ClockThứ Hai, 18/03/2024 07:31

Tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phát triển Đại học Huế

TTH - Đại học Huế hiện hợp tác với hàng trăm đơn vị trong và ngoài nước. Việc tận dụng lợi thế của đối tác giúp Đại học Huế thêm điều kiện nâng chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế, xây dựng thành Đại học Quốc gia.

Phát huy vai trò của nữ viên chức để xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

 Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế đón tiếp chuyên gia nước ngoài sang phẫu thuật cho bệnh nhân bị dị tật khe hở môi, vòm miệng

Hỗ trợ nâng chất lượng đào tạo

Cuối năm 2023, Đại học Huế ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau ký kết, hai đại học cùng nhau hợp tác để tổ chức thi đánh giá năng lực lần đầu tiên tại Đại học Huế. Trong đợt thi 1 của năm 2024 (2 đợt thi), có gần 1.800 thí sinh đăng ký. Thí sinh đăng ký không chỉ là các học sinh đang sống trên mảnh đất Cố đô, mà có một lượng lớn là các thí sinh đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, thi đánh giá năng lực chỉ là bước khởi đầu của hợp tác, trong thời gian đến, Đại học Huế sẽ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của đối tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về các lĩnh vực mũi nhọn; trao đổi giảng viên giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ và tham gia hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ; xây dựng hoặc chia sẻ chương trình đào tạo đại học và sau đại học tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau…

“Với sự hợp tác, hỗ trợ của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, hai đơn vị sẽ tham gia chương trình, các đề tài trọng điểm cấp nhà nước; thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định quốc tế, tạo điều kiện để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Khi đã cùng nhau hợp lực, sẽ là tiền đề để Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện sứ mạng, chiến lược phát triển, nâng cao vị thế, phát huy thế mạnh đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đại học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cả nước”, PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết.

Không chỉ có Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, với các đơn vị trong nước, Đại học Huế có nhiều hợp tác quan trọng. Sự hỗ trợ qua lại đã cùng nhau hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững. Mới đây, Đại học Huế cùng hợp tác với Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Vinh, Trường đại học Tây Nguyên, Trường đại học Đồng Tháp, Trường đại học Y Dược Buôn Mê Thuột trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về con người, cơ sở vật chất, chuyên môn...

Tận dụng các hợp tác quốc tế

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế cho hay, vị thế và vai trò của trường, bệnh viện trường được như ngày hôm nay có một phần đóng góp của các đối tác đến từ quốc tế. Những chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế đã được triển khai tại trường. Hàng trăm giảng viên của nhà trường được tham gia học tập, nghiên cứu ở những môi trường y khoa tiên tiến hàng đầu thế giới. Khi trở về đơn vị, họ trở thành những người lãnh đạo, hay chuyên gia đầu ngành. Những đoàn giáo sư, bác sĩ, chuyên gia quốc tế về tại nhà trường hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ, trực tiếp khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Như trong năm 2023 và đầu năm 2024 này, hàng trăm bệnh  nhân bị dị tật khe hở môi, vòm miệng đã được nhà trường phối hợp với các đối tác tiến hành phẫu thuật thành công…

Trường đại học Y - Dược tiếp tục duy trì những hợp tác đã có và mở rộng thêm những hợp tác mới. Trong chuyến công tác với đoàn của Thủ tướng Chính phủ sang làm việc tại Rumani trong tháng 2/2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế đã ký kết hợp tác với Bệnh viện Cấp cứu, Trường đại học Bucarét. Hợp tác sẽ giúp Trường đại học Y - Dược nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đưa hoạt động hợp tác nghiên cứu học thuật lên một tầm cao mới. Đặc biệt có hợp tác để thúc đẩy chẩn đoán ung thư và tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu liên quan đến ung thư, một lĩnh vực mới và quan trọng hiện nay.

Bán dẫn là ngành “hot” của mùa tuyển sinh 2024 này. Để chủ động trong đào tạo lĩnh vực mới, Đại học Huế đã hợp tác với Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân, Đài Loan. Phía đối tác Đài Loan thống nhất sẽ hỗ trợ, tư vấn và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại Đại học Huế. Hay như trước đó không lâu, thông qua bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh kết nối các trường đại học tại Hoa Kỳ với Đại học Huế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch. Bà Susan Burns cũng khẳng định, sẽ kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ để nâng cao kỹ năng cho sinh viên.

PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết, vị thế của Đại học Huế được nâng cao thông qua các hoạt động xây dựng mạng lưới đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đại học Huế là thành viên tích cực và có trách nhiệm của 20 mạng lưới đại học, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Năm qua, đã ký mới 58 thỏa thuận hợp tác với các cơ sở giáo dục, tổ chức, nâng tổng số thỏa thuận hợp tác đang còn hiệu lực lên 204. Năm qua, Đại học Huế cũng đón tiếp 388 đoàn khách quốc tế đến thăm, thảo luận các cơ hội hợp tác, giảng dạy, làm việc, học tập và thực tập. Ngược lại, đã tổ chức 107 đoàn cán bộ và sinh viên tham gia các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên môn, hợp tác nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục quốc tế.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao

Đó là mục tiêu đặt ra tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSVMN), giai đoạn I (2021-2025). Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 14 và 15/5 tại Huế, được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.

Tạo bứt phá cho vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao
“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”

Đó là những chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án VinFast. Ông đang là cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup. Theo ông, thế hệ trẻ đang sống trong giai đoạn nhiều cơ hội với trí tuệ nhân tạo (AI), là “thế giới phẳng”nhưng cũng là thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi mỗi người trẻ phải có sự thay đổi, có sự chuẩn bị, trang bị các kỹ năng để khi “cờ” đến tay mới có thể “phất” được.

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”
Thanh sắc Cố đô

Yêu những âm sắc thanh thoát nhẹ nhàng mà sâu lắng của giọng nói xứ Kinh kỳ, một nhóm sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Huế đã thực hiện dự án sách nói hoàn toàn bằng giọng Huế. “Thanh sắc Cố đô” chính là món quà mà những bạn trẻ này muốn dành tặng các em khiếm thị tại địa phương cũng như khắp mọi miền đất nước.

Thanh sắc Cố đô
Nguồn nhân lực chất lượng cao: Gỡ điểm nghẽn để phát triển

Phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao gắn với xây dựng các kỹ năng nghề thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm là hướng đi cần thiết của Thừa Thiên Huế trong việc thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn nhân lực chất lượng cao Gỡ điểm nghẽn để phát triển
Return to top