ClockChủ Nhật, 14/11/2021 07:00

Yosakoi - điệu nhảy của những nụ cười

TTH - Không dừng lại ở mục đích tìm hiểu về văn hóa, những bạn trẻ xứ Huế đã mang đến chuyến trải nghiệm và hành trình thú vị cho Yosakoi, điệu nhảy vực dậy tinh thần nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.

Giới trẻ & “cơn sốt loạn ngữ”Xứ Huế qua lăng kính online

Dấu ấn của Yosakoi là những nụ cười

Khơi dậy tinh thần lạc quan

Yosakoi là một điệu nhảy độc đáo có nguồn gốc từ Nhật Bản. Dù vui tươi và khơi gợi những năng lượng tích cực, nhưng ít ai biết rằng xuất phát điểm của điệu nhảy này lại khởi nguồn từ nỗi đau chiến tranh. Nguyễn Thị Kiều Loan, Chủ nhiệm CLB Yosakoi cho biết: “Yosakoi ra đời từ thành phố Kochi (Nhật Bản), là một biến thể của điệu múa Awa Odori. Sau chiến tranh, nhằm vực dậy tinh thần và mang đến niềm tin, hy vọng, người dân thành phố này đã sáng tạo nên Yosakoi”.

Từ Kochi, Yosakoi dần dần lan rộng tới nhiều nơi và hiện nay, cũng như hoa anh đào, núi Phú Sĩ, Yosakoi trở thành một trong những biểu tượng khi nhắc đến Nhật Bản. Với sức ảnh hưởng ấy, 10 năm trở lại đây, Yosakoi ngày càng tạo nên sức hút với các bạn trẻ Việt Nam bởi phong cách mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng. Kiều Loan nói: “Không chỉ độc đáo từ giai điệu, vũ đạo hay ở trang phục, đạo cụ, sức hấp dẫn của Yosakoi còn đến từ nguồn năng lượng tích cực mà mỗi cá nhân phát tiết khi tham gia điệu nhảy”.

Rực rỡ và nhiều màu sắc, trang phục của một đội múa Yosakoi thường là yukata và happi. “Những phục trang này được sử dụng vì chúng không quá cầu kỳ nhưng vẫn đặc trưng bởi hoa văn. Quan trọng nhất là trang phục này gọn nhẹ và sặc sỡ, đẹp mắt, phù hợp với tinh thần tích cực mà điệu nhảy này muốn truyền tải”, Trần Thị Thảo Nguyên, thành viên CLB nói.

Âm nhạc của vũ điệu Yosakoi rất sôi nổi và mạnh mẽ, được các đội múa tự do sáng tác dựa trên bài hát gốc Yosakoi Naruko Odori. Ngày nay, bên cạnh những giai điệu truyền thống như Yocchore, Jinma-mo, nhiều vũ điệu đã được biến tấu để phù hợp với sự sôi động và trẻ trung của pop, rock hiện đại.

Cùng với đạo cụ đặc trưng là naruko, người biểu diễn Yosakoi còn sử dụng thêm những đạo cụ khác như đèn lồng, quạt, ô. Thảo Nguyên phân tích: “Với các đạo cụ này, chúng mình sẽ thực hiện những động tác mô phỏng theo nếp sinh hoạt hàng ngày cũng như lúc tăng gia, sản xuất. Như Yosakoi Yochore, với đôi tay linh hoạt và đôi chân vững chãi, chúng mình sẽ tái hiện sinh động khung cảnh đoàn kết khi các ngư dân thả lưới, thu lưới. Âm hưởng của bài hát rất gần với bài dân ca Nam bộ Lý kéo chài của Việt Nam”.

“Hơi thở” Yosakoi ở Huế

Ở Việt Nam, có rất nhiều các câu lạc bộ Yosakoi được thành lập; riêng tại Huế, CLB Yosakoi Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế đã tạo nên sự khác biệt giữa vô vàn những điệu nhảy du nhập vào Cố đô, như Shuffle dance hay Cover dance. Kiều Loan chia sẻ: “Những lễ hội tại đất nước mặt trời mọc thường gắn với phong tục, tín ngưỡng nhưng Yosakoi thì ngược lại. Điệu nhảy này hướng đến những con người đang hiện diện với hơi thở, trí tuệ và tình cảm. Bởi thế, trong khi những vũ điệu khác coi trọng sự chuẩn xác trong động tác hay nét phá cách, cá tính riêng biệt của mỗi vũ công, thì với Yosakoi, nụ cười chính là vũ đạo đẹp đẽ nhất”.

Naruko, dụng cụ phát ra âm thanh dùng để đuổi chim trở thành đạo cụ chính

Một khi hòa mình vào giai điệu, từ tiếng lách cách của naruko đến sự tươi trẻ, rạng ngời của nụ cười, chính mỗi vũ công đã là một mảnh ghép để tạo nên sức mạnh bùng cháy của Yosakoi. Sức mạnh ấy lan tỏa đến người xem, gửi gắm và trao đến họ niềm hân hoan, sự hứng khởi và tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn của cuộc sống. Ngay cả những vũ công cũng vậy, chính bản thân họ khi đắm chìm trong vũ đạo, trong tiếng nhạc rộn ràng, lúc ấy mọi ưu phiền, lo âu đều tan biến.

Ít ai từng biết rằng, khi còn là một cô bé, Chủ nhiệm của CLB Yosakoi Nguyễn Thị Kiều Loan đã từng sống thu mình, rụt rè ngay cả với các bạn đồng trang lứa. “Nhưng từ khi tập luyện vũ điệu này, tinh thần của mình phấn khởi hơn, nhất là sau những giờ học căng thẳng. Mình mở rộng tấm lòng, kết thêm những người bạn mới. Bởi thế, Yosakoi với mình không chỉ dừng lại ở một điệu nhảy, nó đã trở thành chiếc cầu nối hạnh phúc và là một phần tất yếu trong cuộc sống”, Kiều Loan bộc bạch.

Hiện tại, CLB Yosakoi Huế duy trì số lượng ổn định từ 40 – 50 thành viên. Không chỉ góp phần quảng bá văn hóa Nhật Bản, điệu nhảy này còn trở thành một dấu ấn thú vị khi các vũ công Yosakoi nghiệp dư xứ Huế xuất hiện tại hầu hết các sự kiện liên quan đến đất nước và con người Nhật Bản diễn ra tại Cố đô. Thảo Nguyên chia sẻ: “Nhiều hơn thế, chúng mình mong muốn được giao lưu, sẻ chia điệu nhảy thú vị này đến mọi người. Bởi Yosakoi với bản chất là điệu nhảy vực dậy tinh thần, nó sẽ mang đến niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng”.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới trẻ thúc đẩy việc ứng dụng Generative AI ở châu Á - Thái Bình Dương

Các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nắm bắt công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) nhanh hơn nhiều so với các quốc gia tiên tiến, với lực lượng lao động trẻ tuổi và sinh viên thúc đẩy một cách mạnh mẽ việc ứng dụng loại công nghệ này.

Giới trẻ thúc đẩy việc ứng dụng Generative AI ở châu Á - Thái Bình Dương
Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh

Với lợi thế về hình thể, nhiều bạn học sinh, sinh viên bén duyên với nghề mẫu ảnh như một công việc làm thêm. Công việc này tuy vất vả, thăng trầm nhưng nếu đặt đúng chỗ vẫn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, giúp người trẻ trưởng thành, hoàn thiện bản thân.

Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
Return to top