ClockThứ Tư, 20/04/2016 05:25

Đồng hành cùng xích lô

TTH - Dù có những nét tương đồng về kiểu dáng, nhưng điều mà tôi nhận thấy là thiết kế chỗ ngồi cho khách có phần khác nhau giữa xích lô Huế và xích lô Hà Nội. Chí ít thì đấy là cái cảm giác về độ lùi dễ chịu dành cho khách khi chọn xích lô Huế làm phương tiện xê dịch trên đường phố. Điều này vừa mang đến sự an toàn, vừa để khách không cảm thấy mình quá “hiên ngang” trên đường và có thể thư thái ngắm phố xá đang chầm chậm trôi qua. Tuy nhiên, nếu được chọn, có thể tôi vẫn thích chiếc xích lô Hà Nội hơn là chiếc xe lôi của người miền Tây Nam bộ, dù về mặt bản chất, xe xích lô hay xe lôi cũng là phương tiện dùng sức người. Quả thật thì tôi đã thấy mình có phần áy náy khi tham gia giao thông bằng loại hình này. Cái áy náy như kiểu có gì đó không công bằng khi mình thoải mái trên sự vất vả của người khác.

Du khách thăm thú Huế bằng xích lô. Ảnh: M.Quân

Tất nhiên đó chỉ là cảm giác mang tính cá nhân. Những điều này đã và sẽ được giải quyết khi đề cập đến tính chia sẻ cộng đồng và vấn đề giải quyết công ăn việc làm. Sâu hơn, nó vẫn đang còn là sự chuyển tải của một hình ảnh văn hóa và cả du lịch của từng vùng miền mà các phương tiện này hiện diện. Người ta vẫn chưa thể hình dung ngày nào đó, Hà Nội và Huế không còn xích lô trên đường phố. Chính vì thế mà việc xây dựng hình ảnh cho xích lô Huế đã không ít lần được đặt ra trên bàn nghị sự, cả ở cấp ngành, công đoàn, hiệp hội, chính quyền thành phố và tỉnh. Mục đích đặt ra tại các diễn đàn này không có gì khác hơn là xây dựng hình ảnh chiếc xích lô thân thiện với người dân và du khách. Trong đó, có việc xây dựng xích lô Huế và các “tài xế” xích lô thành những nhịp cầu du lịch...

Vấn đề là sau nhiều thảo luận, bàn bạc, sau nhiều hỗ trợ và những nỗ lực để củng cố và thiết lập lại một hình ảnh mới cho mục tiêu hướng đến, cho đến bây giờ, câu chuyện mô hình, thương hiệu cũng như phương thức điều hành, quản lý xích lô Huế vẫn chưa đạt ngưỡng mà nhiều người mong đợi và kỳ vọng. Bất cập ở đây tồn tại chủ yếu ở yếu tố ứng xử kém văn minh trong việc tranh giành, nâng và ép giá du khách của những người điều khiển xích lô. Những ứng xử này đôi khi vượt ngưỡng đến mức phản cảm, dẫn đến chỗ làm cho không ít du khách dị ứng đến độ không chỉ quay lưng mà còn để lại những nhắn nhủ không hay cho những ai có ý định dùng phương tiện này khi đến Huế. Nói một cách khác đi, những tồn tại đang có ở hoạt động này giống như một kiểu “tự lấy đá ghè tay mình”, và “ghè” cũng đã lâu lắm.

Câu hỏi được đặt ra là tại vì sao vấn đề này mãi vẫn không giải quyết được? Đâu là bất cập cơ bản mà dù đã ngồi lại, nhưng các cơ quan hữu quan vẫn chưa tìm được phương thức chung để quản lý tốt hơn, điều hành tốt hơn hoạt động này? Sự hỗ trợ về kinh phí, tập huấn, dạy những kiến thức cơ bản về ngoại ngữ cũng đã không ít lần được thực hiện nhưng tại sao tồn tại vẫn cứ lặp đi lặp lại?

Dù sao đi nữa thì những người quan tâm và nóng ruột với hình ảnh Huế, du lịch Huế và thương hiệu Huế lại tiếp tục hy vọng khi mới đây, “đích thân” Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dành một buổi tiếp xúc định kỳ với doanh nghiệp mà chủ đề được đặt ra là “Quản lý kinh doanh xích lô”. Việc lắng nghe ý kiến, trao đổi, thảo luận về các ý tưởng và kéo các doanh nghiệp trong hoạt động lữ hành vào cuộc đã cho thấy một hướng tiếp cận mới, dễ có tính khả thi hơn để từ đó, đồng hành tốt hơn với xích lô Huế trên những vòng quay...

Nguyễn Lê An

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hút khách với du lịch cộng đồng

Nằm sát với TP. Huế, lại có những sản phẩm, trải nghiệm về du lịch cộng đồng riêng biệt… điều này giúp Hương Thủy trở thành điểm đến thu hút khách.

Hút khách với du lịch cộng đồng
Dang dở các dự án du lịch ở Chân Mây - Lăng Cô

Trước năm 2020, nằm bên Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô (Phú Lộc), lần lượt các dự án (DA) du lịch được xây dựng với nguồn vốn lên hàng nghìn tỷ đồng đã nhen lên bao kỳ vọng cho địa phương. Buồn thay, đến thời điểm này các DA ấy vẫn đang dang dở.

Dang dở các dự án du lịch ở Chân Mây - Lăng Cô
Return to top