí bôn ba. Bà Trần Thị Vân, vợ ông Phan Duy Ân vui mừng: “Sang Nhật, Toản được làm tại một công ty phù hợp với ngành nghề được học. Không chỉ có mức thu nhập ổn định, Toản được đối xử tốt, được khám sức khỏe định kỳ, được cho đi du lịch nữa nên tôi rất yên tâm. Tháng 12 này nó về và định đi tiếp thêm 2 năm nữa”.

Hướng mở để thoát nghèo

Từ năm 2003, Quảng Thái là một trong những địa phương đi đầu trong công tác XKLĐ. Khi thị trường Malaysia gặp nhiều khó khăn, người lao động mất niềm tin, XKLĐ chững lại. Từ 2016 đến nay, công tác XKLĐ được khởi động lại ở Quảng Thái, chủ yếu hướng đến thị trường Nhật Bản. Đến nay, Quảng Thái có 12 người đi Nhật, 2 người đi Đài Loan, 11 người đang học tiếng tại Hà Nội chuẩn bị sang Nhật.

Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho hay: “Mới đầu, để xây dựng lại niềm tin với người dân, chính quyền địa phương tuyên truyền, đến từng nhà, gặp từng đối tượng để vận động. Xã cũng lựa chọn những công ty XKLĐ uy tín, đơn hàng chất lượng trực tiếp đến từng thôn để cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc của người dân. Thấy hiệu quả, người trước truyền tai người sau, công tác XKLĐ ở Quảng Thái bắt đầu khởi sắc”.

Theo ông Lê Lụt, dù các con ông đều có trình độ cao đẳng, đại học nhưng ông vẫn động viên các con ra nước ngoài làm việc để tăng thu nhập, mở mang kiến thức. Ông khẳng định: “Chỉ có XKLĐ mới mong làm giàu. Ở quê, suốt đời bán mặt cho đất, tôi cũng không dành dụm nổi được trăm triệu nhưng chỉ sau 2,5 năm, con trai tôi đã dành dụm được 800 triệu đồng”.

Là xã bãi ngang, kinh tế của Quảng Thái chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên XKLĐ được xem là hướng đi đúng đắn mà xã Quảng Thái đang đẩy mạnh để giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh, hiệu quả. Địa phương tạo điều kiện tối đa cho người lao động trong quá trình làm giấy tờ, thủ tục, không thu phí; UBND huyện ưu tiên giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Những gia đình chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển đều được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, học nghề, thủ tục xuất cảnh”.

Ông Phước cho hay: “Xác định XKLĐ là một trong những chương trình trọng điểm, chính quyền địa phương đã thực sự vào cuộc, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động. Để đẩy mạnh XKLĐ, Quảng Thái sẽ phân luồng, hướng đến những học sinh tốt nghiệp THPT, thống kê số thanh niên ở thôn Lai Hà, Trung Làng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển để tiếp cận tuyên truyền, vận động các em tiếp cận với các chính sách hỗ trợ XKLĐ”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân chung tay xây dựng nông thôn mới

Sáng 26/5, hơn 1.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Quảng Điền đã đồng loạt ra quân “Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) và Ngày Chủ nhật xanh năm 2024”. Hoạt động do Huyện Đoàn Quảng Điền phối hợp Hội LHTN huyện phát động.

Ra quân chung tay xây dựng nông thôn mới
Quảng Điền bổ sung vốn đầu tư công trung hạn hơn 72 tỷ đồng

Chiều 20/5, HĐND huyện Quảng Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, HĐND huyện khóa XI nhằm thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương và về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước huyện năm 2024; đồng thời, thực hiện một số quy trình về nhân sự.

Quảng Điền bổ sung vốn đầu tư công trung hạn hơn 72 tỷ đồng
Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Thay vào đó, xã được công nhận NTM kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
Return to top